| Hotline: 0983.970.780

"Sống không thể thiếu Hoàng Sa"

Thứ Năm 15/05/2014 , 09:28 (GMT+7)

Đó là tuyên bố của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong bối cảnh Trung Quốc đang ngang nhiên xâm lấn lãnh hải Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981./ Vẫn Hoàng Sa thẳng tiến

Về Lý Sơn những ngày này, tôi cảm nhận được rất rõ lòng yêu nước đang sục sôi trong lòng từng người dân huyện đảo.

Không chỉ ngư dân trẻ, mà cả những lão ngư tuổi thất thập, bát thập đều rất phẫn uất trước hành động hạ đặt giàn khoan một cách ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân nơi đây.

08-32-32_1
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn

Lão ngư Nguyễn Ân (82 tuổi) ở khu 6, thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn), bức xúc: “Không biết căn cứ vào đâu mà Trung Quốc dám bảo Hoàng Sa không phải thuộc chủ quyền của Việt Nam, rồi bây giờ lại táo tợn đặt giàn khoan ngay trên ngư trường mà ông cha chúng tui đã từng bám biển khai thác, rồi con cháu nối nghiệp cho tới tận nay.

Đã vậy, họ còn cho tàu quân sự rượt đuổi, phá hoại tàu cá của ngư dân Lý Sơn dù đang đánh bắt ngay trên vùng biển của mình. Tui nói với con cháu trong nhà rồi, chẳng sợ gì hết; nó phá phách tàu cá của ngư dân là tỏ rõ ý muốn lấn chiếm vùng biển Hoàng Sa thì mình phải càng tỏ rõ ý chí gìn giữ. Nó càng ngăn cản mình càng bám biển để khẳng định chủ quyền”.

Càng nói cụ Nguyễn Ân càng nóng máu, đôi cánh tay gân guốc cứ vung lên liên tục. Cụ Ân kể thêm: Hồi đó, ở Lý Sơn có cả trăm chiếc ghe buồm chuyên đi đánh bắt cá chuồn.

Cụ là đời thứ 3 trong gia đình có nghề truyền thống khai thác hải sản xa bờ, theo cha đi biển hồi mới 14 tuổi, Hoàng Sa là ngư trường chính từ xưa đến giờ.

Thời ấy chỉ đi ghe buồm. Ghe được đóng ván 2 bên mạn, đáy làm bằng mê tre trát dầu rái, dài khoảng 24 thước mộc, rộng 7 thước và cao 7 tấc mộc. Mỗi lần ra khơi chỉ đi được 4 người, đánh bằng lưới gai. Nhưng ngư trường Hoàng Sa rất nhiều cá nên chuyến biển nào cũng khẳm be. “Lúc có gió thì giong buồm, hết gió anh em cùng chèo.

Đêm đốt đèn bão để đi, phải mất 4 ngày đêm mới ra tới ngư trường Hoàng Sa, đánh bắt đúng nửa tháng là về. Ghe nào no thì được 1 muôn cá (1 vạn), ghe nào ít cũng 5 thiên (5.000 con). Mỗi tháng đi 2 chuyến, cuộc sống ngư dân sung túc”.

Ngồi bên cạnh, lão ngư Võ Miền (84 tuổi) cũng nói mạnh: “Rõ ràng Hoàng Sa là ngư trường thuộc chủ quyền của dân Lý Sơn từ bao đời nay. Vậy mà giờ Trung Quốc dám lật lọng bảo không phải. Tui già mắt kém nhưng mấy hôm nay, ngày nào cũng coi ti vi để xem Trung Quốc điêu ngoa tới cỡ nào. Xong tui kêu con cháu lại biểu chúng dù thế nào cũng phải bảo vệ cho được vùng biển của ông bà đã có công khai phá”.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, cho biết: “Ngay từ khi Trung Quốc rục rịch đưa giàn khoan trên mấy chục chiếc tàu từ đảo Hải Nam ra nơi hạ đặt trái phép, lực lượng tàu cá của ngư dân trong Nghiệp đoàn nghề cá An Hải đang đánh bắt tại vùng biển gần đó đã phát hiện, báo ngay về.

Tôi lập tức báo lên cho các cấp ngành chức năng để kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Từ trước đây, chuyện ra biển của ngư dân Lý Sơn không chỉ với mục đích mưu sinh, mà còn có trách nhiệm phát hiện những dấu hiệu bất thường, hoặc thấy tàu lạ trên vùng biển của mình là phải báo cáo về bờ ngay”.

“Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã gửi lời thăm hỏi, động viên nhân dân Lý Sơn; đánh giá cao sự kiên cường của ngư dân Lý Sơn trong tinh thần bám biển. Đồng thời đặc biệt thăm hỏi ngư dân Nguyễn Lộc ở thôn An Vĩnh có tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm vỡ vừa đưa tàu vào bờ sửa chữa”, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn,
cho biết.

Sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 lấn sâu trên vùng biển của Việt Nam, ngư dân Lý Sơn đã tổ chức buổi mít tinh phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc.

“Sau buổi mít tinh, ngư dân kéo nhau đến Nhà tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải, thề trước vong linh các tiền nhân từng nhận nhiệm vụ ra bảo vệ Hoàng Sa rằng: Dù khó khăn cỡ nào ngư dân cũng sẽ quyết tâm bám biển để giữ vững ngư trường Hoàng Sa, không phụ lòng ông cha đã có công gìn giữ bao đời nay”, ông Nguyễn Quốc Chinh nói.

Không khí trên đảo Lý Sơn đang rất sùng sục, nhân dân căm phẫn sự ngang ngược của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Trong buổi làm việc với bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tôi mới thấy hết sự kiên cường của những người dân đất đảo.

“Ngư dân Lý Sơn xác định sống không thể thiếu Hoàng Sa, họ sẽ không cam lòng nhìn thấy ngư trường bị xâm chiếm.

Anh thấy đấy, dù hiện nay Trung Quốc đặt giàn khoan ngáng ngang đường ra vào ngư trường Hoàng Sa, đâm tàu, phá hoại không cho ngư dân khai thác nhưng ngư dân đâu ngán chút nào. Họ vẫn cứ liên tục vươn khơi bám biển, thậm chí bây giờ họ đi còn nhặt hơn, không cho tàu nghỉ bờ ngày nào”.

08-32-32_2
Cụ Nguyễn Ân (trái) và cụ Võ Miền (phải) phẫn uất trước sự ngang ngược của Trung Quốc

Cũng theo bà Hương, suốt nhiều ngày nay, các cấp ngành chức năng của Lý Sơn không ngừng tuyên truyền để ngư dân trên đảo cập nhật tình hình nóng bỏng trên biển Đông, đồng thời động viên họ yên tâm bám biển vì sát cánh bên họ luôn có những lực lượng chấp pháp, cũng như nhân dân cả nước lẫn quốc tế đang hướng về họ.

Bà Hương khẳng định: “Lý Sơn là vùng đất phên giậu của Tổ quốc về phía biển Đông. Nay Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép chỉ cách Lý Sơn 119 hải lý, lấn chiếm ngư trường truyền thống của ngư dân, gây bất an cho người dân đất đảo. Chính quyền cùng nhân dân Lý Sơn kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải nhanh chóng rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, trả lại con đường ngư dân Lý Sơn đưa tàu thuyền đi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa”.

Xem thêm
Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.