Tạ mộ cuối năm là một trong những nghi lễ truyền thống của người Việt để tôn vinh, ghi nhớ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tri ân tổ tiên cùng chư vị thần linh.
Lễ tạ mộ cuối năm còn nhằm tỏ lòng cảm tạ các vị thần linh đã cho gia tiên được nương nhờ đất đó, giúp gia tiên an lạc và phù hộ cho con cháu trong gia đình.
Khi đi tạ mộ, cần lưu ý những điều gì và kiêng kỵ ra sao? Chuyên gia phong thủy Master Phùng Phương đã chia sẻ những kiến thức quý báu từ hàng chục năm kinh nghiệm trong việc thực hiện nghi lễ tạ mộ.
3 việc nên làm khi đi tạ mộ
Thắp hương các ban thờ trong nhà trước khi đi tạ mộ
Theo ông Phùng Phương, đây là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng - đó là, cần thắp hương tại tất cả các ban thờ trong nhà ở trước khi đi.
Thắp hương ban Thần linh trước
Trước khi lên hương lễ bái tại khu mộ gia tộc, hay người thân, cần phải thắp hương tại ban thần linh, ban sơn thần của nghĩa trang trước. Sau đó mới tới làm lễ tại khu vực mộ phần nhà mình.
Trong ngày tạ mộ này, các gia chủ nên dọn dẹp, sơn mới, phát quang lại toàn bộ khu mộ.
Cắm hương các ngôi mộ xung quanh
Cuối cùng, sau khi thắp hương xong tại khu mộ nhà mình, các gia chủ nên đốt hết số nhang còn lại và cắm sang các ngôi mộ xung quanh.
5 điều nhất định phải kiêng kị khi đi tạ mộ
1.Không đi tạ mộ khi trời nhập nhoạng
Không nên đi tạ mộ khi trời đã tối - đặc biệt là sau giờ Dậu (19h - 21h). Bởi vì, theo quan điểm người xưa đây là thời điểm âm khí vượng, dễ khiến cho sức khỏe con người bị ảnh hưởng xấu, gây ra các hiện tượng đau đầu, mệt mỏi kéo dài.
Người dân nên đi tạ mộ trong khoảng thời gian có nhiều ánh sáng, có nắng càng tốt.
Nên chọn những khung giờ đẹp trong ngày sẽ tốt cho cả sức khỏe, và thuận hơn về mặt phong thủy, giúp mọi việc thuận lợi bình an hơn.
2. Không làm những hành động kém văn minh
Quá trình đi tạ mộ, người dân tuyệt đối không làm những hành động kém văn minh như nói tục, chửi thề, cười đùa quá lớn, giẫm đạp, hoặc làm đổ vỡ đồ thờ cúng... của những ngôi mộ xung quanh. Đó là bởi, việc tạ mộ thể hiện lòng thành kính, nếu hành xử thiếu tôn nghiêm thì có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
3. Không cho trẻ nhỏ đi tạ mộ
Người dân không tùy tiện đưa trẻ nhỏ- nhất là trẻ sơ sinh khi đi tạ mộ. Do bởi, nghĩa trang là nơi âm khí nặng nề, tiềm ẩn nhiều vi khuẩn, mầm bệnh... Trẻ nhỏ - nhất là trẻ sơ sinh huyệt bách hội trên đỉnh đầu còn chưa ổn định, rất dễ bị âm khí xâm nhập, về nhà sinh ốm đau, quấy khóc...
4. Không đặt đồ cúng ở khu mộ trẻ nhỏ
Đặc biệt, các khu mộ của trẻ nhỏ không nên để đồ cúng, bởi có quan niệm cho rằng "vong" của trẻ nhỏ rất thích đi theo những người cho chúng đồ ăn.
5. Đi tạ mộ tuyệt đối không xin tổ tiên phù hộ phú quý giàu sang
Chuyên gia phong thủy - Master Phùng Phương cho hay, ông thấy nhiều người khi đi tạ mộ (cuối năm) và tảo mộ (đầu năm) hay cầu xin Tổ tiên phù hộ cho con cháu phú quý giàu sang. Điều này đúng hay sai?
Theo ông, tạ mộ là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa tâm linh người việt, gắn liền với nghi lễ là thắp hương xong con cháu sẽ tiến hành sửa sang mộ phần gia tiên khang trang, sạch sẽ. Quá trình thắp hương con cháu thường cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình.
Trong đó, khá nhiều người đã cầu xin tổ tiên phù hộ được giàu sang phú quý - điều này là chưa đúng. Bởi vì, chúng ta có phú quý, giàu sang hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố Thiên - Địa - Nhân (Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa). Còn đi tạ mộ cuối năm chủ yếu tạ ơn gia tiên, người thân đã khuất vì đã phù hộ cho gia đạo được bình an, may mắn suốt năm qua.