Tản văn Tạ Duy Anh: Cày lỏi và thừng óng

. - Thứ Tư, 21/09/2022 , 06:29 (GMT+7)

Lần về quê mới đây, tôi chuộc lại được hai từ mà mấy chục năm trước ngày nào chúng tôi cũng dùng, giờ quên tiệt. Hai từ: cày lỏi và thừng óng.

Trước buổi cày. Tranh của họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Trước buổi cày. Tranh của họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Về quê, ngoài việc tìm lại không gian sinh thái, không gian văn hóa một thời (dù chỉ hy vọng thấy một phần), tôi thường học lại mà chính xác ra phải là chuộc lại, cách nói rất mộc mạc, nhiều khi gần với bỗ bã, nhưng lại vô cùng giàu hình ảnh của người nhà quê. Nguồn gốc của thi ca có nhiều khả năng bắt nguồn từ thứ ngôn ngữ đó chưa biết chừng. Nhưng điều không thể phủ nhận là thứ ngôn ngữ người nhà quê dùng, cũng như cách gọi tên sự vật của họ luôn gợi những liên tưởng mỹ học rất tinh tế.

Nhưng việc đó sẽ bàn trong một dịp khác, cần nhiều thời gian và suy tư hơn.

Giờ xin kể tiếp chuyện đang nói tới. Tôi dùng từ “học lại”, vì mình đã từng rất quen thuộc, nhưng nay bị quên. Còn vì sao phải “chuộc lại”? Vì mình từng sử dụng, từng nói và nghe hiểu ngày ngày, từng là chủ sở hữu nhưng chính mình đánh mất! Xét cho cùng thì kẻ đầu xanh tuổi dại nào cũng bạc với bố mẹ, bạc với nơi chôn nhau cắt rốn! Chẳng qua chỉ nhờ tình thương yêu vô hạn, lòng bao dung vô hạn, mới được xá tội.

Bởi vì, trời ạ, mới có mấy chục năm xa quê, mà đã cứ như người mang một quốc tịch khác! Thấy lạ hoắc từ cách nhấn nhá, cách kéo dài giọng khi phát âm nhằm diễn tả một trạng thái tình cảm nào đó, đến lối ví von cô đọng, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ ngấm. Chỉ riêng một từ ăn thôi đã có tới vài chục từ đồng nghĩa, mỗi từ khi nói ra diễn tả một tâm trạng, một tình cảm, một ẩn ý khác nhau của người nói. Bảo sao ngôn ngữ dân gian thường sinh động và khó chết, so với thứ ngôn ngữ sáng chế trong phòng máy lạnh đang tràn ngập vũ trụ!

Ví dụ, lần về mới đây, tôi chuộc lại được hai từ mà mấy chục năm trước ngày nào chúng tôi cũng dùng, giờ quên tiệt. Quên tiệt, nghĩa là không bao giờ còn thấy hình bóng nó mọi lúc mọi nơi, cả khi nói lẫn khi viết, tức là nó biến mất hoàn toàn khỏi vốn ngôn từ của mình. Tệ bạc đến thế chứ. Chả trách mình cứ mãi là kẻ không giàu.

Hai từ tôi chuộc lại được, là từ cày lỏithừng óng.

Cày luôn là công đoạn quan trọng của việc làm đất. Sau mỗi vụ gieo trồng, đất bị chặt lại, mặt nổi váng, một số chất màu chìm sâu xuống trong khi các lỗ hổng chứa không khí hầu hết đều bị bít lại. Muốn canh tác tiếp thì phải lật đất lên, làm nó tơi xốp hoặc nhuyễn ra. Đó chính là công đoạn cày.

Cày là việc không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe mà còn phải có kĩ năng.

