Theo ghi nhận của NNVN, sau khi đưa vào vận hành khai thác, các “tàu 67” ở Khánh Hòa không chỉ đảm bảo an toàn kỹ thuật mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho từng chuyến biển, trong đó nhiều tàu bội thu.
Nhờ Nghị định 67 của Chính phủ nên nhiều ngư dân Khánh Hòa mạnh dạn vay vốn đóng những con tàu mơ ước |
Tiêu biểu, như tàu composite mang tên Ju Mông Trường Sa 2016, số hiệu KH 93476TS do ngư dân Bùi Mông, phường Ba Ngòi (TP Cam Ranh) làm thuyền trưởng.
Tàu đóng tại Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UninShip) thuộc Trường Đại học Nha Trang, hạ thủy đầu tháng 6/2016, hành nghề lưới vây, có công suất 800CV, được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa cho vay 10,7 tỷ đồng.
Theo ngư dân Mông, cho đến nay sau 5 chuyến đánh bắt tàu ông đều thắng lợi, cho mức lãi trung bình từ 200 - 300 triệu đồng/chuyến. Đặc biệt, chuyến biển mở hàng đầu tiên tàu ông đánh được 40 tấn cá, trị giá 700 triệu đồng.
“Trước đây gia đình tôi sở hữu tàu vỏ gỗ cũng thuộc loại lớn, tuy nhiên nhược điểm tàu vỏ gỗ dễ bị mối, mục, hà bám, dễ bị phá nước, chi phí sửa chữa nhiều, hiệu quả bảo quản hải sản sau thu hoạch thấp. Do đó, nhiều năm trước tôi luôn ao ước sở hữu được con tàu hiện đại nhưng vốn đầu tư vượt quá tầm tay. Sau này, nhờ chính sách 67 của Chính phủ được hỗ trợ vay vốn nên tôi mới đóng được con tàu này. Qua nhiều chuyến biển đích thân sử dụng đánh bắt tôi khẳng định con tàu composite này rất tuyệt vời”, ông Mông chia sẻ.
Tương tự, tàu composite số hiệu KH 92179 TS của ông Trần Văn Đạt, ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP Nha Trang), hạ thủy vào cuối năm 2016 (trị giá 11 tỷ đồng) đến nay đã vươn khơi 2 chuyến biển cũng cho mức lãi khá.
Các “tàu 67” ở Khánh Hòa vươn khơi đánh bắt mang đầy lộc biển |
Theo ông Đạt, hiện tàu ông hành nghề câu cá ngừ đại dương và lưới vây. Và, tùy thời điểm thích hợp tàu sẽ linh động đánh bắt nghề nào phù hợp. Tuy nhiên đối với chuyến biển đầu tiên tàu ông đánh bắt cá ngừ đạt 2,6 tấn, sau khi trừ chi phí lãi 160 triệu đồng. Còn chuyến biển thứ 2, tàu hành nghề lưới vây đánh bắt cho lãi gần 100 triệu đồng. Hiện nay tàu ông đang tiếp tục vươn khơi đánh bắt chuyến thứ 3, hứa hẹn sẽ tiếp tục hái “lộc biển”.
“Tôi rất hài lòng với con “tàu 67” này. Tàu lướt sóng rất êm, chịu hà tốt, đặc biệt hầm bảo quản hiện đại, nên hải sản đánh bắt được thương lái thu mua đánh giá đạt chất lượng cao. Nhờ đó sản phẩm tàu tôi bán ra được giá và có mức lãi khá hơn”, ông Đạt khoe.
Ngư dân tiếp tục đóng tàu 67 Trao đổi NNVN, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP, tính đến nay tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt 54 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán với tổng kinh phí khoảng 552 tỷ đồng. Có 16 tàu đã hạ thủy, trong đó 13 tàu đóng mới, chủ yếu là tàu vỏ vật liệu composite. Ông Chánh chia sẻ, đối với các tàu composite hạ thủy hiện nay trên địa bàn đánh bắt rất hiệu quả, có doanh thu. Các chủ tàu vay vốn ngân hàng đều trả nợ đầy đủ. “Tàu 67” vỏ composite được ngư dân rất ưa chuộng. Tàu composite không chỉ chi phí sửa chữa thấp, hoạt động ổn định, độ bền cao mà còn đi biển an toàn, dễ đưa tàu lên bờ để bảo dưỡng. “Hiện nay nhiều ngư dân trong tỉnh tiếp tục vay vốn 67 đóng tàu vỏ composite. Dự kiến từ nay đến cuối năm các cơ sở đóng tàu composite trên địa bàn sẽ hạ thủy bàn giao cho ngư dân 7 chiếc nữa để đưa vào vận hành khai thác”, ông Chánh cho biết. |
Ông Phan Tuấn Long, PGĐ Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UninShip) thuộc Trường Đại học Nha Trang, cho biết, từ khi Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực, công suất đóng tàu cá composite của UninShip luôn duy trì ở mức 12 chiếc/năm. Đặc biệt 2 năm gần đây rất nhiều ngư dân miền Trung đến liên hệ, tìm hiểu và ký hợp đồng đóng tàu cá composite. Trong đó các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, ngư dân ký hợp đồng đóng tàu nhiều nhất, công suất mỗi tàu 800CV trở lên, giá trị trên 10 tỷ đồng/chiếc. Ưu điểm tàu composite có tuổi thọ đến 30 năm, chịu hà tốt, hầm bảo quản hải sản hiện đại, dễ tạo dáng. |