| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng phân bón hiệu quả trên đất phèn

Thứ Hai 28/04/2014 , 10:15 (GMT+7)

Để sử dụng phân bón hiệu quả thì cần phải chú ý bón phân đáp ứng theo nhu cầu của cây.

Đó là nội dung diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn vùng ĐBSCL” do Trung tâm KNQG phối hợp với Sở NN-PTNT Hậu Giang tổ chức tại TP Vị Thanh ngày 24/4. Tham dự diễn đàn có các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các viện, trường và 250 nông dân ĐBSCL.

Đến với diễn đàn, nông dân được nghe các nhà khoa học báo cáo kết quả các đề tài nghiên cứu về cách xử lý phèn, mặn trong canh tác nông nghiệp, cách sử dụng phân bón hiệu quả cho các loại cây trồng khác nhau.

Trong báo cáo đề dẫn, TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG cho biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp tới 90% lượng gạo xuất khẩu của VN nhưng diện tích đất đai phù sa ngọt màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chỉ khoảng 1,2 triệu ha, còn lại gần 2,5 triệu ha đất bị nhiễm phèn, mặn; riêng diện tích đất bị nhiễm phèn là 1,6 triệu ha (chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên).

Phần lớn đất phèn ở ĐBSCL tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và Tây sông Hậu. Trong đất phèn có một số độc tố với hàm lượng rất cao làm kìm hãm sự phát triển của cây trồng, dẫn đến năng suất thấp và không ổn định. Chính vì vậy, việc cải tạo đất phèn và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn là nhu cầu cấp bách nhằm cải thiện điều kiện SX, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong tham luận của mình, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón & môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) cho biết, “thủ phạm” gây ra đất phèn là do độc tố nhôm (Al) và sắt (Fe) xuất hiện với hàm lượng là nồng độ khá cao. Nếu mặt đất phèn mà có nước màu vàng, nổi váng màu đỏ là do sắt gây ra (nông dân gọi là phèn nóng); còn nước trong xanh, đất quanh bờ màu xám là do nhôm gây ra (phèn lạnh).

Nhiễm phèn làm cho môi trường đất bị chua và 2 độc tố nhôm, sắt làm hạn chế sự sinh trưởng của cây. Vì vậy, cần phải cải tạo đất phèn trước khi đưa vào SX và phải chú ý một số biện pháp kỹ thuật đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn. Vì phân bón quyết định đến 40% năng suất cây trồng.

Trước hết là thiết kế đồng ruộng và kỹ thuật làm đất. Nếu canh tác lúa nước thì có kênh, mương và đánh rãnh trên ruộng để xả phèn. Nếu canh tác cây trồng cạn thì lên liếp để hạ phèn. Sử dụng giống và nhóm cây trồng thích ứng với đất phèn. Đối với lúa nên chọn các giống kháng phèn hoặc chống chịu phèn, còn cây trồng cạn thích hợp canh tác trên đết phèn là mía, khoai mỡ, chuối, bắp, mè và một số cây lâm nghiệm như tràm, bạch đàn…

16-22-21_1-ts-phn-huy-thong-pht-bieu-ket-lun-dien-dn
TS. Phan Huy Thông phát biểu kết luận diễn đàn

Chọn kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm hạn chế phèn như “ém phèn, né lũ”, sạ ngầm, điều tiết nước ruộng hợp lý; xây dựng quy trình bón phân hợp lý, hiệu quả. Muốn nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trên đất phèn thì trước khi bắt tay vào mùa canh tác mới thì phải chú trọng sử dụng sử dụng các chất cải thiện độ pH và làm giảm các độc tố trong đất. Các chất được dùng phổ biến hiện nay là vôi, Dolomite, Secpentin, phosphorite, Biochar (than hoạt tính), các chế phẩm sinh học, bón lót phân hữu cơ…

Một số nông dân hỏi về cách phân biệt lúa bị ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn. Theo các nhà khoa học, ngộ độc phèn rễ lúa có màu vàng, còn ngộ độc hữu cơ rễ lúa màu đen và có mùi hôi.

Một số người còn cho biết, có nơi nông dân sử dụng xi măng để xử lý phèn cũng mang lại hiệu quả, vậy có nên làm theo cách này? Các nhà khoa học khuyến cáo tuyệt đối không được dùng xi măng để sử lý phèn vì sẽ làm chai đất mà lên dùng vôi để xử lý.

Còn TS Chu Văn Hách (Viện Lúa ĐBSCL) thì cho rằng, thực tế ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn nhiều nông dân đầu tư phân bón kém hiệu quả, nguyên nhân do còn nặng về kinh nghiệm truyền thống, không thấy được yếu tố hạn chế trong đất có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, cụ thể là đất bị chua do độ pH thấp.

Để sử dụng phân bón hiệu quả thì cần phải chú ý bón phân đáp ứng theo nhu cầu của cây. Chẳng hạn trong canh tác lúa mà bón phân đợt đầu quá trễ (lên đến 12 - 15 ngày sau sạ) làm cho bộ rễ kém phát triển hoặc dứt phân đợt 3 quá sớm (34 - 35 ngày sau sạ) làm cho lá lúa bị vàng sớm ở giai đoạn sau trỗ do thiếu dinh dưỡng. Bón phân không cân đối giữa các nguyên tố đa lượng N, P, K hoặc là bón ở lượng cao cho cả 3 đợt dưới dạng hỗn hợp NPK nên gây lãng phí.

“Để có một vụ mùa hiệu quả trên đất phèn thì cần thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp và đồng bộ nhằm giảm thiểu yếu tố do ngộ độc phèn gây ra như sử dụng giống chịu phèn, giải pháp thủy lợi (dùng nước rẽ phèn), bón phân theo nguyên tắc 6 đúng (đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp, đúng mùa vụ, đúng loại đất), bón lót vôi và lân từ đầu vụ, Biochar (than sinh học)… hạn chế sử dụng các loại phân có chứa chất gây chua”, TS Chu Văn Hách khuyến cáo.

Tại diễn đàn, nông dân đã đặt gần 50 câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà khoa học giải đáp. “Sử dụng phân bón trên đất phèn sắt và phèn nhôm có gì khác nhau?”, ông Trần Văn Dũng, nông dân huyện Vị Thủy, Hậu Giang đặt câu hỏi.

Vấn đề này được PGS,TS. Mai Thành Phụng, Trung tâm KNQG giải đáp, cả đất bị phèn sắt và phèn nhôm đều cần được xử lý (rửa phèn) trước thì bón phân mới hiệu quả. Đất phèn rất nghèo lân nên cần bón lót các loại lân nung chảy trước khi xuống giống. Nhưng ngược lại, đất phèn giàu chất hữu cơ nên không cần bón thêm phân hữu cơ.

Xem thêm
Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?