| Hotline: 0983.970.780

Vụ án thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng:

Sự dễ dãi của hệ thống Ngân hàng BIDV phải chăng là căn nguyên?

Thứ Tư 04/10/2017 , 08:49 (GMT+7)

Ném một lúc 4.700 tỉ vào 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh, đối với một ngân hàng lớn như BIDV, tưởng chừng sai phạm đó đã là tới hạn. Nhưng không...

Nhưng không, ngân hàng BIDV còn nhiều khoản vay khác của Phạm Công Danh. Nhiều đến nỗi người ta có cảm giác ngân hàng này chỉ là cái túi đựng tiền của Phạm Công Danh và lãnh đạo ngân hàng BIDV…

Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: http://dantri.com.vn


Vay 1.700 tỉ đồng dễ như… cầm đồ

Như báo NNVN số ra ngày 2/10 đã phản ánh, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch BIDV có mối liên quan đặc biệt đến khoản vay 4.700 tỉ của 12 công ty “ma” do Phạm Công Danh lập ra và chính ông Hà là người kí duyệt với tư cách là Trưởng phân ban rủi ro tín dụng đầu tư.

Tại bài viết này, NNVN tiếp tục thông tin đến bạn đọc về khoản vay 1.700 tỉ khác được sử dụng sai mục đích của Phạm Công Danh, cũng do ông Hà ra quyết định phê duyệt.

Cụ thể, ngày 27/2/2012, Phạm Công Danh với pháp nhân là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh có hồ sơ xin vay số tiền 2.000 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng 5 lô đất thuộc dự án “Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng”. 5 lô đất này đã được UBND TP Đà Nẵng cấp GCNQSDĐ lâu dài cho 5 công ty, gồm: Cty TNHH MTV&DV Trung Dung; Cty TNHH MTV XD&KD nhà Đại Long; Cty TNHH MTV TM&DV Toàn Tâm; Cty TNHH MTV XD-ĐT-PT địa ốc Bảo Gia; Cty TNHH MTV TM&DV Đại Hoàng Phương. Tài sản đảm bảo chính là 5 giấy CNQSDĐ của 5 cty này và GCNQSDĐ tại 209, phường An Khê, quận An Khê, TP Đà Nẵng của Tập đoàn Thiên Thanh.

Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở giao dịch 2 đã tiếp nhận thẩm định hồ sơ đồng ý cho vay 1.700 tỉ đồng và trình lên Hội đồng quản trị. Ngày 15/3/2012, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV ra quyết định phê duyệt cho vay hỗ trợ tài chính tạm thời đối với Dự án “Khu phức hợp Thương mại – Dịch vụ Thiên Thanh, Đà Nẵng”.

Ngày 6/4/2012, ông Đoàn Ánh Sáng, Giám đốc BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2, ký hợp đồng tín dụng cho Phạm Công Danh, TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh vay số tiền 1.700 tỉ đồng thời hạn vay đến ngày 31/12/2012. Sau đó ít hôm, Phạm Công Danh lập bảng kê rút vốn và được bà Nguyễn Thị Mai Hoa – PGĐ BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 phê duyệt cho giải ngân chuyển 1.700 tỉ đồng bằng 8 ủy nhiệm chi vào 5 tài khoản của 5 công ty mở tại BIDV. Ngày 10/4 giải ngân 650 tỉ đồng và ngày 13/4 giải ngân tiếp 1.050 tỉ đồng.

Số tiền này Phạm Công Danh không dùng để đầu tư vào dự án “Khu phức hợp Thương mại – Dịch vụ Thiên Thanh, Đà Nẵng” như phương án vay vốn mà dùng để mua cổ phần của Hà Văn Thắm tại Ngân hàng Đại Tín, để trả nợ vay và tiêu dùng cá nhân.

Trụ sở của ngân hàng BIDV tại Hà Nội

 

Lại cấp... 900 tỉ để chi tiêu

Chỉ vài ngày sau khi được giải ngân 1.700 tỉ đồng, còn chưa kịp tiêu hết tiền thì ngày 20/4/2012, Phạm Công Danh tiếp tục đại diện cho Tập đoàn Thiên Thanh kí biên bản thỏa thuận với ông Nguyễn Thanh Dung, BIDV Chi nhánh Hải Vân gửi số tiền 1.000 tỉ đồng để BIDV Chi nhánh Hải Vân xem xét cho vay với lãi suất cạnh tranh trên cơ sở tiền gửi đối ứng.

Vẫn là chiêu bài cũ nhưng thực tế lần này hai bên không thực hiện thỏa thuận trên mà Cty TNHH MTV XD&ĐTPT Địa ốc Bảo Gia có giấy đề nghị vay vốn 1.000 tỉ đồng kèm phương án vay vốn, trả nợ vay gửi BIDV. (Công ty này do Lê Đài là Phó phòng kinh doanh Tập đoàn Thiên Thanh được Phạm Công Danh nhờ đứng tên làm giám đốc nhưng Đài không có vốn góp, không quản lý con dấu, sổ sách).

Ngày 24/5/2012, Chi nhánh Hải Vân kí hợp đồng tín dụng 001/2012/HĐTD cho Cty Bảo Gia vay 1.000 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là lô đất số 1 có diện tích 4.728 m2 và lô đất số 2 có diện tích 5.433 m2 Khu phức hợp TM&DV cao tầng Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng của Cty TNHH Thành Thành Công do Lê Duy Lương làm Tổng GĐ và Cty TNHH Hương Việt do Nguyễn Thị Kim Vân làm Tổng Giám đốc. (Đây cũng là 2 công ty "ma” của Phạm Công Danh. Vì Lê Văn Lương chỉ là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh và Nguyễn Thị Kim Vân cũng là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh).

Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Hải Vân đã giải ngân cho Cty Bảo Gia số tiền 900 tỉ đồng vào hai tài khoản: Tài khoản của Cty Thành Thành Công 445 tỉ đồng và tài khoản của Cty Hương Việt 455 tỉ đồng. Hai công ty này lại tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của Phạm Công Danh tại BIDV. Số tiền này được Phạm Công Danh chuyển lòng vòng qua các tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau và sử dụng để tiêu pha vô tội vạ.

Như vậy, chỉ với chiêu bài đơn giản là lập ra các công ty “ma”, tạo dựng tài liệu khống, phương án sản xuất kinh doanh, Phạm Công Danh đã vay từ Ngân hàng BIDV 3 lần với số tiền 7.300 tỉ đồng để chi dùng sai mục đích.

Chính vì sự dễ dãi của hệ thống BIDV, trong đó không thể bỏ qua trách nhiệm người đứng đầu là ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Trưởng phân ban rủi ro tín dụng đầu tư nên Phạm Công Danh mới có điều kiện lún sâu vào con đường tội lỗi. Để có nguồn tiền thanh toán các khoản vay của BIDV, Phạm Công Danh chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ khống để vay tiền Sacombank. Mở đầu một chuỗi khủng hoảng tín dụng liên ngân hàng.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất