| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Ông Tây đến Yok Đôn làm bảo tồn voi

Thứ Hai 14/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Tại Vườn quốc gia Yok Đôn, tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đang vận hành một dự án bảo tồn voi với nhiều nhân sự quốc tế và Việt Nam.

Yok Đôn là nơi có hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng với cây thưa, đất phẳng nếu ai không biết rất dễ nhầm đây là rừng trồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Yok Đôn là nơi có hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng với cây thưa, đất phẳng nếu ai không biết rất dễ nhầm đây là rừng trồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ra đời từ năm 2018, Dự án “Hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch sử dụng voi” giữa Animal Aisa với Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) vừa kết thúc giai đoạn 1 sau 5 năm triển khai và chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn kế tiếp.

Bài liên quan

Cụ thể, dự án này ra đời nhằm thay thế du lịch cưỡi voi và những trải nghiệm trực tiếp tác động tới voi bằng mô hình du lịch sinh thái, thân thiện với voi.

Theo đó, vào tháng 7/2018, Animals Asia cam kết tài trợ một khoản tiền tổng trị giá tối đa 65.000 USD cho thời gian thực hiện Dự án (5 năm từ tháng 7/2018 tới tháng 6/2023) nhằm hỗ trợ việc triển khai phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi.

Nội dung bao gồm hợp tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn voi cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực bảo tồn và trên cả nước. Bên cạnh đó, hỗ trợ tư vấn thiết kế khu vực chăm sóc voi để đảm bảo phù hợp với mục đích và an toàn cho cả voi và khách tham quan.

Thay đổi cách cư xử với voi

Với mái tóc hơi dài, buộc túm thành một lọn nhỏ sau gáy cùng bộ trang phục đậm chất dã ngoại được nai nịt gọn gàng, Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia - David Neale có vẻ bề ngoài toát lên sự gần gũi với thiên nhiên.

9 năm trước, David cùng những đồng nghiệp của mình tại Animals Asia được Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk mời đến để hỗ trợ những chú voi bị thương được giải cứu về Vườn quốc gia Yok Đôn. Thời điểm đó, tổ chức của David với vai trò tư vấn đã đưa ra một số lời khuyên về cách chăm sóc voi bị thương.

Một thời gian sau, trong quá trình làm việc tại Yok Đôn, phía Animals Asia nhận được thông tin từ Vườn quốc gia này về mong muốn thay đổi loại hình du lịch với voi.

“Họ muốn loại bỏ việc cưỡi voi, thay vào đó là một chương trình du lịch thân thiện hơn, có đạo đức hơn, với cả voi lẫn du khách đến thăm Vườn quốc gia Yok Đôn”, David Neale nhớ lại.

Hai bên đã tìm được tiếng nói chung khi Animals Asia cũng quan tâm đến phúc lợi và sức khỏe của những con voi trong khu vực và mong muốn thay đổi cách cư xử của con người đối với voi do khi đó cưỡi voi là loại hình khai thác phổ biến nhất ở đây.

Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia - David Neale (bìa trái) trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trần Anh.

Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia - David Neale (bìa trái) trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trần Anh.

Cách làm ở đây là đưa ra một số giải pháp hỗ trợ người dân địa phương, cùng họ thay đổi cách làm du lịch với voi. “Tất nhiên, những người dân ở đây đã quan tâm đến giải pháp của chúng tôi”, Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia chia sẻ.

Bài liên quan

Theo đó, 5 năm trước, các bên đã cùng nhau khởi động dự án “Hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch sử dụng voi” bằng cách ký thỏa thuận để Animals Asia có thể hỗ trợ để người dân địa phương ngừng khai thác hình thức cưỡi voi mà vẫn có nguồn thu từ du lịch.

“Đó là cách chúng tôi bắt đầu vào năm 2018. Ban đầu mọi chuyện khá tốt nhưng rồi đại dịch Covid-19 ập đến và không còn khách du lịch nào nữa. Khi đó, chúng tôi thực sự phải cung cấp nguồn hỗ trợ để Vườn quốc gia Yok Đôn có thể tiếp tục chăm sóc những chú voi cũng như bảo đảm đời sống cho nhân viên”, ông David Neale chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi Covid-19 qua đi, lượng khách du lịch đã được cải thiện và chương trình này đã trở nên rất thành công.

Mục tiêu 2026

Chia sẻ về nguồn lực để thực hiện dự án này, người đàn ông được các nhân viên của Vườn quốc gia Yok Đôn gọi với cái tên thân thiện là Dave nói: “Chúng tôi là một tổ chức từ thiện và nguồn lực đều do công chúng đóng góp. Chúng tôi gây quỹ trên khắp thế giới”.

Theo đó, Animals Asia sẽ truyền thông về những dự án bảo tồn động vật của mình và kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Dave thừa nhận, ông và các đồng nghiệp rất may mắn khi tất cả các chương trình bảo tồn của Animals Asia đều nhận được sự đồng thuận của công chúng.

