| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng chất cấm vẫn còn phức tạp

Thứ Tư 17/02/2016 , 13:15 (GMT+7)

Những ngày trong và ra tết, tình trạng sử dụng chất cấm có chiều hướng phức tạp do mức xử phạt hiện đã bị “nhờn thuốc"...

Hai tháng đầu năm 2016, mặc dù cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý kiên quyết. Tuy nhiên, do chỉ mới xử phạt hành chính nên vẫn chưa đủ sức răn đe, có thương lái tái phạm đến 5 lần!

Thế nên những ngày trong và ra Tết, tình trạng sử dụng chất cấm có chiều hướng phức tạp do mức xử phạt hiện đã bị “nhờn thuốc”.

Heo Đồng Nai, Bình Thuận dính nhiều chất cấm 

Hôm qua (16/2), tin từ Thanh tra Chi cục Thú TP.HCM cho biết, đơn vị này đang đề xuất mức xử phạt hành chính bằng tiền đối với 3 cơ sở giết mổ là An Hạ (huyện Củ Chi), Phước Kiển (huyện Nhà Bè), Nam Phong (Q.Bình Thạnh) và thông báo cho 5 tỉnh gồm Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu với nội dung đề nghị truy xuất nguồn gốc chất cấm.

Theo đó, trong các đợt kiểm tra trước, trong và sau dịp Tết Bính Thân 2016, đoàn liên ngành do cơ quan Thú y làm trưởng đoàn đã lấy tổng cộng 276 lô heo tại 5 lò giết mổ trên địa bàn TP.HCM xét nghiệm và phát hiện có 32 lô (chiếm tỉ lệ 12%) với tổng đàn 1.536 con heo dính chất cấm.

Trong đó, 3 lò mổ đứng đầu số lô heo dính chất cấm theo thứ tự là lò An Hạ (10 lô), Phước Kiển (8 lô), Nam Phong (4 lô). Hàm lượng tồn dư chất cấm đợt này từ 34-1.400 bbp, tức gấp 700 lần mức cho phép.

Đặc biệt, trong 32 lô nói trên thì có 3 lô heo với tổng đàn trên 120 con dính chất cấm được phát hiện vào ngày 11/2 (tức mùng 4 Tết) tại lò Tân Thạnh Đông và An Hạ (huyện Củ Chi).

12-46-15_h1
Kiểm tra lấy mẫu các cơ sở giết mỗ thông thường là phải chờ vì luôn “đóng cửa then cài”

Đến nay, Chi cục Thú y TP đã giải phóng 26 lô heo hết tồn dư chất cấm và hiện lưu giữ 6 lô heo với tổng đàn 355 con. Trong quá trình lưu giữ đã xảy ra hiện tượng heo chết do chuồng trại quá chật chội. Vẫn theo Chi cục Thú y TP.HCM, kết quả kiểm tra heo dính chất cấm có nguồn gốc từ thương lái đến từ 5 tỉnh là Đồng Nai (12 lô heo dính chất cấm) với tổng đàn trên 600 con; tỉnh Bình Thuận (9 lô) có 514 con; Tiền Giang (5 lô) là 156 con; Bà Rịa Vũng Tàu ( 3 lô) là 95 con; cuối cùng là Long An (2 lô) với trên 70 con.

Ngày 15/2, một thành viên đoàn kiểm tra cho biết: “Những ngày vừa qua, đoàn tiến hành kiểm tra đột xuất để tránh tình trạng thương lái sợ xét nghiệm không chở heo tới hoặc cố tình chuyển qua cơ sở khác giết mổ. Nhằm tránh ảnh hưởng việc kinh doanh của thương lái, toàn bộ quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và công bố kết quả định tính đều được hoàn tất ngay sau khi kiểm tra. Đó cũng là áp lực buộc anh em trong đoàn phải làm việc hết sức nhanh chóng, đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối”.

Theo tìm hiểu chúng tôi, hiện nay trên toàn TP.HCM có 21 cơ sở giết mổ, trong đó có 3 lò có số lượng heo của thương lái từ các tỉnh tập trung nhiều nhất bao gồm lò Nam Phong (Q.Bình Thạnh), lò Bình Tân (Q.Bình Tân) và An Hạ (huyện Củ Chi). 

“Gần như thương lái bị đoàn kiểm tra phát hiện có heo ăn chất cấm đều là kinh doanh chuyên nghiệp. Các thương lái này bị bắt liên tục và bị xử phạt rất nhiều lần nhưng họ vẫn tiếp tục vi phạm. Đến nay, có trường hợp vi phạm và xử phạt đến lần thứ 5 nhưng xem ra vẫn chưa dừng lại. Những thương lái này thường xuyên vận chuyển heo từ Đồng Nai, Bình Thuận vào giết mổ tại lò Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Gần đây có lô heo 130 con của những thương lái này tiếp tục dương tính với chất cấm và chúng tôi xử phạt 15 triệu đồng, bình quân 115 ngàn đồng/con. Với mức xử phạt này rõ ràng là chưa đủ sức răn đe, nhưng không thể khác hơn vì phải làm đúng luật”. (Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Thú y TP.HCM).

