Tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tiên, đã được công bố khá long trọng vào tháng 1/2022. Tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ có nhà tài trợ, nên tiền thưởng gấp rưỡi tác phẩm chính thức hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Đáng tiếc, một trong 5 tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ lại đang vướng vào nghi án đạo văn.
Cuốn “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang được trao giải thưởng Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, cùng với tiểu thuyết “Nắng thổ tang” của Đinh Phương, tập thơ “Yao” của Lý Hữu Lương, tập thơ “Con người” của Phương Đặng, và tập dịch “Truyện Kiều” từ tiếng Việt sang tiếng Anh của Nguyễn Bình.
Cuốn sách "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật" của Vũ Thị Trang dày 416 trang, chia làm 4 phần: “Ba khuynh hướng phê bình phân tâm học” gồm hai chương, “Ba chiều kích không gian ám ảnh nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng” gồm bốn chương, “Ám ảnh tự do – Xung đột giữa những cái tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại” gồm hai chương và “Cấu trúc tam tầng – Ba ám ảnh nghệ thuật tiêu biểu trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại” gồm ba chương.
Tác giả Vũ Thị Trang sinh năm 1986, có học vị Tiến sĩ, hiện đang là Phó khoa Văn học ở Học viện Khoa học xã hội. Cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” cũng được trao tặng thưởng của Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Thế nhưng, cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” bị nghi ngơ đạo văn từ Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh sinh năm 1978, là cán bộ Phòng Văn học Việt Nam đương đại của Viện Văn học.
Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh chia sẻ: "Khi đọc phần 3 cuốn sách "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” từ trang 199 đến trang 272 thì thì tôi “tá hỏa”. Vì trong phần này Vũ Thị Trang đã lấy rất nhiều kết quả nghiên cứu của tôi trong đề tài cấp Bộ có tên gọi “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” nghiệm thu năm 2019 mà không hề chú thích hay xin phép tôi”.
Đề tài cấp Bộ có tên gọi “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” do Tiến sĩ Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm, các thành viên tham gia là Đỗ Lai Thúy, Đỗ Hải Ninh, Nguyễn Mạnh Tiến, Nông Thị Nhung, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, tổ chức chủ trì đề tài là Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Vì sao kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh lại vô cớ “nhảy bổ” vào cuốn sách của Tiến sĩ Vũ Thị Trang và được vinh danh? Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh cho rằng: “Sau khi nghiệm thu đề tài, Vũ Thị Trang đã đưa công trình tập thể này in tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội, với tên sách là “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” nhưng chỉ đề tên một mình Vũ Thị Trang là tác giả trên bìa sách. Chương 2 tôi viết trong đề tài thì Vũ Thị Trang đã đổi tên khác, đảo vị trí các đoạn văn và thêm thắt một số đoạn mà không hề xin phép và gửi lại văn bản để tôi xem. Nội dung cơ bản vẫn là những phần tôi đã viết”.
Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh nhấn mạnh: “Tuy tên các tiểu mục đã được thay đổi, có viết thêm một số phần, đảo vị trí các đoạn và một số chỗ diễn đạt lại nhưng Vũ Thị Trang đã sao chép các đoạn tôi viết đưa vào sách với khoảng hơn 40 đoạn, tương đương hơn 11.700 chữ, chiếm khoảng hơn 60% của phần 3 trong sách đoạt giải thưởng Tác Giả Trẻ và được tặng thưởng của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật trung ương”.
Tiến sĩ lấy công trình của Tiến sĩ để in thành tác phẩm và ứng thí giải thưởng là một hành vi không thể chấp nhận. Thiết nghĩ, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật trung ương cần nhanh chóng phối hợp với Học viện Khoa học xã hội để làm rõ những khuất tất xung quanh cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” nhằm lấy lại uy tín cho giải thưởng và trả lại đạo đức học thuật cho cộng đồng.