| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên có nguy cơ hết voi

Thứ Năm 28/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Những năm 1990, số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500 – 2.000 cá thể. Tuy nhiên, đến thời điểm này còn chưa tới 150 cá thể voi hoang dã.

Tác giả bài viết trong chuyến đi điền dã tìm hiểu voi khu vực Tây Nguyên.

Tác giả bài viết trong chuyến đi điền dã tìm hiểu voi khu vực Tây Nguyên.

Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) vừa hoàn thành một nghiên cứu và báo cáo “Voi Tây Nguyên: Quần thể suy giảm đe dọa sự tồn vong”.

Theo báo cáo, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124 -148 cá thể voi hoang dã phân bố ở 8 tỉnh: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.

Voi rừng và voi nhà đều nguy cấp

 Trong đó, chỉ có 3 sinh cảnh còn trên 10 cá thể voi là VQG Pù Mát và vùng phụ cận (tỉnh Nghệ An) còn 13 – 15 cá thể; VQG Cát Tiên, Khu BTNN và Văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp TNHH MTV La Ngà (tỉnh Đồng Nai) còn 14 cá thể; và VQG Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) còn khoảng 80-100 cá thể.

Ở tỉnh có số lượng voi hoang dã lớn nhất cả nước là Đắk Lắk hiện có 5 quần thể: quần thể nhỏ nhất gồm 5-10 cá thể, quần thể lớn nhất có 32-36 cá thể, phân bố chủ yếu ở VQG Yok Đôn.

Về voi nuôi (voi thuần dưỡng), thống kê của Bộ NN- PTNT năm 2018, cả nước có 91 voi nuôi tại 11 tỉnh thành. Trong khi con số này của năm 2000 là 165 con.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, trong thời gian 1979 - 1980 tỉnh Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng; năm 1990 có 299 con; năm 1997 còn 169 con và  năm 2000 chỉ còn 138 con, giảm 364 con trong vòng 20 năm (từ 1980 - 2000).

Đến năm 2018, con số voi nuôi của Đắk Lắk, giảm gần 100 cá thể so với năm 2000, chỉ còn 45. Việc khai thác voi đã thuần dưỡng, còn gọi là voi nhà, để phục vụ du lịch hay cung cấp sức lao động cũng là một trong những mối đe doạ nghiêm trọng tới quần thể loài. Theo dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, chủ voi sẽ được trả tiền khi voi đẻ con.

Nhưng gần 30 năm qua, khả năng sinh sản của voi nhà Đắk Lắk có tỷ lệ gần như bằng 0 vì môi trường cho việc gặp gỡ, giao phối của voi bị hạn chế bởi chủ voi thường quản lý voi độc lập, ít thả voi sống cùng nhau. 

Theo các chuyên gia, để bảo tồn voi hoang dã, vấn đề sống còn là duy trì sinh cảnh của chúng. Thế nhưng, trong những năm qua, những cánh rừng già nguyên sinh, sinh cảnh cố hữu của voi, đã và đang bị khai thác tràn lan, ngày càng suy giảm về diện tích, suy thoái về chất lượng hoặc bị xâm lấn bởi hoạt động của con người.

Kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2008-2018, diện tích rừng tự nhiên tại Tây nguyên mất hơn 358.700ha.

Trong đó, rừng giảm 94.814ha (chiếm 26,4%) do chuyển đổi trồng cao su, cây công nghiệp và cây ăn quả; giảm 33.706 ha (chiếm 9,39%) do chuyển đổi xây dựng thủy điện, công trình giao thông và công trình công cộng và 88.603 (chiếm 24,6%) do phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. 

Từ khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su tại Tây Nguyên vào năm 2009, theo thống kê chưa đầy đủ, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su...) trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 215.720 ha.

Voi Đắk Lắk phục vụ du lịch bản làng.

Voi Đắk Lắk phục vụ du lịch bản làng.

Một số dự án thủy điện khi đi vào hoạt động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đàn voi hoang dã. Số liệu của Sở Công thương Đắk Lắk cho thấy sông Sêrêpôk có 6 con đập lớn tạo hồ chứa cho các nhà máy thủy điện chắn ngang dòng là Buôn Tuôr Sar, Buôn Kuôp, Hòa Phú, Đray H’ling, Sêrêpôk 3, Sêrêpôk.

