| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh: Đất nông nghiệp khô khát do hậu quả khai thác đá

Thứ Ba 08/09/2020 , 14:05 (GMT+7)

Nhiều diện tích mãng cầu khô khốc vì thiếu nước, nhiều diện tích lúa chỉ làm được 1 vụ/năm. Thực trạng này đã và đang diễn ra dưới chân núi phụng (Tây Ninh)…

Công ty rút đi, hậu quả để lại!

Gần 10 năm trước, chúng tôi từng phản ánh nhiều doanh nghiệp khai thác đá dưới chân núi Phụng làm tan hoang cả khu vực, không chỉ làm mất đi vẻ mỹ quan khu di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, mà hàng trăm hộ dân trong vùng dự án luôn sống trong cảnh bất an khi mỗi ngày hứng chịu hàng chục vụ nổ mìn phá đá.

Những chiếc xe phục vụ khai thác đá chưa kịp rút đi khỏi công trường. Ảnh: Trần Trung.

Những chiếc xe phục vụ khai thác đá chưa kịp rút đi khỏi công trường. Ảnh: Trần Trung.

Sau phản ánh, UBND tỉnh Tây Ninh đã quyết định đóng cửa toàn bộ các mỏ đá. Thế nhưng, hệ lụy để lại sau việc khai thác loại tài nguyên khoáng sản này vô cùng nghiêm trọng. Cũng bởi những vụ nổ mìn liên tục, hầu hết những con suối được chảy ra từ mạch nước ngầm trong núi mà bao đời nay là nguồn cung cấp nước sản xuất cho hàng trăm ha đất nông nghiệp của cánh đồng Khedol rộng lớn bên dưới đã bị đất đá vùi lấp. Đáng nói hơn, số nước ít ỏi còn lại được rỉ ra từ trong lòng núi cũng bị các doanh nghiệp này chặn dòng xây hồ chứa nước để phục vụ công tác khai thác đá mà không khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Để được mục sở thị “bãi chiến trường” sau khi các doanh nghiệp để lại, chúng tôi tìm đến ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, tỉnh Tây Ninh, nơi đây từng được biết đến là công trường khai thác đá lớn ngay bên sườn núi Phụng.

Cả khu vực rộng lớn bên sườn núi Phụng tan hoang vì khai thác đá. Ảnh: Trần Trung.

Cả khu vực rộng lớn bên sườn núi Phụng tan hoang vì khai thác đá. Ảnh: Trần Trung.

Theo quan sát, không còn cảnh những người công nhân phơi mình làm việc giữa trời nắng gắt, những chiếc xe ben hối hả vào ra chở đá, tung bụi mù mịt, những vụ nổ mìn chát chúa, Thay vào đó là những bãi đá nham nhở chưa được vận chuyển hết, những chiếc xe chuyên dụng để khai thác đá đang rỉ xét nằm giữa đại công trường chưa kịp rút đi, những hồ nước lớn nhỏ đủ loại nằm rải rác trên cả một vùng đất rộng lớn. Một bầu không khí tĩnh lặng có vẻ rất thanh bình nhưng ẩn chứa phía sau đó là hàng trăm nỗi niềm, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương với mong mỏi đến bao giờ nơi đây được khôi phục lại hiện trạng như ban đầu, để bà con yên tâm lao động sản xuất.

Theo chân người dân đến các khu vực các con suối trước kia đã bị vùi lấp, người dân địa phương cho biết, khu vực này có 5 con suối lớn nhỏ gồm suối Lớn, suối ông Chanh, suối Hầm Hơi, Suối Khla (con cọp), Suối ông Tia, từ ngày khai thác đá các con suối đã biến mất, thay vào đó là những hồ chứa nước rộng từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông.

Chỉ sử dụng nước trời

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, gần nửa đời người chứng kiến cảnh đạn xới, bom cày của quân thù, thế nhưng ông Nguyễn Văn Hoàng và bao người dân nơi đây không hề sợ hãi, cùng nhau đứng lên chống giặc, tạo căn cứ địa vững chắc cho cách mạng để đất nước hoàn toàn độc lập như ngày hôm nay. Thế nhưng, ông vô cùng chua xót khi không thể làm chủ kinh tế trên chính mảnh đất của mình. Trước đây, địa phương còn có lúc buông lỏng quản lý để doanh nghiệp khai thác đá mặc sức tung hoành lấp hết các con suối. Kể cả khi doanh nghiệp bị đóng cửa cũng thiếu sự kiểm tra giám sát để lại hậu quả cho người dân gánh chịu.

Toàn bộ diện tích lúa tại cánh đồng Khedol rộng lớn bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Toàn bộ diện tích lúa tại cánh đồng Khedol rộng lớn bị ảnh hưởng do thiếu nước sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Ông Hoàng ngậm ngùi chia sẻ, gia đình ông sở hữu 1,5 ha đất canh tác lúa ngay dưới chân núi Phụng, trước đây nhờ nguồn nước từ các con suối mỗi năm ông canh tác được 3 vụ. Từ khi các dòng suối bị lấp, do không thể làm lúa buộc gia đình ông phải chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang trồng na (mãng cầu). Thế nhưng, do chủ yếu phụ thuộc vào nước trời nên na kém phát triển, năng suất, chất lượng không cao khiến kinh tế gia đình ngày càng suy sụp. “Những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, gia đình tôi hết sức sốt ruột khi cây cối cứ lả đi vì thời tiết. Để có nguồn nước tưới, gia đình phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng nhưng nguồn nước rất eo hẹp” ông Hoàng trăn trở nói.