Trong đó riêng tại cơ sở giết mổ Nam Phong, bình quân mỗi đêm lượng heo nhập vào giết mổ khoảng 1.500 con heo, chủ yếu là thương lái từ tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Đây cũng là lò giết mổ trong đợt kiểm tra trước và ra Tết mới đây đã phát hiện có khá nhiều lô heo dương tính với chất cấm.

Heo ăn chất cấm đã thay đổi phương thức

“Do kiểm tra các lò mổ giết heo thường về đêm vào khoảng 20-22h nên nhiều khi để có một mẫu nước tiểu mang đi xét nghiệm, chúng tôi phải căng mắt canh me nhiều giờ liền giữa bầy heo hàng trăm con bốc mùi hôi, thậm chí phải cúi gập mình dưới sàn xi-măng dơ bẩn, nhiều lúc còn bị heo tè vào cả quần áo.

Thậm chí, nếu đợi quá lâu mà heo vẫn cứ “nín tiểu” thì có khi phải mổ bàng quang để lấy mẫu” - anh Thạnh, một cán bộ thú y chuyên lấy mẫu chất cấm chia sẻ.

Theo cán bộ thú y, tại một số lò giết mổ nội ô TP, do lo sợ việc lấy mẫu xét nghiệm lòi ra chất cấm nên các ngày thường, không phải dịp lễ, tết, thương lái tìm cách né tránh lấy mẫu bằng cách chuyển heo về các tỉnh giết mổ. Kể cả phản ứng để né tránh kết quả xét nghiệm.

“Vì vậy, tất cả công đoạn lấy mẫu, công bố kết quả cho thương lái phải được thực hiện nhanh chóng để họ giết mổ kịp đi tiêu thụ, lô nào dính sẽ được chúng tôi niêm phong không cho giết mổ. Tuy nhiên bây giờ lấy mẫu không còn đơn giản như trước đây.

Do bị kiểm tra thường xuyên nên nhiều thương lái cho heo ăn chất cấm đã áp dụng chiêu thức khác như trà trộn heo ăn thuốc với heo không ăn thuốc, sau đó tiêm một loại thuốc để heo ngủ li bì gây khó trong việc lấy mẫu nước tiểu”, một thành viên đoàn kiểm tra nói.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên (Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM) nói: “Quá trình lấy mẫu xét nghiệm nhiều lúc cũng xảy ra tình trạng chống đối hoặc bất hợp tác của thương lái, như đợt kiểm tra vừa rồi khi chúng tôi thông báo kết quả xét nghiệm một lô heo dương tính với chất cấm thì thương lái này phản đối, cho rằng xét nghiệm sai và yêu cầu xét nghiệm lại. Tuy nhiên, khi xét nghiệm lại kết quả vẫn cho ra dương tính, lúc này họ mới tâm phục khẩu phục”.

12-46-15_h2
Cán bộ thú y lộ vẻ mệt mỏi sau khi lấy mẫu nước tiểu heo ở lò mổ vào mỗi tối

Vào đêm 15/2 (mùng 8 tết), chúng tôi quay trở lại lò giết mổ Nam Phong, khác hẳn với không khí tấp nập nhập heo của những ngày trong Tết, lò vắng hoe, chỉ có lác đác một số xe tải nhập heo. Nguyên nhân chính là do đoàn kiểm tra vừa phát hiện một số lô heo dính chất cấm trước đó nên thương lái có lẽ cảm thấy bất an nên chuyển vùng ra nơi khác.

Ngoài ra, theo tiết lộ của người nuôi heo thì phương thức cho heo ăn chất cấm hiện đã có nhiều thay đổi. Theo đó, thay vì trộn chất cấm Salbutamol với thức ăn cho heo ăn trước khi xuất chuồng khoảng 20 ngày như trước đây thì người chăn nuôi cho ăn từ lúc heo chỉ mới đạt trọng lượng từ 50-60kg, đủ thời gian để chất này bị loại thải khi heo đạt 100 kg/con, nên khi lấy mẫu nước tiểu phân tích thì không phát hiện chất cấm nữa. Mặt khác, với những đàn heo được cho ăn thức ăn hỗn hợp có trộn chất cấm lúc gần xuất chuồng, người nuôi cho uống thuốc nhuận tràng Sorbitol để heo đi tiểu nhiều nhằm thải chất cấm ra nhanh hơn.

NHẬT VY

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.