Tản văn Tạ Duy Anh: Cây khế nhà hàng xóm

. - Thứ Ba, 20/09/2022 , 06:50 (GMT+7)

Nó đẹp đến mức nhiều người định xin vài quả về nấu canh riêu, nhưng khi đứng trước giàn khế, bỗng xuýt xoa rụt tay lại, không nỡ hái, như sợ làm một điều ác.

Xây nhà và dọn về nơi ở mới, tôi trở thành hàng xóm của ông chủ bán đất cho mình. Chúng tôi nhanh chóng gắn bó với nhau như những người anh em ruột thịt. Nhà này có gì ngon, đều mang sang cho nhà kia. Hàng năm, mỗi khi nhà hàng xóm có giỗ, tôi đều đem lễ hậu sang xin được góp “để cầu các cụ và thổ công chung phù hộ cho các cháu”. Chính vì tình thân giữa hai nhà mà tôi suýt mất một cây khế quý hiếm.

Chuyện là thế này. Ngày tôi về nhà mới, cây khế chua, loại khế đang trở nên quý hiếm hiện nay, của nhà ông hàng xóm, mới chỉ cao ngang đầu người. Nhưng do đất tốt, lại được bọn trẻ chăm sóc cẩn thận, nên chỉ hơn năm sau thì cành của nó bắt đầu vượt tường rào giữa hai nhà, nhanh chóng chờm sâu sang đất nhà tôi. Có cành rủ xuống ngang mặt, mỗi lần đi qua phải dùng tay nâng lên để khỏi bị vướng. Tôi và người nhà chưa bao giờ cảm thấy có vấn đề gì phiền toái vì việc ấy, ngay cả khi bị nước mưa mà lá khế giữ lại làm ướt áo, ướt mặt nếu chạm phải.

Nhưng ông hàng xóm của tôi thì không nghĩ thế. Thỉnh thoảng ông ta lại tần ngần đứng bên ngoài cánh cổng ngó vào, vẻ mặt có phần phiền muộn. Vào mùa xuân, khi buổi sáng nào đó tôi ra quét cổng, thấy những viên phân màu đen, nhỏ li ti vung vãi như ai đó rắc vừng, là tôi biết cây khế bị sâu. Chỉ nhãng đi vài hôm sau, viên phân sâu đã kịp to như hạt đỗ. Khi đó chả cần tinh mắt cũng dễ dàng nhận ra con sâu khế xanh màu lá, kịp lớn phổng lên như có phép lạ, to bằng ngón chân cái, có bộ hàm đen sì, trên trán chĩa ra hai cái sừng, chỉ nhìn thấy đã sởn hết gai ốc. Vài lần thấy tôi loay hoay quét phân sâu, có hôm dùng sào chọc con sâu, ông hàng xóm càng có vẻ bất an.

Rồi một hôm tôi thấy vợ chồng ông ta hậm hực tiếng bấc tiếng chì qua lại, lối cãi nhau cố không để hàng xóm nghe thấy. Hình như việc cãi nhau đó đều liên quan đến những lần tôi quét ngõ và bắt sâu khế. Tôi đã định tò mò, nhưng rồi lại nghĩ đó là chuyện riêng trong nhà họ, nên tôi không muốn quan tâm quá sâu.

Cho đến một hôm, vừa đi làm về, tôi thấy ông hàng xóm từ trong nhà chạy ra, đứng đối diện tôi ở cổng. Không rào đón dài dòng, ông ấy bảo tôi:

- Ông mở cổng cho tôi để tôi chặt mấy cái cành khế kia đi.

Tôi tròn mắt nhìn ông ta:

- Nó đang xanh non mơn mởn thế kia, sao lại chặt. Ông tưởng trồng được cây khế, lại là khế chua, lớn từng kia mà dễ lắm à. Cả vùng này chỉ còn mỗi nó thôi đấy. Bọn trẻ nhà tôi thích lắm.

Ông hàng xóm lúng túng nhìn tôi, vừa ngỡ ngàng, vừa ngại ngùng, không hiểu tôi ý tứ do nể tình hàng xóm hay nói thật.

