Sáng 12/9, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp Ban chỉ đạo Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, trên cơ sở kế hoạch liên tịch số 05/KHLT-BNNPTNT-UBND ngày 31/8/2023 của Bộ NN-PTNT và UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch tổ chức Festival, dự kiến sẽ có 3 hoạt động chính: Lễ tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi; lễ khai mạc Festival và trao giải hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam; chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống.
Về Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 19 và không gian triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam, dự kiến hội chợ có 300 gian hàng, trong đó Bộ NN-PTNT 180 gian hàng (20 gian hàng quốc tế, 10 gian hàng trưng bày sản phẩm của các nghệ nhân và 150 gian hàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương), UBND thành phố Hà Nội 120 gian hàng.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Festival sẽ diễn ra chuỗi các hội thảo như: Hội thảo quốc tế bảo tồn và phát triển làng nghề; hội thảo kết nối giao thương quốc gia San Marino - Bát Tràng; hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện; hội thảo xúc tiến Việt Nam - Mông Cổ do Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện.
UBND thành phố Hà Nội cũng tổ chức 7 sự kiện hưởng ứng Festival, gồm: Lễ rước tổ nghề và tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc - sắc màu hội nhập"; lễ trao giải các sản phẩm làng nghề Hà Nội đạt giải năm 2023; sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam bộ; lễ hội và trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên; lễ hội mùa thu Hà Nội; hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023; tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội gồm Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm.
Theo ông Thịnh, Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam thời gian tiếp nhận sản phẩm từ ngày 15 - 30/9, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp. Thời gian chấm thi dự kiến từ ngày 26 - 30/10 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp. Cơ cấu giải thưởng (của 5 nhóm sản phẩm) gồm 5 giải nhất; 10 giải nhì; 15 giải ba; 15 giải khuyến khích.
Ông Thịnh cũng đề nghị, Ban chỉ đạo Festival và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung theo nhiệm vụ đã được phân công. Vụ Hợp tác quốc tế khẩn trương trình lãnh đạo Bộ đề án tổ chức 2 hội thảo quốc tế là bảo tồn và phát triển làng nghề và kết nối giao thương quốc tế San Marino - Bát Tràng. Bên cạnh đó, thống nhất với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp trong việc mời gọi, tạo điều kiện và bố trí cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quốc tế tham gia Festival và trưng bày sản phẩm tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ quốc tế tại hội chợ.
Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Hà Nội cùng các cơ quan liên quan trong việc sớm hình thành, lên phương án thiết kế tổng thể cho chương trình phù hợp với mục tiêu, ý nghĩa cũng như nguồn lực. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp bổ sung thêm các gian hàng thiết bị, công nghệ khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam lưu ý, Festival là một sự kiện lớn, có ý nghĩa giao lưu văn hóa, thương mại chứ không đơn thuần chỉ là hội chợ quảng bá sản phẩm. Do đó, ban tổ chức phải tính toán kỹ lưỡng tất cả nội dung không chỉ của các hoạt động chính mà cả những hoạt động bên lề. Trong đó, đặc biệt chú ý tới việc phải tạo được không gian để trưng bày toàn bộ sản phẩm tham dự Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, phải giúp người dân, du khách có những trải nghiệm đầy đủ, hoàn mỹ nhất khi tham dự Festival.
“Ban tổ chức phải luôn suy nghĩ sau khi tham dự hội thảo, tham quan, mua sắm tại các gian hàng thì du khách sẽ đi đâu, làm gì tiếp theo thì mới có thể xây dựng được chương trình hoạt động Festival một cách tổng thể, liền mạch, tạo dấu ấn sâu đậm, trở thành một lễ hội thực sự. Tính toán, nghiên cứu tổ chức thêm các hoạt động trò chơi, hội thi, trải nghiệm về ẩm thực, văn hóa làng nghề để thu hút du khách”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.