Xác định báo chí đa phương tiện là xu hướng phát triển tất yếu của truyền thông hiện đại, nhưng làm thế nào để đào tạo đội ngũ nhà báo đáp ứng yêu cầu này là một câu hỏi lớn. Phóng viên tác nghiệp
Những vấn đề liên quan như, thế nào là báo chí đa phương tiện, phóng viên sẽ phải trang bị cho mình những gì để đáp ứng yêu cầu này, chương trình đào tạo ở các trường báo chí ra sao… đã được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại Hội thảo Bồi dưỡng các kỹ năng cho người làm báo đa phương tiện.
Hội thảo do Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 22/10/2013, tại Hà Nội.
Xu hướng tất yếu
Phát biểu đề dẫn hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Anh cho rằng loại hình báo chí mà thông tin được truyền tải mang tính chất đơn nhất, công chúng chỉ có thể được tiếp cận thông tin bằng cách đọc, nghe hoặc xem đã bị phá vỡ với phương thức truyền thông tích hợp: khi chuyển tải một nội dung thông tin lên các website, người ta có thể vừa thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh.
Đó là phương thức truyền tải thông tin đặc thù của hình thức truyền thông mới thời đại công nghệ số với những kết nối toàn cầu: báo chí đa phương tiện.
Với ưu thế nổi trội của công nghệ tích hợp và đa ngôn ngữ, báo chí đa phương tiện cho phép công chúng được tiếp nhận thông tin bằng cách thỏa mãn các giác quan khác nhau, tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ nhất so với các loại hình truyền thông truyền thông.
“Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian hình thành và phát triển ngắn, báo chí đa phương tiện đã có một vị trí khá vững chắc và khẳng định sẽ là xu hướng phát triển về mặt phương thức truyền thông cả trong hiện tại và tương lai,” phó giáo sư Hoàng Anh nhận định.
Còn theo phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các chuyên gia về truyền thông trên thế giới đều nhất trí rằng sự hội tụ truyền thông về góc độ phương tiện truyền thông mở ra sự phân phối truyền thông dễ dàng và thuận tiện, từ một nội dung sẽ có thể đến được công chúng của nhiều loại hình báo chí.
“Chính vì vậy, phát triển báo chí đa phương tiện sẽ là một hoạt động kinh doanh trong tương lai của các công ty truyền thông,” phó giáo sư Đinh Thị Thúy Hằng nói.
Cấu trúc lại chuyên ngành
Truyền thông đa phương tiện là tất yếu, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người làm báo cũng sẽ phải đa năng.
Theo tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo đa phương tiện không những cần phải biết sử dụng hình ảnh, video mà còn cần đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác như biết thu hút sự hợp tác của công chúng, biết lọc thông tin, biết phân tích và trình bày các dữ liệu, biết sử dụng mạng xã hội để tương tác với công chúng, biết ứng dụng các sản phẩm kỹ thuật số, biết nghiên cứu công chúng.
Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu này là một thách thức rất lớn, nhất là khi ngay cả các trường đại học, học viện báo chí cũng mới bắt đầu loay hoay vào cuộc.
Từ trải nghiệm thực tế bản thân, thạc sỹ Nguyễn Thị Mai Hồng, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, đội ngũ phóng viên hiện nay có thể đáp ứng được phần nào các yêu cầu của báo chí đa phương tiện, nhưng khó đạt chuẩn.
“Là người có hàng chục năm trong nghề, cũng đi viết bài, ghi âm, chụp ảnh nhưng tôi thấy cái khó là làm loại hình báo chí nào phải có tư duy, kỹ năng của loại hình báo chí đó mới hiệu quả,” thạc sỹ Mai Hồng nói.
Cụ thể, theo thạc sỹ Mai Hồng, làm truyền hình phải biết chọn góc quay, biết dựng, biết chọn nhạc nền; làm báo điện tử phải biết cách giật tít; báo ảnh phải biết chọn góc chụp, căn chỉnh ánh sáng… mới có bức ảnh đẹp. Vì thế, phóng viên cần được bồi dưỡng các kỹ năng.
Một khó khăn khác là để làm đa năng hiệu quả thì phóng viên phải được trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại. Đây là khoản đầu tư không hề nhỏ vì để có thiết bị đạt yêu cầu là khá đắt đỏ.
Chia sẻ vấn đề này, thạc sỹ Vũ Thế Cường cho rằng phóng viên hiện nay tư duy về truyền thông đa phương tiện chưa thật đầy đủ, kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhưng điều này cũng khó tránh khỏi khi ngay cả “cỗ máy cái” đào tạo ra phóng viên là các trường đại học, học viện vẫn còn rất bỡ ngỡ với loại hình báo chí mới này.
Năm 2013 là năm đầu tiên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở lớp đào tạo truyền thông đa phương tiện. Tuy nhiên, chương trình đào tạo sẽ cần những nội dung nào vẫn là vấn đề các giảng viên trong trường còn bàn luận. Liệu đây có phải là sự tập hợp mô hình thu nhỏ của các khoa với việc dạy sinh viên biết viết, biết quay, biết chụp? Khi phóng viên cần đa năng thì giảng viên có phải đa năng, hay chỉ cần biết và giảng dạy một loại hình báo chí như hiện nay?...
Trước các ý kiến này, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng có thể cần cấu trúc lại các chuyên ngành trong đào tạo khi đã có tương tác giữa các loại hình báo chí, cấu trúc lại chương trình giáo dục cho phù hợp giữa chuyên ngành và đào tạo đa ngành. Giảng viên có thể không giỏi tất cả nhưng phải biết tất cả các chuyên ngành và sâu một chuyên ngành
Bên cạnh đó, phó giáo sư Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng trong thời gian tới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần chú ý đào tạo các cán bộ quản lý báo chí, tránh tình trạng người quản lý lại không phải là một nhà báo. “Nhà quản lý báo chí dứt khoát phải là một chuyên gia báo chí và phải hiểu về công nghệ,” ông Thảo nói.
(Vietnam+)