Ngày 9/12, Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế trực tuyến - Agroviet online 2021 đã khai mạc. Với chủ đề “Kết nối giá trị nông sản Việt - hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững”, Agroviet online 2021 diễn ra từ ngày 09 đến 13/12, được tổ chức trên công nghệ SmartRoom, với quy mô 50 gian hàng trực tuyến.
Hội chợ Agroviet 2021, có sự tham dự của gần 20 tỉnh thành phố trong cả nước, giới thiệu nông sản tiêu biểu như: Trà, cà phê các loại, mật ong, nấm, hải sản, trái cây 3 miền, gạo và gia vị các loại… Ngoài ra, các sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất theo chuỗi an toàn cũng được giới thiệu tại Hội chợ.
Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm, ngày 9/12, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT Hải Dương đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại nông nghiệp với chủ đề “ Kết nối cung cầu nông sản chủ lực tỉnh Hải Dương và các tỉnh phía Bắc” .
Tại hội nghị, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết: Những năm gần đây, Hải Dương đặc biệt quan tâm tới công tác xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, chủ động tiếp cận với các doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử... Nhờ đó, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Hải Dương đã đạt được những kết quả rất khả quan.
Theo ông Thăng, sản xuất nông, lâm, thủy sản Hải Dương đã và đang hình thành, phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Hàng năm, Hải Dương sản xuất trên 700.000 tấn rau, củ, quả các loại; 55.000 tấn vải quả; hành, tỏi 100.000 tấn; cá 61.000 tấn; cà rốt 75.000 tấn... Gía trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2020 đạt hơn 19.000 tỷ đồng, năm 2021 ước đạt hơn 20.700 tỷ đồng (tăng 6,8% so với năm 2020).
Ông Thăng cũng bày tỏ mong muốn, thông qua hội nghị lần này, Hải Dương sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, giải pháp từ các tỉnh thành, doanh nghiệp... trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội chia sẻ: Hiện nay, nguồn cung của hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn Thành phố chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu tiêu dùng của trên 10 triệu dân. Hoạt động sản xuất nông nghiệp mới cơ bản đáp ứng nhu cầu các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng. Một số sản phẩm khác như gạo mới đáp ứng được 60%, thịt bò đáp ứng 20%, thực phẩm chế biến 19%, rau củ quả 58%, trái cây 29%, thủy sản 53% so với nhu cầu.
Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của thành phố tăng từ 10-20%. Ngoài lượng nông sản thực phẩm do Thành phố tự sản xuất, cần một lượng lớn sản phẩm nhập từ các tỉnh, dự kiến trên 110.000 tấn gạo; 130.000 tấn rau, củ; 112.000 tấn trái cây, 28.000 tấn thủy sản; hơn 12.000 tấn thịt bò; hơn 12.000 tấn thực phẩm chế biến...
Trên cơ sở đó, ông Sơn đề nghị cá tỉnh, thành phố xác định các sản phẩm chủ lực, OCOP, tập trung nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cấp thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tích cực đồng hành, hỗ trợ sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành trong cả nước đi vào các kênh phân phối, tiêu thụ của Hà Nội nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô...
Về phía các hiệp hội, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: Việc xúc tiến thương mại theo hình thức online không hề bị hạn chế về hiệu quả. Ngược lại, kết nối tiêu thụ bằng hình thức này sẽ giúp các đơn vị vừa tiết kiệm được chi phí vừa quảng bá sản phẩm của mình tới đông đảo người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay, việc bán hàng online vẫn là giải pháp tối ưu trong thời gian tới.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mặc dù triển khai hình thức bán hàng trực tiếp, vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các địa phương, đưa sản phẩm của mình đến với đông đảo người tiêu dùng của cả nước.
Về phía các sàn thương mại điện tử, bà Phạm Thị Ngơi, Giám đốc sàn thương mại điện tử Amazon Chi nhánh Hà Nội thông tin: Ngày 1/1/2022, Sàn Thương mại điện tử Amazon Việt Nam sẽ chính thức ra mắt. Tuy nhiên, hiện nay lượng người truy cập vào sàn đã hơn 1 triệu người. Bên cạnh đó, Công ty đã xây dựng các "điểm bán xanh" trên 63 tỉnh thành và đội ngũ SEO hùng hậu hơn 12.000 thành viên... Do đó, bà Ngơi mong muốn, các đơn vị kết nối, đưa sản phẩm nông sản của mình lên sàn thương mại điện tử và các điểm bán hàng xanh của Amazon trên toàn quốc.
Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa các doanh nghiệp với HTX tại Hải Dương; ký kết hợp tác hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử trong thời gian tới...
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sau khi kết thúc Hội chợ, nền tảng kết nối trực tuyến vẫn được ban tổ chức kéo dài các giao dịch đến ngày 09/1/2022 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tiếp tục các hoạt động của Hội chợ.