| Hotline: 0983.970.780

Khốn khổ vì kè chống sạt lở gây ngập úng

Thứ Tư 14/06/2023 , 16:18 (GMT+7)

KON TUM Ngoài việc kè bị sạt lở thì phần cống của kè còn bị nghẹt, thoát nước kém gây ngập úng nhiều diện tích cây trồng, khiến cư dân thôn Đông Sông khốn khổ.

Phần diện tích cây trồng của người dân thôn Đông Sông thường xuyên bị ngập do cống thoát nước kém. Ảnh: Tuấn Anh.

Phần diện tích cây trồng của người dân thôn Đông Sông thường xuyên bị ngập do cống thoát nước kém. Ảnh: Tuấn Anh.

Cây cối ngập úng vì… cống tắc

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh kè chống sạt lở sông Pô Kô đoạn qua thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) thi công 14 năm chưa hoàn thiện đã tan nát khi chưa bàn giao, người dân tiếp tục phản ánh phần cống của kè thoát nước kém, làm ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến cuộc sống và làm hư hỏng cây cối, hoa màu của người dân thôn Đông Sông. Cư dân mong muốn đơn vị có trách nhiệm khắc phục để dân bớt khổ.

Ông Đỗ Duy Tuyền, Trưởng thôn Đông Sông dẫn phóng viên thị sát những bất cập của hệ thống cống thoát nước của kè. Vừa đi, ông kể, toàn thôn có 116 hộ dân. Từ lúc bờ kè triển khai giai đoạn 2 vào năm 2021 đến nay, khi lũ đến nước thoát không kịp, gây ngập lụt cục bộ với mật độ dày hơn so với lúc chưa hoàn thành bờ kè.

Có 37 hộ thường xuyên bị ngập khi có mưa lũ lớn, trong đó 23 hộ nằm trong vùng lõi ngập lụt với diện tích hơn 20ha cây trồng.

Ông Tuyền cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng là do cống thoát nước bờ kè không đáp ứng khả năng tiêu thoát nước. Thôn đã kiến nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc để có biện pháp khắc phục.

Cống thoát nước bị bồi lấp, thoát nước kém, gây ngập úng. Ảnh: Tuấn Anh.

Cống thoát nước bị bồi lấp, thoát nước kém, gây ngập úng. Ảnh: Tuấn Anh.

Phản ánh với chúng tôi, bà Hoàng Thị Mùa (thôn Đông Sông) cho biết, trước kia, tình trạng ngập úng rất ít nhưng trong 2 năm nay, từ lúc xây kè, cứ vào mùa mưa lũ thì tình trạng ngập úng nặng hơn.

Đặc biệt, năm 2022, khoảng 14.000m2 đất nông nghiệp trồng cây gồm bời lời, chuối, mì, hoa màu, ao thả cá của gia đình bà thường xuyên bị ngập, khiến cây cối bị chết. “Tôi mong các cấp, các ngành có biện pháp xử lý, khắc phục triệt để tình trạng ngập úng để người dân yên tâm lao động sản xuất”, bà Mùa đề nghị.

 Ký cam kết khắc phục… rồi để đó

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei cho biết, việc ngập úng ở thôn Đông Sông có nhiều yếu tố. Ngoài do thiên tai, thì còn do hệ thống tiêu thoát nước của bờ kè thiết kế chưa đảm bảo, dẫn đến khi hoàn thiện thì có một số bất cập.

Cụ thể như đoạn dài từ cầu treo đường Chu Văn An đến cầu Pô Kô không có một hệ thống thoát nước nào, điều này ảnh hưởng đến hệ thống tiêu lũ của khu vực thôn Đông Sông. Trên cơ sở kiến nghị cử tri, thị trấn đã chuyển ý kiến của người dân đến cấp có thẩm quyền.

Tỉnh Kon Tum có thành lập đoàn lên kiểm tra, làm việc và tại buổi làm việc, địa phương đề nghị bổ sung một số cống thoát nước nhưng đơn vị có trách nhiệm của dự án nói không có vốn nên chưa triển khai được.

Trưởng thôn Đông Sông bên diện tích đất thường xuyên ngập úng do cống của kè thoát nước kém. Ảnh: Tuấn Anh.

Trưởng thôn Đông Sông bên diện tích đất thường xuyên ngập úng do cống của kè thoát nước kém. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Kon Tum cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, vào ngày 27/4 vừa qua, chủ đầu tư phối hợp với địa phương, ngành chức năng, nhà thầu, đơn vị tư vấn đi kiểm tra hiện trạng cống thoát nước ngang của dự án tuyến kè.

Các đơn vị liên quan đã xác định việc chưa thoát được nước là do cống của bờ kè sau nhiều năm xây dựng bị nghẹt nhưng chưa được nạo vét, trong khi huyện Đăk Glei đổ đất nhiều, làm bồi lấp.

Qua kiểm tra, đoàn đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng và thống nhất giải pháp khắc phục. Biên bản nêu rõ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị thi công tiến hành nạo vét cửa vào, ra các cống thoát nước ngang để đảm bảo khả năng thoát nước.

Còn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei (thuộc UBND huyện Đắk Glei) có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị thi công nạo vét phần đất lấp của hố thu nước cống số 3A…

Đất các đơn vị thi công dự án đổ ra kè làm lấp cống. Ảnh: Tuấn Anh.

Đất các đơn vị thi công dự án đổ ra kè làm lấp cống. Ảnh: Tuấn Anh.

Tuy nhiên, dù đã thống nhất ký biên bản vào ngày 27/4, nhưng hơn 1 tháng sau, khi phóng viên có mặt, 2 đơn vị trên vẫn chưa triển khai các giải pháp như đã thống nhất trong biên bản đã ký. Trong khi mùa mưa đã đến, nếu không giải quyết kịp thời, thì cây trồng của người dân sẽ tiếp tục bị ngập.

Lý giải về việc này, ông  Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Kon Tum cho biết, do phía Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei chưa triển khai múc phần đất lấp nên đơn vị chưa thể chỉ đạo nhà thầu nạo vét cống.

Khi nào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei múc đất đi như biên bản đã thống nhất thì đến lượt đơn vị sẽ chỉ đạo nhà thầu nạo vét như phần việc trong biên bản đã ký.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, kè chống sạt lở sông Pô Cô có mức đầu tư 93 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Kon Tum làm chủ đầu tư, thi công từ năm 2009. Quá trình triển khai dự án bị gián đoạn do thiếu vốn. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã chi 37 tỷ đồng để triển khai kè.

Dự án thi công xong, chưa bàn giao thì hư hỏng nặng. Đoạn kè bị hư hỏng do Công ty TNHH Tuấn Dũng (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thi công và nhà thầu này phải bỏ khoảng 1 tỷ đồng để sửa chữa.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất