| Hotline: 0983.970.780

Sống khổ bên dòng Pô Kô

Chủ Nhật 09/07/2023 , 09:50 (GMT+7)

Kon Tum Dòng sông Pô Kô huyền thoại đang ngày đêm 'nuốt' đất sản xuất, cây cối, hoa màu, thậm chí còn đe dọa những làng mạc, nhà dân, uy hiếp tuyến đường huyết mạch…

Sông Pô Kô đoạn qua thôn Đắc Túc, xã Đắk Kroong sạt lở, huy hiếp đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Đăng Lâm.

Sông Pô Kô đoạn qua thôn Đắc Túc, xã Đắk Kroong sạt lở, huy hiếp đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Đăng Lâm.

Nguy cơ đứt đường

Pô Kô là con sông lớn chảy qua địa bàn các huyện Đắk Glei, Ngọc Hồi và Đắk Tô (tỉnh Kon Tum). Con sông này vốn nổi tiếng bởi phù sa màu mỡ, nhiều loài thủy sản có giá trị. Từ bao đời nay, người dân sống dọc dòng Pô Kô, dựa vào dòng sông để mưu sinh.

Con sông đã giúp người dân thu hoạch cá, tôm, cung cấp nước tưới, phù sa cho cây trồng. Những đồng ruộng, vườn mì, bắp, đậu, ngô nhờ đó mà xanh rờn, quả nặng trĩu cây. Con sông ban lộc nhưng cũng chính sông Pô Kô đã khiến người dân sống dọc hai bên bờ sông luôn nơm nớp nỗi lo bởi cứ đến mùa mưa, dòng Pô Kô lại hung dữ, cuốn phăng cây trồng của dân hai bên bờ.

Giữa những ngày Kon Tum đổ những cơn mưa nặng hạt, chúng tôi vượt trên 100 cây số dọc đường Hồ Chí Minh từ huyện Đắk Glei về Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) và chứng kiến dòng sông bị sạt lở nặng nề.

Tại đoạn sông qua thị trấn Đắk Glei (huyện Đắk Glei), dòng nước chảy xiết khiến đất sản xuất 2 bên bờ bị xói lở. Nhiều diện tích sắn trồng dọc bờ sông bị con sông gặm sâu vào đất. Do thành phần đất sản xuất là cát pha nên đất rất bở, cộng với nước sông đổ vào đã làm những vạt đất đổ ập xuống lòng sông. Cây sắn đang trồng cũng bị cuốn phăng, ruộng sắn bỗng chốc biến thành… lòng sông.

Đất sản xuất qua thị trấn Đắk Glei bị sạt lở. Ảnh: Đăng Lâm.

Đất sản xuất qua thị trấn Đắk Glei bị sạt lở. Ảnh: Đăng Lâm.

Căn nhà anh Nguyễn Hồ Chí Tín (thôn Long Nang, thị trấn Đắk Glei, huyện Đắk Glei) nằm bên bờ sông Pô Kô, với một thửa đất trồng cây nông nghiệp. Những năm qua, con sông đã “nuốt chửng” phần đất ở phía sau, khiến nhà bị sạt lở. Rẫy đất trồng cây nông nghiệp cách nhà khoảng 100m cũng chung tình cảnh bị sông nuốt.

“Sạt lở đất khiến gia đình bất an, lo lắng. Sợ không nhanh chóng khắc phục thì nhà sẽ bị sông nuốt nên năm 2022, gia đình tôi đã vay mượn 500 triệu đồng để làm kè, xây phần nền sau nhà. Bây giờ tạm yên ổn, hy vọng sẽ chống chọi được với sông Pô Kô mỗi khi vào mùa mưa”, anh Tín nói.

Cũng theo anh Tín, sau khi đầu tư hết nửa tỷ đồng để làm kè bảo vệ nhà, gia đình đã hết tiền nên không thể làm kè để bảo vệ mảnh vườn trồng cây nông nghiệp còn lại. Vì thế, thửa đất nông nghiệp trên sẽ tiếp tục bị sạt lở trong sự bất lực của gia đình.

