| Hotline: 0983.970.780

Thời của tôm sú?

Thứ Tư 08/05/2024 , 19:00 (GMT+7)

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Tôm sú đang quay trở lại thời kỳ phục hưng, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia như Ida Skancke, nhà phân tích của Kontali (nhà cung cấp dữ liệu và phân tích độc lập hàng đầu thế giới về hoạt động nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá trên toàn cầu) và TS Manoj Sharma - nông dân nuôi tôm hàng đầu Ấn Độ vẫn nhấn mạnh vị trí, triển vọng của tôm thẻ chân trắng.

Vòng quay tôm sú - tôm thẻ - tôm sú

Tôm sú (P. monodon) là loài tôm được nuôi nhiều thứ hai trên thế giới, sau tôm thẻ chân trắng (L. vannamei). Nuôi tôm sú bắt đầu ở châu Á vào những năm 1980 và nhanh chóng trở thành loài tôm nuôi chiếm ưu thế.

Ban đầu nguồn tôm sú giống (PL) được khai thác từ tự nhiên, nhưng dịch bệnh gia tăng ở nhiều quần đàn tự nhiên đã thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất giống tôm sú.

Sản lượng tôm sú tăng từ hơn 500.000 tấn năm 2018 lên hơn 600.000 tấn vào năm 2023. Ảnh: Undercurrentnews.

Sản lượng tôm sú tăng từ hơn 500.000 tấn năm 2018 lên hơn 600.000 tấn vào năm 2023. Ảnh: Undercurrentnews.

Thêm vào đó, sự bùng phát của bệnh đốm trắng (WSSV) vào những năm 1990 đã thúc đẩy sự chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng sạch bệnh (SPF) ở châu Á. Sản lượng tôm thẻ chân trắng theo đó đã gia tăng đáng kể, nhiều nông dân đã chuyển hướng từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng SPF.

Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích của Rabobank cho biết, sản lượng tôm sú năm 2024 dự báo đạt 600.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu rất thành công nhưng việc tăng trưởng nhanh cũng dẫn đến tình trạng dư nguồn cung, giá giảm trong những năm gần đây.

Trong khi đó, sự thay đổi thị trường, cùng với những tiến bộ về giống và kỹ thuật nuôi đã giúp nông dân có xu hướng quay trở lại sản xuất tôm sú. Sản lượng tôm sú theo đó cũng tăng từ hơn 500.000 tấn năm 2018 lên hơn 600.000 tấn trong năm 2023.

Theo số liệu thống kê năm 2023, châu Á tiếp tục là khu vực sản xuất tôm sú hàng đầu. Đáng chú ý, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia nổi lên là 3 nhà sản xuất hàng đầu, bên cạnh sự đóng góp đáng kể từ Myanmar, Bangladesh và Philippines.

Dữ liệu hàng quý cho thấy, sản lượng tôm sú thường đạt đỉnh vào quý II, nhưng có một số khác biệt giữa các quốc gia. Ví dụ, Việt Nam đã đạt đỉnh sản xuất trong quý I do thời tiết tương đối khô vào thời điểm này, tạo điều kiện cho nuôi trồng ổn định hơn và nông dân cố gắng thu hoạch vào dịp Tết do nhu cầu có xu hướng tăng trong giai đoạn này.

Trong khi đó, sản lượng tôm sú của Trung Quốc đạt đỉnh vào quý III do tỷ lệ dịch bệnh ở tôm thẻ chân trắng gia tăng trong thời gian này, dẫn đến nhiều nông dân chuyển sang nuôi tôm sú.

Mặc dù sản xuất tăng ổn định nhưng doanh số bán tôm sú toàn cầu tăng chậm, chỉ đạt 122.000 tấn tôm sống (LSE) vào năm 2023, tăng gần 100.000 tấn so với năm 2019.

Việt Nam từng là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu tôm sú nhưng vị trí này đã bị Ấn Độ “soán ngôi” trong năm 2022 và 2023. Sự thay đổi này trùng hợp với việc Ấn Độ tăng năng lực sản xuất tôm sú, nhưng nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa tương đối nhỏ khiến nước này đã tập trung vào thị trường xuất khẩu.