Diện tích hoa màu và mãng cầu cũng lay lắt vì thiếu nước tưới. Ảnh: Trần Trung.

Diện tích hoa màu và mãng cầu cũng lay lắt vì thiếu nước tưới. Ảnh: Trần Trung.

Cách đó không xa, hai vợ chồng ông Cao Văn Tương đang nhặt nhạnh những quả bí đao teo tóp để bán nhằm gỡ gạc phần nào vốn liếng và công sức đã bỏ ra. Cầm trên tay quả bí đao nhỏ bằng nắm tay, ông Tương cho biết, để có hơn 5 sào bí này, gia đình ông đã đầu tư hết gần 20 triệu để trồng, thế nhưng, khi bí chuẩn bị bước vào vụ thì trời dứt mưa khiến bí không thể tiếp tục sinh trưởng. “Không chỉ mất mùa, bí không đạt trọng lượng còn bị thương lái ép giá, nguy cơ lỗ vốn đang hiện hữu. Bỏ đất trống gia đình tôi không đành lòng mà giờ trồng cây gì cũng không có năng suất, chúng tôi cũng không biết phải sống như thế nào”, ông Tương nói.

Ông Cao Văn Tương nhặt nhạnh những quả bí đao teo tóp vì thiếu nước. Ảnh: Trần Trung.

Ông Cao Văn Tương nhặt nhạnh những quả bí đao teo tóp vì thiếu nước. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự gia đình ông Danh Ngoan và hàng chục gia đình người đồng bào Kmer ở gần đó chuyên cánh tác lúa phải sống chung với cảnh thiếu nước thường trực. Ông Ngoan cho biết, trung bình mỗi gia đình ở đây sở hữu từ vài sào, đến vài ha lúa. Trước đây, nhờ vào cây lúa, cuộc sống người dân khá ổn định. Từ ngày bị thiếu nước sản xuất, bà con chỉ còn làm được một vụ, năm nào mưa nhiều thì làm được 2 vụ nhưng vụ 2 luôn tiềm ẩn rủi ro vì không biết bị mất nước lúc nào. Không ít lần ông và nhiều bà con ở đây phải đứng nhìn toàn bộ diện tích lúa mất trắng khi chuẩn bị cho thu hoạch.

Ông Ngoan cho biết thêm, hiện toàn bộ 1 ha lúa vừa gieo sạ được 20 ngày của gia đình cũng như hàng trăm ha lúa người dân nơi đây đang trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc vì nhiều ngày qua trời không mưa, đất đai nứt nẻ. “Lúc vào mùa không nói, khi thiếu đói giáp hạt, hầu hết bà con đều phải chạy ăn từng bữa, thanh niên trai tráng có sức khỏe thi đi làm thuê làm mướn, người già thì đi mót mì, mót đậu…

Nếu vụ này lại mất trắng, tình cảnh thiếu đói lại hiện ra trước mắt, mong chính quyền sớm vào cuộc để người dân nghèo như chúng tôi yên tâm lao động sản xuất ”, ông Ngoan bùi ngùi nói.

Theo người dân địa phương, họ đã nhiều lần kêu cứu đến cơ quan chức năng nhưng sự việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tìm câu trả lời

Để làm rõ nỗi trăn trở của bà con, chúng tôi tìm đến UBND xã Thạnh Tân. Ông Nguyễn Văn Nam Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân địa phương, qua kiểm tra vào tháng 6/2018 UBND xã phát hiện các con suối bị vùi lấp nằm trên 5,6 ha đất (phía sau mỏ khai thác đá Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Ninh) do ông Nguyễn Hữu Nghĩa, thường trú tại thành phố Tây Ninh sở hữu. Trên phần đất này còn có 5 ao chứa nước ngăn dòng nước từ núi chảy xuống cánh đồng Khedol gây tình trạng thiếu nước sản xuất.

Những hồ nước đủ loại kích cỡ nằm rải rác khắp nơi, trong khi dân lại thiếu nước tưới trầm trọng. Ảnh: Trần Trung.
Những hồ nước đủ loại kích cỡ nằm rải rác khắp nơi, trong khi dân lại thiếu nước tưới trầm trọng. Ảnh: Trần Trung.

Những hồ nước đủ loại kích cỡ nằm rải rác khắp nơi, trong khi dân lại thiếu nước tưới trầm trọng. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, UBND xã Thạnh Tây đã yêu cầu ông Nghĩa tháo dỡ ngay các hạng mục, công trình chắn dòng lấy nước vào ao, gây cản trở dòng nước tự nhiên như hiện trạng ban đầu, tuy nhiên ông Nghĩa không chấp hành.