Các thủy điện trên sông Sêrêpôk làm thay đổi dòng chảy, kéo theo sự thay đổi sinh cảnh ven sông, thu hẹp không gian sinh tồn của loài voi và ảnh hưởng đến các “hố nước” vốn rất quan trọng với tập tính sinh tồn của loài voi, nhất là vào mùa khô.

Vì sao hết voi?

Nhiều nguyên nhân tước đi mạng sống của voi. Voi bị mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và hành lang di chuyển làm nảy sinh những xung đột nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm giữa voi và con người.

Vì vậy, những năm gần đây, ở Tây Nguyên thường xuất hiện tình trạng voi hoang dã bỏ rừng kéo về phá nương rẫy để kiếm ăn, gây nguy hại đến tài sản và tính mạng của con người.

Điển hình như năm 2013, đàn voi rừng khoảng 17 cá thể đã kéo về cách trung tâm huyện Ea Súp 5 km gây rối.

Tại xã Ea H’Lê, huyện Ea H’leo, trước năm 2012, voi rừng thường xuyên về phá hoại hoa màu của người dân.

Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2018, voi đã làm thiệt hại khoảng 100 ha cây trồng các loại cũng như một số chòi rẫy, công cụ, làm chết một người.

Công tác bảo tồn đàn voi đang được Bộ NN-PTNT và các tỉnh đặc biệt quan tâm.

Công tác bảo tồn đàn voi đang được Bộ NN-PTNT và các tỉnh đặc biệt quan tâm.

Các tổ chức bảo tồn lớn trên thế giới coi buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi là nguy cơ lớn bậc nhất, đe dọa xóa sổ loài này.

Các chuyến thực địa của Trung tâm Con người và Thiên nhiên trong năm 2019 ghi nhận, ngay tại thủ phủ voi Việt Nam là tỉnh Đắk Lắk, đồ trang sức ngà voi và các sản phẩm từ voi được bày bán khá công khai tại khu du lịch Buôn Đôn.

Tại một số cửa hàng lưu niệm trên địa bàn TP Buôn Mê Thuột, chỉ cần hỏi là người bán sẽ đưa hàng loạt các sản phẩm như vòng, nhẫn, tẩu thuốc, lược bằng ngà và xương voi, ví, trống, thắt lưng bằng da voi cho khách du lịch lựa chọn. Nếu khách có nhu cầu về ngà nguyên khúc, nguyên chiếc thì bên bán sẽ liên lạc và chào hàng qua mạng xã hội.

Thậm chí tại sảnh tầng 1 khách sạn 4 sao Sài Gòn – Ban Mê, các sản phẩm từ voi chiếm gần trọn một quầy lưu niệm.

Ở Dinh III Bảo Đại (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), sản phẩm nhẫn lông đuôi voi cũng được bày bán ngang nhiên mà chưa được cơ quan chức năng xử lý, dù báo chí đã nhiều lần phản ánh. Với giá nhiều chục triệu đồng/kg, lợi nhuận mang lại từ buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ voi rất lớn nên các “voi tặc” ngày càng manh động.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trong vòng 6 năm từ 2012 - 2018, tại Đắk Lắk đã có ít nhất 18 voi rừng chết do bị con người sát hại để lấy ngà và các bộ phận.

Nghiêm trọng nhất là vụ việc chỉ trong vòng một tuần (từ 26 - 31/3/2012) trên địa bàn huyện Ea Súp, Đắk Lắk 3 con voi hoang dã được phát hiện bị chết và nhiều bộ phận của chúng đã bị lấy đi.

Ngày 14/7/2015, voi tặc đã vào tận VQG Yok Đôn cưa trộm ngà của con voi Thoong Ngân được xích chân và thả vào VQG để tự kiếm thức ăn.

PanNature và nhiều chuyên gia về lâm nghiệp, sinh học cho rằng, các chính sách pháp luật hiện hành về bảo vệ voi nói riêng, đa dạng sinh học nói chung đã có, nhưng phần giám sát thực thi chính sách bảo tồn voi chưa tốt. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp cần cứng rắn trong xử lý, xử phạt vi phạm để đủ sức răn đe, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương có voi với việc để mất voi.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.