Trường học nằm mép sông, nguy bị bị sông huy hiếp. Ảnh: Đăng Lâm.

Trường học nằm mép sông, nguy bị bị sông huy hiếp. Ảnh: Đăng Lâm.

Không chỉ đất sản xuất mà đoạn sông qua thị trấn cũng uy hiếp nhà dân. Đó là điểm trường Mầm non - Tiểu học thôn Đắk Poi và nhiều nhà dân nằm mép sông cũng đang trong tình cảnh chờ sông “nuốt”. Tiếp tục xuôi về đoạn sông qua thôn Đắk Túc, xã Đắk Kroong, huyện Đắk Glei, dòng sông hung dữ cũng làm sạt lở một khối lượng lớn đất đá.

Đặc biệt, một đoạn đường Hồ Chí Minh dài hàng chục mét cũng đang bị sông uy hiếp. Hiện trạng là sông đã ăn dần vào phần hộ lan đường, làm phần kè bị sạt. Tình trạng này kéo dài mà không có phương án bảo vệ, đường Hồ Chí Minh sẽ bị con sông xâm lấn, nguy cơ đứt đường vào mùa mưa lũ.

Đề nghị đầu tư kè chống sạt lở

Ông A Thăm, Chủ tịch UBND xã Pô Kô (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết: Đoạn sông Pô Kô chảy qua 5 thôn với chiều dài khoảng 10km. Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều năm nay và con sông ăn dần vào đất sản xuất của bà con.

Có hộ bị sạt lở đến nỗi bà con không thể canh tác được. Xã có 830 hộ dân thì có khoảng 30% hộ có đất đai, cây trồng bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông. Hiện địa phương không thể làm kè để bảo vệ đất sản xuất vì tiền đầu tư quá lớn. Vì vậy, bà con phải sống chung với sạt lở bờ sông.

z4460190651805_fba71fa89bf98577d48a2b103332e6a4

Đất sản xuất bị sạt lở. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo bà Đinh Thị Y Ngọc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đắk Glei, sông Pô Kô chảy qua 5 xã, thị trấn của huyện. Khoảng 5 năm trở lại đây, dòng chảy sông thay đổi, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân.

Để đảm bảo an toàn, huyện đã di dời được 244 hộ dân của các xã Đắk Pek, Đắk Kroong, Đắk Man và thị trấn Đắk Glei sống gần khu vực sông đến nơi ở mới an toàn. Hiện nay, dọc sông Pô Kô qua huyện còn có khoảng 65 hộ khác có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Để giúp ổn định đời sống, tài sản, các công trình công cộng của nhà nước cũng như của người dân, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh xem xét phân bổ kinh phí để phê duyệt phương án chỉnh trị sông Pô Kô và đầu tư kè chống sạt lở trên sông này.

Cũng theo bà Ngọc, chiều dài sông Pô Kô qua huyện là 32km, trong đó, chiều dài sông đã được đầu tư xây kè là hơn 1,9km. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư khoảng 5km kè phía Tây sông Pô Kô từ Trung tâm Chính trị huyện đến cuối thị trấn Đắk Glei để đảm bảo sự an toàn cho các hộ dân.

Ông A Gô, Trưởng thôn Đắk Túc (xã Đắk Kroong, huyện Đắk Glei): “Thôn có nhiều hộ sản xuất dọc sông. Năm nào cũng thế, cứ đến mùa mưa bão, bà con trong thôn sợ sông cuốn đất sản xuất. Thực tế, năm nào đất sản xuất, hoa màu của bà con cũng bị sông cuốn. Trong đó, năm ngoái đất bị sạt lở nhiều nhất với khoảng 3ha của 32 hộ. Có 6 nhà sống sát sông, về lâu dài có nguy cơ bị sạt lở. Bà con mong muốn xây kè để khỏi sạt lở”.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bản văn hóa 4.0 chuyển mình với những 'dự án 0 đồng'

Bản văn hóa Nà Sự, xã Chà Nưa có gần 140 hộ dân người dân tộc Thái cùng sinh sống và có nét đặc trưng văn hóa, phong tục độc đáo.