| Hotline: 0983.970.780

Đất nông nghiệp bỏ hoang vì thiếu nước

Thứ Hai 25/05/2020 , 10:45 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài khiến nước các hồ chứa cạn kiệt. Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Quảng Ngãi không có nước sản xuất vụ hè thu nên phải bỏ hoang.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Quảng Ngãi phải bỏ hoang trong vụ HT vì thiếu nước. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Quảng Ngãi phải bỏ hoang trong vụ HT vì thiếu nước. Ảnh: Lê Khánh.

Cứ vào vụ hè thu (HT) là người dân ở TX Đức Phổ (Quảng Ngãi) lại đối mặt với nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp.

Năm nay, dù mới bước vào đầu mùa hè nhưng thời tiết ở địa phương này khắc nghiệt hơn mọi năm. Sau vụ đông xuân (ĐX), thời tiết không có mưa khiến ccác hồ chứa phục vụ tưới tiêu ở đây khô cạn dần.

Ông Dương Hiển Bình (83 tuổi, trú xã Phổ Cường, TX Đức Phổ) cho biết, nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến 5 sào lúa của gia đình ông không có nước để sản xuất được vụ HT. Không những vậy, 4 sào ao mà ông dùng để nuôi cá cũng đã cạn trơ đáy.

“Chưa năm nào tôi thấy thời tiết nắng nóng như năm nay. Những năm trước ao cá của tôi chưa bao giờ cạn như thế này cả. Cả nhà có 2 nguồn thu chính từ đồng ruộng và ao cá nhưng giờ không có cái nào sản xuất được, không biết phải tính sao đây”, ông Bình buồn bã nói.

Ao hồ nuôi cá của người dân cũng đã cạn trơ đáy. Ảnh: Lê Khánh.

Ao hồ nuôi cá của người dân cũng đã cạn trơ đáy. Ảnh: Lê Khánh.

Để ứng phó với tình trạng nắng hạn, gia đình chị Phạm Thị Thấm trú TX Đức Phổ đã chủ động chuyển đổi 7 sào lúa qua trồng lạc vụ HT này. Để có nước tưới cho diện tích lạc, chị Thấm đầu tư tiền để bắt đường ống nối từ cống nước xuống đến đồng ruộng.

“Vậy mà nắng quá nên nước bây giờ cũng bắt đầu khan hiếm dần. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, không có mưa trong những ngày tới thì có lẽ 7 sào lạc của tôi cũng chết héo, coi như công sức bữa giờ bỏ ra chăm sóc cả vườn đậu mất trắng”, chị Thấm nói.

Người dân phải bắt đường ống để tưới cho hoa màu nhưng nguồn nước cũng không có. Ảnh: Lê Khánh

Người dân phải bắt đường ống để tưới cho hoa màu nhưng nguồn nước cũng không có. Ảnh: Lê Khánh

Ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN-PTNT TX Đức Phổ cho biết, theo kế hoạch từ đầu năm thì trong vụ HT 2020, toàn TX sẽ sản xuất khoảng 4.800 ha lúa. Tuy nhiên, dựa theo thực tế nắng hạn hiện nay, các hồ đập trên địa bàn sẽ không đủ nước tưới cho diện tích này.

Chính vì thế, Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu cho UBND TX Đức Phổ chỉ đạo cho các xã Phổ Cường, Phổ Vinh, Phổ Minh khảo sát lại nguồn nước để xây dựng kế hoạch lại.

“Theo thống kê, vụ HT năm nay, toàn TX có khoảng 1.300ha diện tích trồng lúa bị khô hạn. Đã có 300ha trong số này chuyển đổi sang trồng hoa màu, còn 1.000ha phải bỏ hoang. Còn khoảng 3.500ha sản xuất lúa nhưng khả năng sẽ giảm diện tích canh tác do nắng nóng kéo dài”, ông Lái nói.

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi thông tin thêm, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh ít có mưa và cộng với dung lượng nước hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ còn có khoảng 60%.

Do đó, các huyện phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi như ở Đức Phổ thì khả năng lượng nước tưới vụ HT sẽ thiếu nhiều. Trước tình hình đó, Công ty Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã làm việc với các Hợp tác xã ở các huyện để chốt lại diện tích cần sản xuất, gieo trồng.

“Biện pháp trước mắt là nhanh chóng duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, chống thất thoát nước vụ HT sắp tới. Còn những vùng không có nước tuyệt đối không sản xuất, vùng có nước mà thiếu sẽ chuyển đổi qua trồng hoa màu. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản xin Trung ương vào giữa tháng 4/2020 về phân bổ nguồn kinh phí 100 tỷ đồng để lo phòng, chống hạn”, ông Văn nói.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm