| Hotline: 0983.970.780

Gắn thiết bị định vị theo dõi voi hoang dã

Thứ Tư 29/06/2022 , 15:02 (GMT+7)

ĐĂK LĂK Gắn thiết bị theo dõi cho voi hoang dã nhằm giảm thiểu xung đột với con người và bảo tồn quần thể voi hiện có tại tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 29/6, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk phối hợp Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức Hội thảo Tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án nỗ lực bảo tồn quần thể voi hoang dã lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk do Tổ chức Word Wide Fund for Nature của Thụy Sĩ tài trợ.

Mục tiêu của việc gắn thiết bị GPS trên voi là nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu về mật độ quần thể loài và hành lang di chuyển của voi hoang dã; phối hợp chặt chẽ với cộng đồng địa phương nhằm giảm thiểu xung đột voi - người; bảo tồn có hiệu quả quần thể voi hoang dã lớn nhất cả nước tại tỉnh Đắk Lắk.

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk cho biết, hội thảo là dịp để các đơn vị, tổ chức trao đổi, tham vấn các bên liên quan, tiếp thu ý kiến để Đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk được đầy đủ, sát thực và hoàn thiện trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đó, dự án có kinh phí là hơn 2,2 tỷ đồng do tổ chức WWF tài trợ. Dự án sẽ tập huấn kỹ thuật giảm thiểu xung đột voi - người cho ít nhất 15 cán bộ chủ chốt để tập huấn lại cho các nhóm cộng đồng; Tập huấn 2 nhóm ở huyện Buôn Đôn, 2 nhóm ở huyện Ea Súp và thành lập mới 1 nhóm hành động giảm thiểu xung đột voi - người dựa vào cộng đồng ở buôn Đrang Phốk (huyện Buôn Đôn); Hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho Trung tâm bảo tồn Voi cứu hộ voi hoang dã bị thương (Cu Sứt).

Đàn voi rừng xuất hiện tại Vườn quốc gia Yók Đôn. Ảnh: Tuấn Linh.

Đàn voi rừng xuất hiện tại Vườn quốc gia Yók Đôn. Ảnh: Tuấn Linh.

Ông Trần Xuân Phước cho biết, trước đây theo dõi bằng phương pháp bẫy ảnh, ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk có khoảng 80-100 con voi hoang dã. Mới đây, Tổ chức động vật châu Á lấy mẫu phân để phân tích số lượng thì có 48 con voi hoang dã.

Trong bối cảnh có sự biến động lớn về sự xuất hiện, thói quen di chuyển bất thường của các đàn voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk trong 3 năm trở lại đây thì việc sử dụng công nghệ GPS để giám sát voi hoang dã là cần thiết nhằm tìm hiểu về hành lang di chuyển theo mùa, quản lý tốt đàn voi và giảm thiểu xung đột voi và con người. Do đó, cần gấp rút hoàn thiện đề án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm qua, các đàn voi tại tỉnh Đắk Lắk thường xảy ra xung đột với con người, làm thiệt hại về kinh tế, thậm chí còn thiệt hại về người. Điều này ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực có voi phân bố. Ngược lại cũng đã xảy ra một số trường hợp voi chết có nguyên nhân trực tiếp từ con người.

Chính vì vậy, việc gắn định vị GPS cho voi hoang dã có thể xác định sự di chuyển của các đàn voi nhằm cung cấp thông tin để bảo vệ, bảo tồn quần thể voi, cũng như cảnh báo địa phương, người dân biết voi đi qua để giảm thiểu xung đột giữa voi và người là hết sức cần thiết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.