Ngày 18/9, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Năm 2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã tổ chức thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”, để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn với các thông tin bổ ích, định hướng hay, để phục vụ công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều gợi ý chính sách tại Diễn đàn năm 2021 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới.
Chính nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các nghành từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng. Sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay.
Theo đó, dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD; giải ngân FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá nhờ kinh tế phục hồi; lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tiếp tục phục hồi.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng nội địa đang chịu áp lực rất lớn từ thế giới.
Thực tiễn từ Việt Nam đã chứng tỏ rằng, chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.
Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm Đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua, có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về: phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam; tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/NQ/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.
Diễn đàn sáng nay sẽ diễn ra 2 Chuyên đề Hội thảo, bao gồm: “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” và “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Buổi chiều, Diễn đàn sẽ tiến hành phiên toàn thể (tọa đàm cấp cao) với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.