Theo trình bày của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, trước đây Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Tây Ninh được cấp phép khai thác chiều ngang mỏ đá khoảng 1 km. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty, trong phạm vi 100 m phải có 1 ao lắng mới đảm bảo công tác khai khoáng (do mỏ đá có chiều dài trên 1 km). Trước đây Công ty thuê lại đất của dân mới có các ao để Công ty thực hiện, sau này ông mới mua lại các phần đất có các ao đó. “Quá trình sử dụng tôi còn lấp lại bớt các ao khác nữa. Đến năm 2017, tôi đã kè lại các ao cho không bị sạt lở và lấy nước phục vụ tưới tiêu nên tôi không chấp nhận việc sử dụng ao sai mục đích”, ông Nghĩa trình bày thêm.

Hiện trạng một hồ nước được kiên cố hóa chắn dòng suối. Ảnh: Trần Trung.

Hiện trạng một hồ nước được kiên cố hóa chắn dòng suối. Ảnh: Trần Trung.

Chưa đủ cơ sở xử lý?!

Theo kết luận của báo cáo kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất do ông Nguyễn Hữu Nghĩa sở hữu tại ấp Thạnh Đông, xã Thanh Tân của phòng tài nguyên môi trường TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh vào ngày 16/4/2020 cho thấy: Khu đất của ông Nguyễn Hữu Nghĩa sử dụng vị trí phía sau mỏ đá của Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Tây Ninh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã lấy nước chảy từ các khe trên Núi Bà chảy xuống đưa vào các ao chứa để tưới cây.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu bản đồ không ảnh (năm 1992) và hệ thống bản đồ lưới (năm 2003) tại các vị trí trên không thể hiện mương nước, vì vậy không đủ cơ sở để xử lý hành vi chắn dòng chảy của ông Nguyễn Hữu Nghĩa. Ngoài ra, các ao chứa nước dùng cho mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp không nằm trong công trình phải xin phép xây dựng nên chưa đủ cơ sở pháp lý xử lý hành vi vi phạm về lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai (có 4 ao sử dụng đất không đúng mục đích).

Hiện trạng một hồ nước được kiên cố hóa chắn dòng suối. Ảnh: Trần Trung.

Hiện trạng một hồ nước được kiên cố hóa chắn dòng suối. Ảnh: Trần Trung.

Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Tây Ninh đề xuất UBND Thành phố giao UBND xã Thạnh Tân vận động ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ nguồn nước cho các hộ dân phía dưới nguồn để có đủ nước sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tiến hành xử lý hành vi vi phạm sử dụng 4 ao chứa nước đã bê tông hóa không đúng mục đích sử dụng đất.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết, ngay sau khi nhận công văn của Phòng Tài nguyên và Môi trường, sự chỉ đạo  của UBND Thành phố, địa phương đã tổ chức vận động vận động ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ nguồn nước cho các hộ dân phía dưới nguồn để có đủ nước sản xuất nông nghiệp nhiều lần nhưng không Nghĩa chưa thực hiện.

Bên cạnh đó, ngày 14/8/2020 UBND xã ra Quyết định xử phát vi phạm hành chính lĩnh vực hành chính lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhưng cho đến nay ông Nghĩa vẫn chưa chấp hành.  “Chính quyền địa phương đã thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình” ông Nam nhấn mạnh.

Vết tích một con suối còn sót lại. Ảnh: Trần Trung.

Vết tích một con suối còn sót lại. Ảnh: Trần Trung.

Sau khi nhận câu trả lời từ chính quyền địa phương, người dân tại khu vực cánh đông Khedol cho biết, chỉ có 2 trên 5 con suối đổ về ao của gia đình ông Nghĩa, còn 3 con suối còn lại, trong đó suối Lớn là nguồn cung cấp chính cho cánh đồng Khedol nằm trong phần đất của Công ty TNHH Quyết Thắng (một trong những công ty được cấp phép khai thác đá tại khu vực này đã bị ngưng hoạt động) nhưng không nghe chính quyền địa phương nhắc đến. Người dân cho biết thêm, hiện những ao này, công ty đã tổ chức nuôi cá và sử dụng làm khu du lịch sinh thái – câu cá giải trí. Từ đó, mong muốn các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát và có hướng xử lý mạnh tay hơn giúp người dân có nước sản xuất góp phần công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nơi đây.

Công ty Quyết Thắng tận dụng các hộ nước đã bị chắn dòng trước đó sử dụng vào mục đích làm khu du lịch sinh thái  - câu cá giải trí. Ảnh: Trần Trung.

Công ty Quyết Thắng tận dụng các hộ nước đã bị chắn dòng trước đó sử dụng vào mục đích làm khu du lịch sinh thái  - câu cá giải trí. Ảnh: Trần Trung.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Bộ giống chất lượng là tiền đề đưa lâm nghiệp Nghệ An bay cao

Muốn vươn tầm thành thủ phủ lâm nghiệp của cả nước, bên cạnh công tác thu hút đầu tư, Nghệ An phải nâng cấp bộ giống cây lâm nghiệp đang trên đà suy thoái.