| Hotline: 0983.970.780

Gốc rễ tình trạng sạt lở ở ĐBSCL

Thứ Sáu 16/06/2023 , 10:29 (GMT+7)

Hơn 1 tháng qua, các địa phương đã ghi nhận hàng chục vụ sạt lở bờ sông, khiến nhiều căn nhà bị nhấn chìm, công trình giao thông bị chia cắt.

Hiện trường sạt lở tại bờ sông Cái Cao huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long xảy ra ngày 9/6. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện trường sạt lở tại bờ sông Cái Cao huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long xảy ra ngày 9/6. Ảnh: Minh Đảm.

Hàng loạt vụ sạt lở bờ sông

Dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu nhưng ở ĐBSCL tình hình sạt lở, rạn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch, thiệt hại nhà cửa, tài sản, lúa, hoa màu do mưa dông rất phức tạp. Theo dự báo của các ngành chức năng và chuyên gia, tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Tại tỉnh Vĩnh Long, mới đây địa phương này đã xảy ra hai vụ sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng. Ngày 9/6 tại ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ đã xảy ra sạt lở đoạn đê bao sông Cái Cao dài hơn 150m. Vụ sạt lở đã ảnh hưởng đến 23 hộ dân, trong đó có 1 hộ dân phải thuê nhà ở trọ. Hàng chục hộ dân còn lại sống trong tình trạng giao thông bị chia cắt và nơm nớp lo sợ.

Ngày 11/6, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp mức độ nguy hiểm sạt lở tại bờ sông Cái Cao, đoạn từ nhà máy Vinh Quang đến hộ ông Đặng Thanh Sơn có chiều dài khoảng 460m, thuộc ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ.

Ông Lâm Thành Phương, một hộ dân trong khu vực sạt lở tại ấp Cái Cao cho biết: “Hai vợ chồng tôi bán buôn ngoài chợ, đủ ăn qua ngày. Bây giờ tới đâu hay tới đó chứ đâu có tiền mua đất cất nhà nữa. Giờ cũng mong sao cho nó đừng có lở nữa, có chỗ ổn định làm ăn”.

Sạt lở bờ sông ảnh hưởng 9 hộ dân xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Sạt lở bờ sông ảnh hưởng 9 hộ dân xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng trong ngày 11/6 tại ấp Tích Lộc, xã Tích Khánh, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long lại xảy ra điểm sạt lở bờ sông với chiều dài khoảng 80m khiến 9 hộ dân với 21 nhân khẩu ven sông phải di dời khẩn cấp, trong đó có 3 hộ gặp nhiều khó khăn về nhà ở phải ở tạm trong trường học.

Ngày 12/6, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt ở bờ sông ở khu vực này. Trước đó, tại Vĩnh Long cũng đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông như cồn Thanh Long tại huyện Vũng Liêm trên sông Cổ Chiên, sạt lở ở cù lao Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn…

Còn tại tỉnh Long An, trong ngày 9/6, UBND tỉnh này đã ban hành liên tiếp 2 quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cần Giuộc (đoạn cặp ĐT.826C) xã Phước Lại (huyện Cần Giuộc) và bờ sông Vàm Cỏ Tây (đê bao liên ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình) xã Thủy Đông (huyện Thạnh Hóa).

Theo đó, sạt lở xảy ra tại khu vực bờ sông Cần Giuộc (đoạn cặp ĐT.826C) xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc đặc biệt nguy hiểm, chiều dài sạt lở khoảng 70m, tại đây xuất hiện nhiều vết nứt, từ lề đường sát nhà dân và lan ra giữa đường nhựa ĐT.826C.

Vết nứt rộng khoảng 6-8cm, sát lề đường đất bị lún khoảng 8-10cm, tạo thành khung trượt hướng về phía sông Cần Giuộc và có nguy cơ xảy ra sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của các hộ dân đang sinh sống trong khu vực và làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng ĐT.826C.

Sạt lở bờ sông tại tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sạt lở bờ sông tại tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đê bao liên ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình) xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa với chiều dài sạt lở khoảng 50m. Đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông từ 4 - 6m (dạng hàm ếch), chiều rộng sạt lở từ sát mé sông vào trong đê bao từ 12 - 13m.

Ngoài ra, khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rộng với kích thước khe nứt từ 2 - 10cm, phạm vi xuất hiện vết nứt dài khoảng 160m và có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở. Ước mức độ thiệt hại, khoảng 250m3 đất bị nước cuốn trôi, sụp đổ 15m đường bê tông, 45m tường và cổng hàng rào nhà dân, 20m tường rào cặp sông.