- Xảy ra chuyện gì thế, có thể nói với tôi được không? - Tôi hỏi.

- Chả có chuyện gì ghê gớm đâu. Thôi, ông đã hỏi thì tôi nói vậy. Chỉ là vì cây khế nhà tôi chờm sang cổng nhà ông. Lần nào ông ra quét ngõ và bắt sâu, mụ vợ tôi cũng cằn nhằn, bảo tôi nhất định phải phạt cành, không để cây khế làm ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm.

Tôi bỗng hiểu ra mọi chuyện, phá lên cười. Hóa ra tuy đã thành dân phố, nhưng mọi thói quen ứng xử với hàng xóm láng giềng nơi tôi ở vẫn duy trì nếp nghĩ cổ từ xa xưa. Chuyện cây cối nhà này chờm sang đất nhà kia, khiến nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí đánh cãi nhau, đúng là đã từng diễn ra. Thậm chí nhiều nhà phải mời người làm trọng tài, dùng sào tre căn theo chiều thẳng đứng, ke nhau từng centimet, gặp cành cây chờm sang ở chỗ nào là phạt đứt chỗ ấy. Nhiều cây không chỉ đẹp, mà còn thuộc loại lâu năm, quý hiếm, cũng không được tha bổng, trông rất xót xa, thê thảm, làm xấu cả nhà có cây lẫn hàng xóm.

Thấy tôi cứ cười váng, ông hàng xóm bảo:

- Thật ra thì tôi cũng rất tiếc, nhất là nó lại do con Thúy (con gái ông ta) chăm sóc từ bé, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Nhưng dù quý đến đâu cũng không bằng tình cảm láng giềng. Vì thế ý ông thế nào, tôi chiều thế ấy. Nếu ông bảo phải phạt cành, tôi phạt, nếu sợ nó làm hỏng bức tường ngõ nhà ông, tôi chặt béng đi là xong.

Tôi nghiêm mặt, nói:

- Mọi người thế nào mặc họ, tôi không biết, nhưng nhà ông và nhà tôi phải khác. Nếu không còn lý do nào mà ông không tiện nói, thì ông để tôi quyết.

- Thôi, thế tùy ông nhé.

Ngay hôm sau tôi cho gọi thợ hàn vào, yêu cầu họ làm cho tôi một cái giàn mắt cáo bằng sắt, kéo suốt theo chiều dài lối đi riêng vào nhà tôi, tạo thành một cái mái vòm parabol trông rất bắt mắt. Những cành khế đã có chỗ bám, vươn dài ra nhanh một cách kì diệu. Chỉ sau một thời gian chiếc giàn sắt đã được lá khế phủ kín, tạo thành một chiếc vòm lá tự nhiên. Bất cứ ai bước qua cánh cổng nhà tôi, cũng phải dừng lại, ngước mắt lên nhìn, hít thở mấy cái một cách khoan khoái. Vào những ngày nắng nóng, thì cái vòm lá ấy thật sự như một sự cứu rỗi cho cả hai gia đình chúng tôi. Không chỉ bọn trẻ tụ tập nô đùa, mà đám người lớn cũng tận dụng thời cơ để được hưởng bóng mát an lành của nó.

Suốt từ bấy đến nay, mỗi năm cây khế đều đặn hai lần cho quả. Mùa hè đẹp kiểu mùa hè, mùa đông đẹp kiểu mùa đông. Một vài nhà trong khu phố có cùng chung hoàn cảnh như chúng tôi cũng âm thầm học theo. Nhờ thế mà nhiều cây quý, có tán đẹp được giữ lại nguyên vẹn.

Thỉnh thoảng ông hàng xóm và tôi lại mang trà ngon ra ngồi uống và đàm đạo dưới vòm khế lúc lỉu quả. Chúng tôi cùng im lặng thưởng thức món quà quý trời ban cho mình. Nó đẹp đến mức nhiều người định xin vài quả khế chua về nấu canh riêu, nhưng khi đứng trước giàn khế giống những vật cứu rỗi, bỗng xuýt xoa rụt tay lại, không nỡ hái, như sợ làm một điều ác.

Tạ Duy Anh

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt của báo Nông nghiệp Việt Nam đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.