Thông tin trên được ông Xuyên chia sẻ tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả lợn Châu Phi sáng 13/5.
Đến nay Thái Bình đã tiêu hủy 300.000 con lợn với 14.900 tấn. Dự kiến phải hỗ trợ 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỷ đồng. Thái Bình đang hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ, chưa thể cấp tiền ngay cho người chăn nuôi. Bởi phải minh bạch hồ sơ và mua hóa chất, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ đi chống dịch.
Thái Bình tích cực phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại đường làng, lối vào các khu vực chăn nuôi tập trung. Ảnh: Minh Phúc. |
Giá lợn khi bắt đầu có dịch là 45.000 đồng, trong khi giá quy định hỗ trợ là 35.000 đồng. Tỉnh đã thống nhất hỗ trợ 80% giá thị trường.
Tỉnh đang xem xét vấn đề này, bởi nếu hỗ trợ cao hơn giá thị trường thì các hộ chăn nuôi sẽ bỏ bẵng. Phải xem xét vấn đề này nếu không sẽ lâm vào cảnh "cháy nhà hai hồi".
Lãnh đạo tỉnh cũng theo dõi giá thị trường hàng ngày, công khai trên báo, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để toàn dân biết. Giá chênh 5% là điều chỉnh, cứ 5 ngày một lần báo cáo chủ tịch tỉnh.
Thái Bình cám ơn Bộ và Trung ương đã hỗ trợ địa phương. Tỉnh cũng ghi nhận ý kiến của Hà Nội và tìm cách vận dụng đối với anh em trực ở hiện trường. Ngoài 100.000 đồng theo quy định thì chúng tôi hỗ trợ thêm 100.000 đồng để anh em nấu cơm. Ngày nghỉ, ngày lễ thì hỗ trợ 300.000 đồng. Không thể để anh em suốt mấy tháng trời đằng đẵng mà không hỗ trợ hợp lý.
Về phòng chống, phải nói là Thái Bình chưa bao giờ phải đề nghị Chính phủ hỗ trợ chuyên gia hướng dẫn, dù phải đối mặt nhiều dịch bệnh từ lúa, cây trồng, nhưng dịch bệnh lần này quá phức tạp.
Tiêu hủy lợn ở Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Lê Bền. |
Về vấn đề người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn, tỉnh đã động viên từng cán bộ, người dân. Riêng khối cán bộ đã tiêu thụ hàng trăm tấn thịt lợn.
Về phát triển chăn nuôi bền vững, lâu dài, chúng tôi cho rằng phải tập trung vào trang trại lớn. Điều đáng lưu ý là nhiều trang trại đã làm tốt, quyết liệt, cách ly công nhân hàng tháng không về nhà. Tuy nhiên, hiện tỉnh đã có 5 trang trại bị dịch tả lợn châu Phi mà chưa rõ nguyên nhân.
Trong lúc khó khăn này, Thái Bình nghĩ vừa phải chống dịch, vừa phải quy hoạch để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Sau khi nghe ý kiến của ông Phạm Văn Xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rất chia sẻ với Thái Bình, tỉnh chăn nuôi nhiều lợn. Bộ trưởng đề nghị Thái Bình tập trung giải pháp sinh học, đặc biệt là 600 trang trại lớn. Thứ hai là Thái Bình cần rà soát lại các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp có đủ điều kiện để xây dựng, hướng dẫn kế hoạch thu mua, giết mổ lợn sạch.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rất chia sẻ với Thái Bình |
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Thái Bình tập trung giải pháp sinh học ở những địa phương chưa bị, đặc biệt là các trang trại lớn, rà soát lại các tổ chức, cơ sở có đầy đủ điều kiện để tới đây Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ ngành công bố các cơ sở thịt sạch. Thái Bình cần tuyên truyền bà con không tái đàn lợn.