Hiện nay, ngoài voi ở Yok Đôn, tổ chức này còn tổ chức cứu hộ gấu ở các vườn quốc gia khác như Tam Đảo và Bạch Mã. Cũng như ở Yok Đôn, các dự án này nhận được sự ủng hộ lớn và đó là nguồn lực để có thể cải thiện phúc lợi động vật ở các khu vực này.

Đàn voi được bảo tồn ở Yok Đôn khỏe mạnh và tỏ ra rất thích thú khi được sống giữa thiên nhiên. Ảnh: Tùng Đinh.

Đàn voi được bảo tồn ở Yok Đôn khỏe mạnh và tỏ ra rất thích thú khi được sống giữa thiên nhiên. Ảnh: Tùng Đinh.

Quay lại với chương trình bảo tồn voi ở Yok Đôn, sau những thành công của 5 năm đầu, dự án vừa được triển khai giai đoạn 2 với thời gian 5 năm nữa giữa Animals Asia và vườn.

“Chúng tôi thực sự muốn phát triển dự án này. Càng nhiều voi chúng ta có thể đưa về Vườn quốc gia Yok Đôn, sẽ càng có thêm nhiều khách du lịch, họ sẽ đến xem những chú voi đó”, ông Neale chia sẻ thêm về tương lai của dự án.

Ngoài ra, Animals Asia cũng đạt được một thỏa thuận với UBND tỉnh Đắk Lắk, đó là chấm dứt hoàn toàn hoạt động cưỡi voi vào năm 2026: “Chúng tôi sẽ còn 3 năm nữa để thực hiện mục tiêu này”.

Giải pháp cho cả voi nhà và voi rừng

Trả lời câu hỏi về mục tiêu của dự án cũng như lời khuyên cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để nâng cao hiệu quả bảo tồn voi, Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia khẳng định, trước tiên dự án đang được triển khai có tầm quan trọng rất lớn, không chỉ với voi nuôi nhốt, voi dùng để cưỡi mà với cả voi hoang dã (voi rừng).

Theo ông, số lượng voi hoang dã ở Việt Nam còn rất ít và chúng thực sự cần đến sự giúp đỡ: “Chúng cần đến sự giúp đỡ từ tất cả mọi người dân Việt Nam để đảm bảo rằng chúng không bị tuyệt chủng trên đất nước các bạn”.

Như vậy, dự án giữa Animal Aisa với Vườn quốc gia Yok Đôn không chỉ bảo tồn, cải thiện phúc lợi cho loài voi mà còn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoàn cảnh khó khăn của loài vật này và hy vọng sẽ có thêm nhiều người nữa ủng hộ chúng.

Việc cải thiện hệ sinh thái gắn với bảo tồn không chỉ hiệu quả với đàn voi từng bị nuôi nhốt mà voi hoang dã (voi rừng) cũng được hưởng lợi. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc cải thiện hệ sinh thái gắn với bảo tồn không chỉ hiệu quả với đàn voi từng bị nuôi nhốt mà voi hoang dã (voi rừng) cũng được hưởng lợi. Ảnh: Tùng Đinh.

“Chúng tôi đang cố gắng giúp mọi người hiểu hơn về loài voi so với những quan điểm đã tồn tại lâu nau. Qua đó, cố gắng để đẩy mạnh cách mà loài voi mong muốn cuộc sống của chúng sẽ diễn ra”, Dave cho biết thêm.

Chuyên gia kỳ cựu về voi này khẳng định, đây là loài động vật có tính xã hội rất cao và chúng cần được sống cùng những đồng loại của mình. Voi cũng là loài vật rất thông minh, do đó chúng cần được tiếp xúc với môi trường tự nhiên và trải nghiệm môi trường đó theo cách của mình.

Và thông điệp quan trọng nhất mà vị đại diện Animals Asia này muốn chia sẻ với Việt Nam đó là mong muốn những kiến thức, thông tin về loài voi được lan tỏa rộng rãi hơn nữa với công chúng.

“Qua đó, chúng tôi muốn mọi người ủng hộ việc đưa những chú voi này trở về rừng, trở về tự nhiên hơn là giữ chúng trong những khu du lịch riêng tư”, ông David Neale nhấn mạnh.

Tháng 12/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và Animals Aisa đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi, trong đó có nội dung:

"UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình để hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà bao gồm: Du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co; voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông; dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi...".

Biên bản ghi nhớ này được cụ thể hóa vào tháng 11/2022 khi UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án “Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi” trên địa bàn tỉnh với thời gian thực hiện từ tháng 11/2022 đến 12/2026.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát tại Vĩnh Long

Vĩnh Long Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại các hộ dân sinh sống khu vực khai thác của 3 mỏ cát.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm