Số lượng trường phổ thông dân tộc bán trú đã tăng tới 6 lần trong vòng bốn năm qua. Năm học 2010-2011 chỉ có hai tỉnh có trường phổ thông dân tộc bán trú với 127 trường. Đến năm học 2011-2012, mô hình trường này đã nhân rộng ở 20 tỉnh với 403 trường.
Đây là số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tại Hội nghị về trường phổ thông dân tộc nội trú vừa diễn ra tại Hà Nội.
Được bắt nguồn từ mô hình trường bán trú dân nuôi, trường trung học phổ thông dân tộc bán trú chính thức ra đời từ năm 2010 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình trường này.
Từ đó dến nay, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú đã phát triển tại các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Các trường đã góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần đào tạo nguồn cán bộ cho các vùng này, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương trong thời kỳ đổi mới.
Khẳng định mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với đặc thù học sinh dân tộc miền núi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhưng phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cũng cho biết việc phát triển loại hình trường này gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất.
Tính đến năm học 2013-2014, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường phổ thông dân tộc bán trú trên toàn quốc là trên 132 tỷ đồng, nhưng điều kiện trường lớp, ăn ở của học sinh vẫn nhiều bất cập.
Toàn quốc có gần 4.800 phòng nội trú cho học sinh bán trú nhưng trong đó 40% là phòng ở tạm, có hơn 27.400 giường nhưng có 21% là giường tạm, có trên 1.500 nhà vệ sinh nhưng trong đó 38% chưa đạt chuẩn, có 664 công trình nước sạch trong đó 64% không đạt chuẩn, có trên 1.000 nhà bếp nhưng 61% không đảm bảo yêu cầu.
Cả nước chưa có trường phổ thông dân tộc nội trú nào mới thành lập mà chỉ chuyển đổi từ trường tiểu học, trường phổ thông cơ sở (trường gồm cả tiểu học, trung học cơ sở) và trường trung học cơ sở.
Theo các sở giáo dục và đào tạo, việc huy động xã hội hóa tại các địa phương gặp nhiều khó khăn do đời sống đồng bào dân tộc còn nghèo. Người dân chỉ có thể góp công lao động hoặc các vật dụng phục vụ đời sống học sinh như củi đun, thức ăn... Để có cho cơ sở vật đảm bảo, các địa phương đều kiến nghị Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa.