| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên áp dụng các sáng kiến mới bảo vệ voi

Thứ Năm 31/08/2023 , 17:34 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho rằng, việc đánh voi bằng gậy, gõ đập nồi niêu, nổ pháo và chất nổ tự chế, chuốc thuốc độc gây bất lợi, càng khiến voi hung hăng hơn trước sự hiện diện của con người.

Đó cũng là khẳng định của các chuyên gia quốc tế tại Hội thảo đánh giá Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa, do Cục Lâm nghiệp phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai và Tổ chức giúp đỡ động vật Human Society International (HIS) vừa tổ chức tại TP Biên Hòa.

Cần huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn

Theo báo cáo, Đồng Nai có quần thể voi hoang dã lớn thứ 2 (sau Đắk Lắk). Tuy nhiên, trong 40 năm trở lại đây quần thể voi hoang dã tại Việt Nam đã giảm từ 2.000 con xuống chỉ còn khoảng 130 con. Do đó, 2 năm qua, HIS đã thực hiện chương trình giám sát voi bằng bẫy ảnh để xây dựng cơ sở dữ liệu định dạng cá thể voi. Mỗi con voi đều có thẻ định dạng riêng gồm tên tiếng Việt, tuổi, giới tính, đặc điểm nhận dạng riêng nổi bật để phân biệt giữa các cá thể, đặc điểm thể trạng và có thuộc nhóm/đàn nào.

Hình ảnh về voi được ghi lại từ bẫy ảnh do tổ chức HSI thực hiện. Ảnh: HSI cung cấp.

Hình ảnh về voi được ghi lại từ bẫy ảnh do tổ chức HSI thực hiện. Ảnh: HSI cung cấp.

Những con voi Ngà Lệch, Cát Tiên và Đất Đỏ được giám sát và định dạng thông qua các hình ảnh thu được tại nhiều điểm đặt bẫy ảnh ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp La Ngà thuộc các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu và Định Quán. Các nhà nghiên cứu của HIS ước tính số lượng voi ở Đồng Nai thu được tại nhiều điểm đặt bẫy ảnh từ 25 - 27 con, thay vì 14 con. Bà Trần Thị Hoa, điều phối viên Quốc gia chương trình Bảo tồn cũng chia sẻ, qua nghiên cứu cho thấy số lượng cá thể voi lớn hơn mức từng biết, khả năng phục hồi trong tự nhiên là rõ ràng khi thường xuyên thấy các cá thể voi con. Các vấn đề xung đột giữa người với voi đã được giảm thiểu nhờ hàng rào điện, mặc dù vậy, voi cũng có lúc vượt rào. Tuy nhiên, các biện pháp xua đuổi của con người khi voi vượt rào đã dẫn đến việc voi có dấu hiệu hung dữ hơn so với trước kia.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, mặc dù là một tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhiều nhất Việt Nam, nhưng Đồng Nai vẫn ưu tiên và dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của cả khu vực. Đồng thời, tỉnh cũng tích cực thực hiện và hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Đồng Nai ký cam kết bảo vệ loài voi: Ảnh: MV.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Đồng Nai ký cam kết bảo vệ loài voi: Ảnh: MV.

Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: “Trong công tác bảo tồn, bảo vệ rừng nói chung và bảo tồn voi nói riêng thì Đồng Nai rất cần nhiều nguồn lực được huy động từ bên ngoài, đặc biệt là từ các Tổ chức phi Chính phủ quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp hợp tác với họ để áp dụng những sáng kiến này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, trong thời gian vừa qua Đồng Nai đã áp dụng thành công trong công tác bảo tồn voi, với những sáng kiến mới mà các tỉnh khác cũng rất quan tâm và tham khảo áp dụng nhân rộng”.

Dự án bảo tồn sẽ được tiếp tục mở rộng

Tổ chức giúp đỡ động vật Human Society International hy vọng từ kết quả Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa khả quan tại tỉnh Đồng Nai sẽ là tín hiệu tốt để tin tưởng số lượng cá thể voi cả nước cao hơn hiện tại. Dự án sẽ được tiếp tục mở rộng ở các tỉnh, đặc biệt là ở Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam nơi đang có những quần thể voi rất quan trọng đang sinh sống.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và ngành chức năng tham quan triển lãm ảnh về loài voi. Ảnh: MV.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và ngành chức năng tham quan triển lãm ảnh về loài voi. Ảnh: MV.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho rằng, việc đánh voi bằng gậy, gõ đập nồi niêu, nổ pháo và chất nổ tự chế, chuốc thuốc độc gây bất lợi, càng khiến voi hung hăng hơn trước sự hiện diện của con người.

“Trong những năm qua, dữ liệu về địa điểm xảy ra xung đột, mức độ, tần suất xung đột, cũng như số lượng voi và phản ứng của chúng với các biện pháp giảm thiểu xung đột được thu thập. Sáng kiến bẫy ảnh giám sát xung đột giữa người và voi sẽ cải thiện các chiến lược bảo tồn nhờ có được hiểu biết hơn về môi trường sống của voi”, ông Trần Quang Bảo nói.

Chương trình thí điểm đã cho kết quả chính xác về voi từ bẫy ảnh đã củng cố thêm niềm tin cho công tác bảo tồn voi. Các nguồn dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở để giúp Đồng Nai có thể bảo tồn và tăng đàn trong thời gian tới; đồng thời có thể nhân rộng tại các tỉnh có voi phân bố ở các địa phương, nhằm giảm thiểu xung đột giữa người và voi, hướng tới chung sống hài hòa trên cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi (bên phải) tham quan triển lãm ảnh 'Tử tế với loài voi và thiên nhiên'. Ảnh: MV.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi (bên phải) tham quan triển lãm ảnh “Tử tế với loài voi và thiên nhiên”. Ảnh: MV.

Trao đổi với NNVN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết: Đồng Nai đang lo lắng khi phát hiện khả năng đồng huyết của quần thể voi, voi khó phục hồi tự nhiên, kết quả điều tra mới đây cho thấy cá thể voi bị giảm mạnh, hơn nữa số lượng các vụ xung đột giữa voi và người ngày càng tăng. Do vậy, Đồng Nai mong muốn sẽ là tỉnh đầu tiên áp dụng các sáng kiến mới trong nỗ lực bảo vệ các loài bị đe dọa.

“Chúng tôi rất hoan nghênh Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa, do Tổ chức HSI hỗ trợ và các chuyên gia quốc tế tham gia thực hiện. Các cuộc khảo sát thực địa đã xác định được vùng sống, hoạt động của các đàn voi, dữ liệu về xung đột voi và người thu thập theo mẫu chuẩn, đưa lên phần mềm để số hóa, phân tích và cung cấp những hiểu biết cần thiết về xung đột trên địa bàn tỉnh”, ông Phi nhấn mạnh.

“Quần thể voi của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nên Chính phủ Việt Nam ưu tiên công tác bảo tồn voi thông qua chương trình bảo tồn voi quốc gia mà HSI đang hỗ trợ xây dựng, trong đó có dự án tại Đồng Nai. Với dữ liệu nghiên cứu mới của HSI, cho tiếp cận các tình huống xung đột dựa vào đặc điểm, hành vi, phạm vi và thói quen của voi để voi và người chung sống hài hòa”, bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của HIS chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: Không giống như những can thiệp khác, dự án đặc biệt với HSI này cung cấp cho chúng tôi các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Từ quan điểm quản lý Nhà nước, tôi đánh giá cao sự tham gia của nhiều bên liên quan mà dự án đã thu hút được, bao gồm cộng đồng địa phương, các nhà nghiên cứu và chuyên gia bảo vệ động vật. Nhờ vậy mà tiếng nói của cả con người và động vật hoang đã được xem xét cẩn thận trong các khuyến nghị có tác động đến voi.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.