Úp mở nội dung
Cho đến thời điểm này, ê kíp Táo quân đã bắt tay vào tập luyện. Tác giả kịch bản vẫn là sự góp mặt của Đinh Tiến Dũng (Giáo sư Cù Trọng Xoay) và đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Tuy nhiên, nội dung Táo quân 2016 sẽ đề cập vấn đề gì thì vẫn được các diễn viên, đạo diễn “úp mở”. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, sẽ vẫn là những vấn đề nóng, những tồn tại của đời sống xã hội được chắt lọc qua lăng kính hài hước, châm biếm nhẹ nhàng.
Nhưng theo kinh nghiệm 13 năm xem Táo quân, nhiều khán giả phán đoán Táo quân năm nay có khả năng đề cập tới cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bỏ môn lịch sử để tích hợp vào các môn khác, Hà Nội chặt cây, đề xuất tịch thu xe máy của người say… vừa ra đời đã nhận được “bão” dư luận; cảnh vỡ trận vắc xin dịch vụ những ngày cuối năm; sự “nổ” của hãng di động nội địa với câu slogan: “Thật không thể tin nổi”… được các Táo báo cáo, "chém gió" trên thiên đình.
Phán đoán là vậy, Táo quân có diễn ra đúng như vậy không lại là chuyện khác. Người “cầm cân nảy mực” Táo quân 2016 - đạo diễn Đỗ Thanh Hải úp mở cho biết kịch bản có thể bị thay đổi tới 60% so với bản gốc. Việc kịch bản Táo quân 2016 liên tục được thay đổi và phụ thuộc khá nhiều vào sự sáng tạo của các nghệ sĩ là có thật.
Diễn viên Xuân Bắc nửa thật, nửa đùa: “Kịch bản Táo quân năm nay, dù được cập nhật, thay đổi liên tục nhưng cuối cùng vẫn là... 120 trang. Diễn viên phải tập nhiều, nhiều khi nghệ sĩ “thăng hoa”, diễn khác kịch bản, nếu phù hợp thì đạo diễn vẫn ok”.
Có bị tuýt còi vì nhạy cảm, phản cảm?
Táo quân 2013 có đoạn tung hứng với nhiều lời thoại bình luận về vóc dáng phụ nữ, vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ… bị cho là phản cảm. Táo quân 2014, để minh họa cho Ngọc Hoàng về việc phân bổ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng xây nhà cho người thu nhập thấp, Táo Kinh Tế treo gói hỗ trợ trên cây cột mỡ và yêu cầu các ứng viên phải hội đủ ba điều kiện mới cho trèo cột.
Trong đoạn này, lời thoại của các diễn viên có những câu như: “Đã trĩ còn bắt leo cột mỡ”. Không biết có phải vì vậy, mà Táo quân 2015, bị tiết chế khá nhiều những lời lẽ, cử chỉ phản cảm. Nhưng cùng với điều đó, chương trình năm 2015 lại không nhận được sự yêu mến của khán giả bởi quá nhạt.
Dường như thương hiệu của Táo quân là không né tránh, không “kiêng nể” những vấn đề nhức nhối ở bất cứ lĩnh vực nào đã mất, mặc dù đạo diễn Đỗ Thanh Hải không thừa nhận điều này. Sự né tránh này khiến kịch bản chương trình thiếu điểm nhấn, tất cả những vấn đề được nhắc tới đều nhạt nhòa, không có câu nói, bài hát, hay chi tiết nào của chương trình năm 2015 khả dĩ đọng lại trong lòng khán giả. Đây cũng là điều hiếm có sau mỗi chương trình Táo quân vì trước đây, sau mỗi chương trình, 1 thời gian dài sau đó, khán giả vẫn còn nhắc lại những câu nói, những bài hát hài hước, có sức châm biếm của chương trình.
Lý giải điều này, nghệ sĩ Xuân Bắc phân trần: “Muốn có sự thay đổi thì đầu tiên phải có diễn viên với khả năng diễn hài tương xứng. Nhưng các nghệ sĩ kế cận trong lĩnh vực hài không nhiều. Có những người xuất sắc trên sân khấu kịch nhưng không thể diễn được hài. Điều đầu tiên là phải có sức khỏe, vì chương trình tập ròng rã suốt một tháng, lại chủ yếu tập vào ban đêm. Quan trọng hơn cả là khả năng ứng biến trên sân khấu và sự ăn ý với nhau trong diễn xuất. Nhưng để có được sự ăn ý đó thì họ phải có một quá trình làm việc với nhau nhiều lần”.
Để làm mới sân khấu Táo quân, năm 2015, các diễn viên hài miền Nam đã góp mặt vào chương trình, tuy nhiên, sự tung hứng, kết hợp giữa các diễn viên hai miền chưa ăn ý cũng đã làm hạn chế sự hấp dẫn khán giả. Và khi những vấn đề nóng không được đề cập sâu, không thỏa mãn được người xem, diễn viên cũ mòn, kết hợp chưa ăn ý thì khán giả thất vọng về Táo quân 2015 là đương nhiên. Liệu Táo quân 2016 có hạn chế được các nhược điểm này, tiếp tục được khán giả đón đợi trong mỗi tối Tất niên hay không, câu trả lời còn ở phía trước.