Yên Bái là tỉnh đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết của Đảng. Lũ về chậm, giá nhiều loại cá giống vẫn tăng kỷ lục. Dừa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại Australia. 90% hạt giống rau và hoa Việt Nam phải nhập khẩu.
YÊN BÁI LÀ TỈNH ĐẦU TIÊN ĐƯA CHỈ SỐ HẠNH PHÚC VÀO NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG
Sáng 21/8, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với tỉnh Yên Bái. Theo ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Đến nay, địa phương đã phát triển được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với 10 sản phẩm chủ lực và 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và phát triển được 138 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị Bộ NN-PTNT 5 vấn đề, trong đó có nghiên cứu, tham mưu với Trung ương hoàn thiện các chính sách về phát triển như công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp cũng như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định sau buổi làm việc, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản trả lời về các kiến nghị của tỉnh Yên Bái, đồng thời góp ý, tham mưu để tỉnh phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng đã thăm hợp tác xã hoa hồng Nậm Khắt tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải và mô hình du lịch Helo Mù Cang của vợ chồng thanh niên người Mông Giàng A Dê, Vàng Thị Lỳ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, đây là hai mô hình có nhiều tiềm năng để nhân rộng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giúp cải thiện và gia tăng thu nhập cho người dân vùng cao. Qua đây có thể thấy, Yên Bái còn nhiều tiềm năng trong Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề
LŨ VỀ CHẬM, GIÁ NHIỀU LOẠI CÁ GIỐNG VẪN TĂNG KỶ LỤC
Theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh An Giang, lũ năm nay tại ĐBSCL về chậm và không có lũ lớn, gây khó khăn cho người dân thả nuôi thủy sản. Tuy nhiên, giá nhiều loại cá giống vẫn tăng bình quân 5.000-10.000 đồng/kg so với các tháng trước, và cao hơn từ 10.000-30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Cá biệt, một số loại cá giống do hút hàng và ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất tăng cao nên giá đã tăng tới 40.000-50.000 đồng/kg so với cùng kỳ và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, Giá cá rô giống năm trước ở mức 55.000-60.000 đồng/kg, nay tăng lên ở 60.000-70.000 đồng/kg. Cá thát lát hiện ở mức 2.500-3.000 đồng/con, trong khi cùng kỳ giá chỉ 1.500-2.000 đồng/con. Cá giống trê vàng ở mức 120.000-130.000 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái chỉ có giá 80.000-100.000 đồng/kg.
DỪA VIỆT NAM CÓ CHỖ ĐỨNG VỮNG CHẮC TẠI AUSTRALIA
Thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế - ITC cho biết, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu xơ dừa vào Australia tăng tới 272% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xứ sở chuột túi lại giảm nhập khẩu mặt hàng này lên đến 50% so với cùng kỳ. Với mặt hàng dừa, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, quả dừa tươi Việt Nam đã hiện diện tại Australia ngay cả trong mùa đông. Bên cạnh đó, các thương hiệu nước ngoài cũng nhập khẩu nước dừa Việt Nam để đưa vào các cơ sở bán lẻ, trong đó có cả cả siêu thị nông sản lớn nhất Australia - Harris farm.
90% HẠT GIỐNG RAU VÀ HOA VIỆT NAM PHẢI NHẬP KHẨU
Cả nước hiên có 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cấp tỉnh. Trong đó, các giống cây lương thực chính như lúa, ngô cơ bản chúng ta đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, với 95% giống lúa và 60% giống ngô. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang rất yếu trong ngành hạt giống rau và hoa khi phải nhập tới 90% hạt giống phục vụ sản xuất hàng năm, trị giá hàng chục triệu USD. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng tốt sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ để chọn tạo ra các giống cây trồng cho năng suất, chất lượng. Đồng thời, tích cực hội nhập quốc tế và thúc đẩy quan hệ trao đổi hợp tác về nguồn gen giống cây trồng nhằm tạo cơ hội cho Việt Nam học tập, tiếp cận với những giống cây trồng mới.