Về bản chất, sự quan tâm trở lại với nghề nuôi tôm sú, cùng động lực tăng trưởng thị trường và thay đổi mô hình xuất khẩu đã vẽ nên một “bức chân dung sinh động” về ngành tôm toàn cầu.

Tại Ấn Độ, quá trình chuyển đổi ban đầu từ tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng vào cuối những năm 1990 diễn ra suôn sẻ, góp phần mang lại thành công đáng kể cho quốc gia này trong việc mở rộng sản lượng tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, trên toàn châu Á, không ngoại trừ Ấn Độ, sự thành công của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng có xu hướng mang tính chu kỳ.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những thách thức này, với chi phí thức ăn, nhiên liệu, điện và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh, trong khi đó giá nguyên liệu tại trang trại giảm, làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận của nông dân.

Góc nhìn thị trường

Theo TS Sharma, nỗ lực của Ấn Độ nhằm củng cố thị trường tôm nội địa đang gặp nhiều thách thức do sự hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế. Nếu Ấn Độ có mức tiêu thụ nội địa tăng thì tôm thẻ chân trắng dự kiến sẽ dẫn đầu, trong khi đó tôm sú có thể vẫn là sản phẩm thích hợp cho những người có thu nhập tốt.

Nguồn: Kontali.

Nguồn: Kontali.

Trong khi nhiều nông dân nuôi tôm Ấn Độ dường như đang mong muốn chuyển sang nuôi tôm sú thì TS Sharma lại khuyên "không nên chuyển đổi vội vàng".

TS Sharma cho rằng, việc quay trở lại nuôi tôm sú sẽ gặp phải những thách thức liên quan đến khoa học và thị trường. Người nuôi sẽ phải chi nhiều tiền hơn để quảng bá sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, Trung Quốc và EU, đặc biệt là thị trường châu Á.

Trong tương lai, các chuyên gia trong ngành dự đoán, tôm sú sẽ “hồi sinh”, bằng chứng cụ thể là sự tăng trưởng của thị trường tôm sú bố mẹ. Xu hướng này dự kiến sẽ làm giảm giá PL và cải thiện nguồn cung, khuyến khích nông dân quay trở lại sản xuất loài tôm này. Mặc dù năm 2024 có thể không đạt mức tăng trưởng hai con số nhưng các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc đã sẵn sàng mở rộng sản xuất tôm sú.

"Mặc dù sẽ không có mức tăng hai con số vào năm 2024, nhưng tăng trưởng có thể xảy ra ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi nhiều quốc gia sản xuất quan trọng khác dự kiến sẽ duy trì mức tương tự hoặc thậm chí giảm nhẹ", các chuyên gia nhấn mạnh.

Van der Pijl, người sáng lập Công ty tư vấn Shrimp Insight cho rằng, nuôi tôm thẻ chân trắng đã trở nên khó khăn hơn khi cạnh tranh gia tăng, với giá bán thấp hơn và chi phí sản xuất cao hơn. Trong bối cảnh này, chỉ những "ông lớn" có khả năng đầu tư vào công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ hoạt động nông nghiệp mới có thể tồn tại. Đối với phần lớn còn lại, hầu hết là những người sản xuất quy mô nhỏ, việc sản xuất tôm thẻ chân trắng có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. 

"Một chiến lược thay thế để tiếp tục kiếm sống bằng nghề nuôi tôm có thể là những nông dân nuôi tôm sú”, Van der Pijl nói.

Theo Thefishsite, Undercurrentnews

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

NESCAFÉ Plan giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính tới 30%/kg cà phê

Chương trình NESCAFÉ Plan được Nestlé Việt Nam triển khai tại Tây Nguyên trên cơ sở hợp tác với Bộ NN-PTNT nhằm hỗ trợ nông dân trồng cà phê thực hành nông nghiệp tái sinh.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.