| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Hơn 6.000 hộ dân khốn khổ vì thiếu nước

Thứ Hai 15/06/2020 , 08:25 (GMT+7)

Bình Định hiện đang nắng nóng gay gắt, hơn 1/2 hồ chứa cạn kiệt, hơn 6.000 hộ dân đang sống quay quắt trong cảnh thiếu nước sinh hoạt…

Người dân xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) đội nắng đi mua nước sinh hoạt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người dân xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) đội nắng đi mua nước sinh hoạt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khắp nơi thiếu nước sinh hoạt

Theo ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định đang có 88/165 hồ chứa nước đã cạn kiệt. Trong đó, các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh mỗi huyện có 1 hồ; TX Hoài Nhơn và huyện Hoài Ân mỗi địa phương có 11 hồ; huyện Phù Mỹ 37 hồ, huyện Phù Cát 9 hồ; huyện Tuy Phước 2 hồ; huyện Tây Sơn 13 hồ.

Đặc biệt, trong 15 hồ chứa lớn do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý cũng đã có 2 hồ bị cạn nước. Lượng nước trong các hồ chứa còn lại chỉ còn 236,5 triệu m3, đạt 40,1% so với dung tích thiết kế, bằng 68,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tình hình trên không chỉ khiến nhiều diện tích cây trồng vụ hè thu năm 2020 tại Bình Định quay quắt vì thiếu nước tưới, mà còn khiến hơn 6.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh này đang khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt.

Đến nay, tỉnh này đã xác định có 6.170 hộ dân ở các xã: Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ); Ân Tín, Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân); Canh Thuận, Canh Hiệp (huyện Vân Canh); Bình Thuận (huyện Tây Sơn) đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nắng nóng kéo dài khiến tình trạng xâm nhập mặn cũng đã xảy ra tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn.

Những ngày nắng nóng cao điểm giữa trung tuần tháng 6, có mặt tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), địa phương được xem là “điểm nóng” của nạn thiếu nước sinh hoạt, chúng tôi cảm nhận hết nỗi khổ của người dân. Bất chấp cái nắng như thiêu như đốt, họ vẫn nhẫn nại vượt những chặng đường xa, đứng chờ đến lượt mua từng can nước.

Nhiều người dân xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) phải đi từ thôn này sang thôn khác mới mua được nước sinh hoạt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều người dân xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) phải đi từ thôn này sang thôn khác mới mua được nước sinh hoạt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chị Trương Thị Vân ở thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh), chia sẻ: “Mỗi can nước 20 lít có giá từ 1.000đ đến 1.500đ, mà tôi phải đi hàng mấy cây số, từ thôn này sang thôn khác mới mua được nước cho cả gia đình nấu ăn, tắm giặt. Mỗi ngày, tôi phải đi chở 2 - 3 lần mới đủ lượng nước gia đình cần sử dụng. Ai đi mua nước vào 2 thời điểm 6 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều thì chờ mỏi mới đến lượt, vì lúc ấy người mua nước rất đông”.

Ông Lại Văn A ở thôn An Xuyên 1 (xã Mỹ Chánh), than thở: “Ba năm nay gia đình chúng tôi dùng nước giếng đào, bởi không còn được dùng nước của nhà máy cấp nước tập trung. Giếng đào khoảng 20m là có mạch nước ngọt, nhưng đến mùa khô hạn thì giếng cạn nước. Nếu đào sâu hơn nữa thì nước sẽ bị nhiễm mặn hoặc có phèn không dùng được”.

Người dân chắt chiu từng chai nước để tiết kiệm nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người dân chắt chiu từng chai nước để tiết kiệm nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Không để dân thiếu nước sinh hoạt

Dự lường trước tình trạng trên, ngay từ đầu mùa khô, tỉnh Bình Định đã quan tâm đến vấn đề thiếu nước sinh hoạt của người dân.

Đối với “điểm nóng” Phù Mỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu khẩn trương thực hiện nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh giai đoạn 2.

Trước mắt cần khẩn cấp lắp đặt hệ thống đường ống để kéo nước phục vụ người dân. Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh xét xét, nâng cấp Nhà máy nước sạch Cát Nhơn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho các xã khu Đông thuộc các huyện Tuy Phước và Phù Cát. Chỉ đạo huyện Vân Canh plấy nước thô từ sông Hà Thanh bổ sung cho công trình cấp nước Suối Phướng để có nước cho người dân sử dụng.

Ruộng ngô tại 1 vùng thiếu nước tưới ở Bình Định bị chết khô dưới nắng nóng gay gắt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ruộng ngô tại 1 vùng thiếu nước tưới ở Bình Định bị chết khô dưới nắng nóng gay gắt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đối với các địa phương đã được UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương đầu tư mở rộng nâng cấp nhà máy cấp nước sinh hoạt trong năm 2019, nhưng đến nay chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành, chưa có nước cấp cho dân thì chính quyền phải có trách nhiệm chở nước cung cấp cho người dân. Nếu để người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng năm  2020 phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Phần lớn các hộ bị thiếu nước sinh hoạt là do năng lực của một số công trình cấp nước tập trung tại các địa phương còn hạn chế, nhiều công trình bị hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời, nên không thể cấp đủ nước sinh hoạt cho dân.

Nếu không có biện pháp tích cực, trong thời gian tới Bình Định sẽ có thêm 9.705 hộ dân tại các xã: Cát Tường (huyện Phù Cát); Mỹ Châu, Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ) và Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) cũng sẽ lâm tình trạnh thiếu nước sinh hoạt.

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) khẩn trương thực hiện nâng cấp giai đoạn 2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) khẩn trương thực hiện nâng cấp giai đoạn 2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các dự án chống hạn, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ nguồn vượt thu cho tỉnh là 205 tỷ đồng để tỉnh này triển khai các dự án chống hạn, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 1.425ha ở những vùng thường xuyên bị khô hạn, đồng thời cấp nước sinh hoạt phục vụ cho 64.200 người đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.