Thời xưa, thợ cày luôn là người có ngày công cao nhất cho mỗi buổi lao động. Bởi cày thường là việc nặng nhọc, chỉ phù hợp với những người cao to, khỏe mạnh, dẻo dai. Thấp bé, thì gặp phải chân ruộng trũng, rất dễ rơi vào tình cảnh “lút đít trâu”, mà bản thân con trâu, thường là trâu mộng, cũng không nể, dễ nhờn mà phá cày giữa buổi. Gặp phải hôm con trâu khó ở, hoặc ngông cuồng mà phá cày, thì chỉ còn biết đứng mà… khóc!

Nghề nào, muốn giỏi, thì đều cần có chút năng khiếu “trời cho”. Thợ cày cũng không ngoại lệ. Có người cày cả đời vẫn không thể thành thầy được. Người cày giỏi là người có đường cày đều cả về chiều rộng và chiều sâu. Cày kém sẽ cho ra những đường cày chỗ nông, chỗ sâu, đường cày cong vẹo, thiếu sắc nét, đất lật không đều. Nhìn thửa ruộng cày có thể đoán biết người cày là vì thế!

Lỗi lớn nhất của người cày ruộng chính là cày lỏi.

Từ lỏi chắc chắn là một từ thuần Việt. Hiểu nôm na là dối. Hiểu rộng ra là cày ăn bớt, ăn xén, cày điêu, do ông thợ cày ranh vặt, làm việc tắc trách hoặc đơn giản là kém về kĩ thuật... Nhưng dù cùng diễn đạt một nghĩa, thì cày dối, cày ăn bớt, cày điêu… không thể hay bằng cày lỏi! Cày lỏi là các đường cày không liền nhau, vì thế đất ruộng có chỗ chưa được lật (thường phải tinh mới phát hiện ra). Cày lỏi còn là đường thì sâu, đường thì nông, cày hời hợt như… gãi đất.

Ngoài ra, thường mỗi thửa ruộng đều có hình vuông hoặc chữ nhật (ngày xưa rất ít mảnh ruộng nào méo mó), tức là có bốn góc. Dù giỏi mấy, cũng không bao giờ cày được tất cả các góc, vì về mặt hình học, đường cong tạo ra bởi chiều dài cái cày không bao giờ chạm vào được góc ruộng, ngoại trừ người cày để cho trâu bước sang thửa ruộng khác (điều này lại càng rất ít khi xảy ra).

Vì thế, sau khi cày xong rồi, thì vẫn phải thêm một công đoạn nữa là cuốc góc. Nếu người cày nghiêm túc thì mỗi góc còn lại thường rất nhỏ. Trong khi cày lỏi thì chưa đến góc họ đã cho trâu quay (do lười, làm gian dối hoặc do ngại khó) khiến phần chưa được cày ở góc rất lớn, người cuốc góc rất nhọc.

Còn thừng óng là cái thừng gì?

Khi đóng ách lên vai trâu mỗi khi cày, bừa hay kéo xe, để giữ cho chiếc ách không bị tuột trong quá trình cày, nhất là lúc quay đầu mỗi khi chạm bờ phải nâng cày lên cao khiến hai dây kéo chùng lại, người ta dùng một sợ thừng nhỏ, mềm, buộc cố định vào một bên ách, rồi vòng xuống bên dưới cổ trâu hoặc bò (không được thít chặt khiến trâu hoặc bò khó thở, thậm chí có thể khiến thịt da nó bị trầy xước), cài vào một cái móc để sẵn đầu bên kia ách.

Sợi dây đó gọi là thừng óng.

Có thể bạn nghĩ tôi lẩm cẩm, tìm lại những thứ ngày nay chả còn mấy ai dùng. Nhưng tôi thì nghĩ khác và mong bạn chia sẻ: Khi chúng ta đánh mất bất cứ thứ gì từng thuộc về quá khứ, lại là thứ gắn với công việc quan trọng hàng ngày giúp ta sống và trường thành, rồi khôn lớn, rồi nếu gặp may thì còn thành đạt nữa… sẽ làm cho chúng ta sẽ nghèo đi mất một chút.

Tạ Duy Anh

 

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt của báo Nông nghiệp Việt Nam đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.