| Hotline: 0983.970.780

Vì sao miền 'chảo lửa' không thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn?

Thứ Tư 26/08/2020 , 09:24 (GMT+7)

Mặc dù năm nay hạn hán tại Ninh Thuận diễn ra rất khắc nghiệt, nhưng nhờ nhiều phương án ứng phó nên vùng nông thôn không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Lên phương án chống hạn ngay đầu mùa khô

Đến thời điểm này, tỉnh Ninh Thuận bắt đầu bước vào mùa mưa, có thể nói giai đoạn khô hạn nhất đã đi qua. Điểm nổi bật trong ứng phó với khô hạn năm nay của Ninh Thuận đó là tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng đã không xảy ra. Có được kết quả này đó là ngành nông nghiệp và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận đã chủ động ứng phó hiệu quả.

Nhà máy cấp nước Phước Hậu, huyện Ninh Phước góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương này. ảnh: Mai Phương.

Nhà máy cấp nước Phước Hậu, huyện Ninh Phước góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương này. ảnh: Mai Phương.

Ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận cho biết: Xác định đảm bảo cho người dân không bị thiếu nước sinh hoạt là nhiệm vụ cấp bách, rút kinh nghiệm từ công tác chống hạn trong những năm 2015-2017, trước dự báo tình hình hạn hán sẽ kéo dài diễn ra gay gắt trên diện rộng, ngay từ tháng 1/2020 chúng tôi đã xây dựng phương án cấp nước cụ thể đến từng công trình cấp nước.

Theo đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận đã thành lập Ban ứng phó với tình hình khô hạn trực thuộc Trung tâm, Ban có nhiệm vụ ứng trực 24/24 để xử lý các tình huống phát sinh; đồng thời đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực  để khắc phục các sự cố nếu xảy ra nhằm  giảm thiểu tình trạng mất nước.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức bảo dưỡng định kỳ máy bơm, đồng thời dự phòng thêm một số máy bơm ở các nhà máy nước để tăng công suất, bơm nước ở các hồ thủy lợi dưới mực nước chết. Đấu nối các công trình cấp nước tập trung để hỗ trợ nước thô, nước sạch giữa các vùng với nhau. Đặc biệt phối hợp với các địa phương tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên nước sử dụng cho sinh hoạt…”. Ông Cương cho biết.

Đấu nối liên thông các nhà máy

Ông Cương cho biết, hiện nay Trung tâm đang quản lý vận hành 41 công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn trong tỉnh. Hiện nay các công trình cơ bản đã “phủ sóng” đến hầu hết các thôn, xã kể cả các xã miền núi.

“Trong điều kiện bình thường, các công trình cấp nước tập trung đã cơ bản đã giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho người dân nông thôn toàn tỉnh. Tuy nhiên trong trường hợp khô hạn diễn ra trên diện rộng, nhiều hồ chứa thủy lợi, sông suối bị khô cạn, do đó nguồn nước cấp đầu vào cho các nhà máy nước không còn. Nếu không được đấu nối liên thông giữa các công trình thì người dân sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng”, ông Cương cho biết.

Vừa qua, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã phân bổ, hỗ trợ khẩn cấp bồn chứa nước loại 1.000 lít cho các hộ dân để trữ nước sinh hoạt. Tổng số bồn nước cấp phát là 400 cái, đối tượng được hỗ trợ bồn nước là gia đình nghèo nhất và thiệt thòi nhất; hộ gia đình có phụ nữ làm chủ; hộ gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật…

Xác định đấu nối liên thông giữa các nhà máy nước là biện pháp hữu hiệu để chống hạn cũng như khắc phục được tình trạng nhà máy ngưng để duy tu, sửa chữa thì người dân vẫn có nước sinh hoạt để dùng. Do đó những năm qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận đã đấu nối các nhà máy nước theo từng cụm gần nhau để bổ sung nguồn nước cho nhau mỗi khi một công trình nào đó gặp khó về nguồn nước.

Đơn cử như xã vùng cao Nhị Hà, huyện Hàm Thuận Nam có nhà máy cấp nước Nhị Hà. Nhà máy có công suất 384m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 584 hộ dân. Nhà máy nước Phước Hà có công suất 580m3/ngày đêm cung cấp cho 850 hộ dân xã Phước hà, các công trình này lấy nước từ hồ chứa Tân Giang.

Những năm trước đây khi hồ hết nước thì nhà máy phải ngưng hoạt động, người dân phải đi mua từng can nước về sinh hoạt. Thế nhưng từ khi được đấu nối với nhà máy nước Hậu Sanh, xã Hữu Đức huyện Ninh Phước, mỗi khi hồ Tân Giang hết nước, Trung tâm dùng máy bơm tăng áp để bơm ngược lên nhà máy nước Nhị Hà, Phước Hà, do đó người dân nơi đây không còn lo thiếu nước sinh hoạt trong điều kiện khô hạn.

Cấp bồn nước sinh hoạt cho người dân để ứng phó với khô hạn. Ảnh: Mai Phương.

Cấp bồn nước sinh hoạt cho người dân để ứng phó với khô hạn. Ảnh: Mai Phương.

Ông Cương cho biết: Tại huyện Thuận Bắc có 7 nhà máy cấp nước sạch thì đã có 5 nhà máy được đấu nối liên thông với nhau. Nhà máy nước Tập Lá, xã Phước Chiến có công suất 636m3 nước/ngày đêm, cung cấp cho 640 hộ dân. Công trình này lấy nước từ dòng suối Tập Lá. Tuy nhiên ngay từ tháng 2 dòng suối đã hết nước. Nếu công trình này không được đấu nối với nhà máy cấp nước Ma Trai thì người dân đã không còn nước để sinh hoạt. Còn nhà máy nước Công Hải có công suất 812m3/ngày đêm cung cấp cho 1.245 hộ dân nhờ đấu nối với nhà máy nước Lợi Hải nên cũng không bị thiếu nước trong mùa khô…

Không chỉ huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, mà rất nhiều công trình cấp nước tại Ninh Thuận những năm qua đã được Trung tâm Nước sạch đầu tư kinh phí để đấu nối. Theo ông Cương, đến nay toàn tình đã có gần 30 công trình được đấu nối liên thông giữa các hệ thống cấp nước với nhau, các công trình có công suất nhỏ được các công trình có công suất lớn bổ sung, do vậy trong mùa khô nhiều công trình hết nước nguồn nhưng người dẫn vẫn không bị thiếu nước sinh hoạt.

Nhờ quản lý vận hành tốt, thường xuyên bảo dưỡng nên các hệ thống cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý đều phát huy hiệu quả cao. Tại Ninh Thuận, tính đến cuối năm 2019 đã có trên 94% người dân nông thôn dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 67% dân số được cấp nước sạch đạt Quy chuẩn 01 và 02 của Bộ Y tế.

Trung tâm nước Sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận từ năm 2015 đã thực hiện tự chủ về tài chính, con người. Hiện Trung tâm có 173 cán bộ công nhân viên. Kế hoạch năm 2020, nguồn thu từ cung cấp nước đạt 55 tỷ đồng. Do các công trình cấp nước cơ bản đã được đầu tư xây dựng tại hầu khắp các địa phương nên thời gian tới Trung tâm tập trung nâng cấp các công trình về công suất, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng nước đảm bảo người dân được sử dụng nước sạch. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 120 lít nước/người/ngày (hiện mới đạt 80 lít nước/người/ngày).

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.