Tại Tiền Giang, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 34 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 8.800m, kinh phí khắc phục trên 47 tỷ đồng. Gần nhất, tại đường huyện 54B phía đông sông Ba Rài tại địa bàn xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy xảy ra 2 điểm sạt lở nghiêm trọng có chiều dài từ 40m – 50m làm chia cắt giao thông của tuyến đường này.

Còn tại TP Cần Thơ, theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tính từ đầu năm đến cuối tháng 5, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 10 đợt sạt lở ở các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 531m với tổng thiệt hại ước tính gần 16 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Long An thăm hỏi và hỗ trợ gia đình bị sạt lở. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lãnh đạo tỉnh Long An thăm hỏi và hỗ trợ gia đình bị sạt lở. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Canh cánh nỗi lo sạt lở

Đối với người dân ở cù lao huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, sạt lở có lẽ là từ ngữ gây ám ảnh nhiều nhất bởi hậu quả nó gây ra. Vụ sạt lở kinh hoàng mới đây, tại khu vực ấp Mỹ Hội (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) dài 70m, cắt đứt đường giao thông liên xã Mỹ Hội Đông và Nhơn Mỹ, khiến 14 căn nhà và 2 nền nhà của người dân bị đổ sập xuống sông Hậu, đến nay vẫn chưa khắc phục hết thiệt hại.

Ngày 5/6 vừa qua, cũng trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông, tuyến đê bờ Tây kênh Đồng Tân (khu vực thuộc tổ 3 - 4, ấp Mỹ Hòa B) xảy ra sụt lún đất và răn nứt phía chân đê. Người dân không khỏi lo lắng khi tổng chiều dài sụt lún khoảng 40m, ngang khoảng 2m, ảnh hưởng đến lộ nhựa nông thôn liên xã.

Còn trên địa bàn TP Long Xuyên (An Giang), nhiều hộ dân sống dọc theo rạch Cái Sắn (phía bờ phường Mỹ Thạnh) canh cánh nỗi lo sạt lở khi mùa mưa đến. Nỗi lo càng lớn hơn khi ngày 31/5 vừa qua, xuất hiện tình trạng răn nứt đường cặp bờ rạch Cái Sắn (đoạn từ cầu Cái Sắn lớn đến cầu Năm Sú, thuộc tổ 17, khóm Thới Hòa, phường Mỹ Thạnh). Đoạn rạn nứt có chiều dài khoảng 35m, vết nứt từ 1  -20cm, khiến 7 căn nhà bị nghiêng ra bờ rạch Cái Sắn.

Sạt lở tại TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sạt lở tại TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không chỉ tuyến bờ các sông, kênh lớn thường xuyên đối diện nguy cơ sạt lở, gần đây, nhiều tuyến kênh, rạch nhỏ hơn cũng sạt lở phức tạp.

Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết: Toàn tỉnh An Giang có gần 60 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm.

Phần lớn nguyên nhân gây sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch do mái bờ thẳng đứng, sự chênh lệch của mực nước triều lớn, nền đất yếu, nhiều nơi tác động dòng chảy tạo hàm ếch. Khi mưa lớn kéo dài làm cấu trúc đất bở rời, tác động thêm của sóng do các phương tiện giao thông thủy gây ra, áp lực giao thông trên bộ và các công trình, nhà ở càng nhiều khiến sạt lở càng thêm nguy hiểm.

Sạt lở chia cắt đường giao thông ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Sạt lở chia cắt đường giao thông ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Để ứng phó sạt lở lâu dài, tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng các cụm, tuyến dân cư và có cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư, đáp ứng nhu cầu bố trí cho các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở có nơi ở ổn định. Đồng thời, quy hoạch lại hệ thống giao thông, chợ, trường học, công trình xây dựng… theo hướng xa bờ sông, giảm áp lực lên bờ nhằm hạn chế sạt lở và thiệt hại do sạt lở.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL, nhận xét: Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở ĐBSCL hiện nay là thiếu phù sa và cát, do thủy điện chặn cát và phù sa, và do khai thác cát. Nguyên nhân gốc vẫn còn thì hệ quả sẽ vẫn còn tiếp diễn. Biện pháp công trình rất đắt đỏ và không hữu hiệu, bảo vệ nơi này thì sạt nơi khác và dần dần chính công trình chống sạt lở cũng sụp đổ. Do đó, không nên làm bờ kè tràn lan. Chỉ nên làm kè bảo vệ những nơi nào thật sự xung yếu, trước mắt không thể bỏ. Thay vào đó, kinh phí làm kè nên được dùng để di dời người dân khỏi những nơi nguy cơ cao.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.