| Hotline: 0983.970.780

Sự trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam

Thứ Năm 11/12/2014 , 09:23 (GMT+7)

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hàng vạn con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam đã được đưa ra miền Bắc bằng nhiều con đường khác nhau.

Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định xây dựng các trường nội trú tập trung để nuôi và dạy số con em này của đồng bào miền Nam. Hệ thống các trường Học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc đã được ra đời từ quyết định quan trọng này.

Giai đoạn đầu (1954-1958) có 28 trường HSMN được thành lập với các loại hình: Mẫu giáo, cấp I, cấp II, cấp III và bổ túc văn hóa. Trong số 28 trường, có một trường dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số và một trường dành cho các em người Việt gốc Hoa.

Các trường HSMN lúc đầu được xây dựng tại Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình... về sau được tập trung chủ yếu về Hải Phòng, Hà Đông (nay là Hà Nội), Quảng Ninh và Hà Nam. Thời gian này cũng có một bộ phận HSMN được gửi sang học tại nước CHND Trung Hoa và CHDC Đức.

Tại thời điểm ấy, miền Bắc mới được giải phóng, nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, nguồn nhân lực của Nhà nước và của dân vô cùng hạn chế, song Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã cử những thầy, cô giáo vững vàng về chính trị nhất, có năng lực chuyên môn giỏi nhất, các cô, chú phục vụ tâm huyết và tận tình nhất, dành những điều kiện vật chất tốt nhất cho các trường HSMN.

Đồng bào miền Bắc thì dành cho HSMN tình cảm thương yêu nhất, sự đùm bọc và chở che ruột thịt nhất, tất cả với mong muốn con em của đồng bào miền Nam sẽ nhanh chóng được khôn lớn, trưởng thành để phục vụ cho cách mạng miền Nam.

Từ sau năm 1964 trở đi, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta càng ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định tiếp tục đưa thêm con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc để đào tạo.

Từ năm 1965 đến năm 1972 đã có thêm khoảng 10 nghìn con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra học tại các trường HSMN, nâng tổng số HSMN trên đất Bắc lên khoảng trên 32 nghìn người.

Đây cũng là thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại hết sức khốc liệt đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với ý đồ ngông cuồng là đưa miền Bắc nước ta trở về thời kỳ đồ đá.

Để bảo tồn lực lượng và vẫn tiếp tục thực hiện nuôi tốt, dạy tốt và học tốt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định chia nhỏ các trường HSMN và cho sơ tán về các địa phương ở trung du và miền núi, một bộ phận được gửi sang nước bạn Trung Quốc.

Có thể nói, dù tồn tại trong hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, công tác nuôi và dạy ở các trường HSMN cũng luôn luôn nhận được sự quan tâm to lớn và sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc, và trong hoàn cảnh nào HSMN cũng nhận được sự nuôi dưỡng, dạy dỗ tận tình nhất, chu đáo nhất, có trách nhiệm nhất và cũng có tình cảm nhất của tất cả các thầy, cô giáo, các cô, chú phục vụ.

Nhờ đó, trên 32 nghìn HSMN trên đất Bắc đều khôn lớn và được học đại học, cao đẳng hoặc trung cấp ở các trường trong và ngoài nước.

17-52-08_hsmn-1
Trường Học sinh miền Nam Đông Triều (Quảng Ninh) (ảnh tư liệu)

Đại bộ phận trong số họ đã trưởng thành và có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà và xây dựng, phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước khi hòa bình được lập lại với tinh thần xả thân vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân và vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao đẹp.

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày ra đời các trường HSMN trên đất Bắc, các thế hệ HSMN hôm nay tuy đa phần tuổi đã cao, song chúng tôi còn tồn tại là còn phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin yêu, sự quan tâm, chăm sóc và mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Một bộ phận HSMN đã tình nguyện tham gia chiến đấu ở chiến trường. Rất nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân, điển hình là liệt sĩ nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang...

Nhiều HSMN đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội như đồng chí Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam...

Rất nhiều HSMN đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau và đã có những cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước như GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Việt Nam; GS.TS.NGND Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. HCM; GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội...

Cũng có không ít HSMN đã trở thành những DN nổi tiếng, có những đóng góp rất xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, điển hình như AHLĐ thời kỳ đổi mới Lê Văn Kiểm, AHLĐ thời kỳ đổi mới Huỳnh Văn Thòn...

Xem thêm
Mãn nhãn với ‘Huyền sử Yết Kiêu’ phục vụ Tết Nguyên đán

TP.HCM Vở múa rối nước ‘Huyền sử Yết Kiêu’ vừa được Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tổ chức phúc khảo tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nhằm chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.