Tết Trung thu được xem là khoảnh khắc “nhân nguyệt lưỡng đoàn viên”. Tết Trung thu dành cho những phút giây sum họp, đồng thời Tết Trung thu cũng là Tết của tuổi nhỏ với ông Trăng, chú Cuội, chị Hằng nuôi dưỡng những giấc mơ lương thiện.
Tết Trung thu thập niên 90 của thế kỷ trước có gì đáng nhớ? Đó là giai đoạn đất nước đã mở cửa, và trẻ em được quan tâm nhiều hơn. Trong cuốn sách “199 mấy - Hồi ấy làm gì”, hai tác giả trẻ Trang Neko và X.Lan khẳng định Tết Trung thu đối với họ còn vui vẻ hơn cả Tết cổ truyền. Bởi lẽ, Tết Trung thu thì tuổi nhỏ được đặt ở vị trí trung tâm. Trong ký ức của họ, Tết Trung thu gắn với niềm mơ ước một mâm cỗ đầy ắp bánh kẹo. Chỉ Tết Trung thu thì trẻ em mới được thỏa thích ăn bánh kẹo rồi rước đèn và xem múa lân.
Cuốn sách “199 mấy - Hồi ấy làm gì?” ghi lại những câu chuyện về một thời chưa xa, nhưng không phải dễ tìm với tuổi nhỏ hôm nay. Tác giả Trang Neko, tên thật Nguyễn Quỳnh Trang, là một đạo diễn truyền hình. Còn tác giả X.Lan, tên thật Nguyễn Vũ Xuân Lan, là một họa sĩ.
Cuốn sách “199 mấy - Hồi ấy làm gì?” nổi bật hình ảnh những khu nhà tập thể giản dị và thân thương, luôn nơi kéo mọi người lại gần gũi nhau hơn. Trẻ con thì tụ họp để chơi đùa, người lớn thì san sẻ và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Không khí đặc biệt của những khu tập thể thời ấy rất khác, so với các chung cư hiện đại.
Cuốn sách “199 mấy – Hồi ấy làm gì?” không chỉ là món quà tuổi thơ cho những người đã từng là trẻ con, mà còn giống như một lời nhắc nhở người lớn hãy để trẻ em có được một tuổi thơ tự do và khám phá thế giới. Những đứa trẻ hồi xưa dẫu xung quanh chỉ có những bông dâm bụt, chỉ có vỏ lon cũ, tối ngày đuổi theo chuồn chuồn hay bắt nòng nọc nuôi… nhưng chẳng bao giờ kêu chán. Chúng có thể biến hóa ra biết bao trò giải trí cho bản thân từ những thứ có sẵn trong vườn, trong nhà mình. Trẻ em ngày nay không có cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường tự nhiên bên ngoài, xung quanh chúng gần như chỉ có tivi, điện thoại hay các thiết bị điện tử thông minh. Được bao bọc trong vòng tay chăm sóc của ông bà bố mẹ, trẻ em bây giờ có lẽ sẽ chẳng thể có nhiều những khoảnh khắc vui chơi mà sau này khi nghĩ về sẽ thấy nhớ nhung và tiếc nuối.