| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng: 'Hoàn thiện dự thảo, trình Ban Bí thư việc phòng chống ASF'

Thứ Hai 13/05/2019 , 08:31 (GMT+7)

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi (ASF), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan, người dân, đã vào cuộc quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến. Ảnh: Minh Phúc.

“Bộ NN-PTNT là đơn vị đại diện cho Ban chỉ đạo, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp tốt cùng các bộ ngành, địa phương. Đây là kinh nghiệm tốt để chúng ta tiếp tục thực hiện, triển khai”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, ASF là dịch bệnh nguy hiểm, từ khi dịch xuất hiện, Chính phủ và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó dịch bệnh. Cũng phải nhắc tới sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta đã bước đầu hạn chế được tình trạng lây lan mạnh, giảm thiểu thiệt hại. 

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng cần lưu ý tình trạng dịch bệnh còn xảy ra. Khả năng lây lan bệnh còn cao, chúng ta chưa thể tuyên bố khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Chúng ta chưa kiểm soát được việc dịch quay trở lại. Một số địa phương, theo Bộ trưởng NN-PTNT báo cáo với tôi, thì vẫn còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y.

Mới đây, báo chí, mạng xã hội đưa tin lợn trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn. Có địa phương chôn lợn rồi lại đào lên. Tôi yêu cầu các địa phương khi có thông tin như vậy cần kiểm tra ngay các vấn đề này. Tôi hoan nghênh báo chí vào cuộc tích cực để chúng ta có đầy đủ thông tin về dịch bệnh.

Vấn đề nữa là nhiều nơi chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phòng chống dịch là bảo vệ sản xuất, phát triển kinh tế. Chúng ta phải bảo vệ những gì đã làm được. Đây là nhiệm vụ vừa là trước mắt, vừa là trọng tâm.

Các biện pháp phòng chống dịch còn chưa hiệu quả, bố trí kinh phí còn chậm, chưa phù hợp. Việc hỗ trợ cho người dân chưa đáp ứng nhu cầu, nên chưa khuyến khích được người dân tích cực phòng chống dịch. Đây là những mặt hạn chế khiến chúng ta chưa hoàn toàn khống chế được dịch.

ASF đang là vấn đề nghiêm trọng, khó kiểm soát. Dịch này lây lan rộng, chưa có vắc xin, nên chưa thể xử lý trong ngày một ngày hai. Yêu cầu của Thủ tướng là ngăn chặn dịch bệnh lây lan và có biện pháp hữu hiệu dập dịch.

“Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT với Bộ trưởng là Trưởng ban chỉ đạo, cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân, tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống, đặc biệt là dập dịch.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc.

Trước mắt, có một số nhiệm vụ trọng tâm: Phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN-PTNT.

Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng của Bộ NN-PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi; tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, Bộ cũng cần ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng dịch bệnh với sự giám sát của cơ quan thú y. Như đề nghị của Massan, chúng ta vừa phải chống dịch, vừa phải phát triển.


Bộ NN-PTNT khẳng định không giấu dịch

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: Toàn bộ những nội dung tình hình hiện trạng, nhận định thời gian tới, đề xuất 7 nhóm giải pháp, đặc biệt là kiến nghị về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện đã được nêu rất rõ trong các văn bản của Bộ NN-PTNT, của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. 

“Có lẽ, một thời gian không ngắn, chưa thể có vắc xin, chưa thể có thuốc chữa, nên phải tập trung rất quyết liệt. Và chúng ta khẳng định là mặc dù chúng ta đã cố gắng nhiều, nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra trên diện rộng. thời gian tới, chúng ta khẳng định nếu không làm tốt, bệnh tiếp tục lây lan, phát triển rất nhanh theo 3 hướng. Một là, nơi nào bị rồi thì tái bị. Thứ hai, lan rộng sang các vùng chưa bị, sẽ bị. Và hướng thứ 3 sẽ hướng vào các hộ lớn mà chúng ta đang cố gắng cầm cự.

Đến lúc đó thì vô cùng thảm khốc. Và điều này càng nhân lên vì diễn biến thời tiết năm nay rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định bộ NN-PTNT không giấu dịch. Ảnh: Hồng Phúc.

Do đó, đây là việc chưa có tiền lệ, rất khó, thiệt hại không chỉ về kinh tế mà nhiều mặt, đe doạ cả một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số CPI. Chính vì thế cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng nói.

Thứ nữa, đó là chính sách hỗ trợ thu mua thịt sạch, để chúng ta có một lượng thịt sạch dự trữ, giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đề phòng bất ổn thị trường. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, bởi vậy Ban chỉ đạo đã giao ngay cho Bộ Công thương tập hợp tất cả cơ sở chăn nuôi, giết mổ lớn chăn nuôi theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, có nguồn cung thịt sạch đảm bảo an toàn thực phẩm để ưng ứng cho thị trường. 

“Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Bởi đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể để nguồn lây lan dịch bệnh ra môi trường trên diện rộng. Để công tác tiêu huỷ đảm bảo đúng kỹ thuật, thì lực lượng quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật rất cao”, Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng cho hay, với các loại dịch đặc biệt thì ứng phó cũng phải theo cách đặc biệt. Nhất là phải minh bạch thông tin về dịch bệnh. Bộ NN-PTNT khẳng định không giấu bất cứ thông tin gì, kể cả những nơi làm tốt và chưa tốt, nhưng tần suất, cường độ thông tin như thế nào, phải đảm bảo hài hoà để phục vụ công tác phòng chống dịch ngày càng tốt hơn.


Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An: Bánh chưng sao có thể gói bằng thịt bò?

Bộ đã quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị liên quan phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có hội nghị về cung cầu thịt lợn.

Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 2.000 địa điểm, xử lý 200 địa điểm không đạt an toàn. 100% quân số lực lượng quản lý thị trường đang tham gia các cơ quan liên ngành xử lý ASF. Chúng tôi thấy về tình hình chung, hệ thống chính trị các tỉnh đã vào cuộc tốt.

Thời gian tới, chúng tôi đặt ra mấy vấn đề: Như một số doanh nghiệp đã đề cập, chưa bao giờ chúng ta gặp phải dịch bệnh chưa có thuốc dù đã xảy ra hơn 100 năm. Nếu chống dịch trong thời gian dài, phải đặt nặng vấn đề này. Chúng tôi nghĩ cần thiết kế lại khâu phòng chống, làm sao vừa phòng vừa phát triển. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu thịt lợn "có số má", đứng thứ 7 thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc.

Vừa rồi, có một số chỗ, chúng ta kiểm soát còn hơi lỏng. Như ở sông Cầu, lợn chết trôi xuống Bắc Giang, Bắc Ninh, điều đó cho thấy nếu lơi lỏng sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ đưa lực lượng vũ trang vào kiểm tra tình hình.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Quản lý thị trường để nắm tình hình trong nước, thế giới. Nguyên tắc là đảm bảo thịt lợn sạch kể cả từ vùng đang có dịch cũng đến được tay người tiêu dùng. Cực đoan thì mất cân đối cung cầu.

Một số trường học gửi tin đến phụ huynh về việc bếp không có thịt lợn, tôi nghĩ đây là tuyên truyền hơi quá. Cục Thú y cần hướng dẫn cụ thể với người dân. Như thế này thì có lẽ hơi quá. Trong khi thịt lợn là thứ rất cần, ví dụ như bánh chưng sao gói bằng thịt bò được?

Kinh nghiệm của Hưng Yên rất tốt. Tỉnh này đã mời Bộ Công thương để tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ thịt lợn an toàn, với sự góp mặt của nhiều siêu thị. Có những đàn lợn ở Hưng Yên, lợn lên đến 170 kg chưa được xuất chuồng. Chúng tôi thấy nhận thức ở Hưng Yên là rất ổn. Vì tỉnh này quan tâm đến tiêu thụ thịt lợn sạch.

Qua khảo sát một số địa phương, doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy khâu cấp đông còn hạn chế. Ví dụ như Massan, tích cực hơn thì cần có khâu giết mổ đảm bảo, từ đó cấp đông rồi cung cấp ra thị trường.

Bộ Công thương sẵn sàng cùng các bộ ngành có cơ chế hỗ trợ vấn đề này.

Đề xuất cuối cùng là trong tình hình dịch bệnh kéo dài, cách phòng chống có gì khác với bệnh dịch lây sang người, khác gì tai xanh, lở mồm long móng? Vấn đề nữa là tiêu hủy, vì đất đai cho các làng mạc không nhiều. Một số nơi hết đất chôn.

Ở đây có Bộ Thông tin - Truyền thông, tôi nghĩ cũng cần xem đến vấn đề tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, tiêu thụ thịt lợn an toàn. Khâu tuyên truyền quan trọng không kém khâu phòng chống.


Masan lo khó kiểm soát dịch bệnh ở chăn nuôi nhỏ lẻ

Ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Masan Group phát biểu tại hội nghị: Là doanh nghiệp đầu tư chuỗi chăn nuôi khép kín 3F, chúng tôi luôn tuân thủ và hưởng ứng các chương trình và thực hiện nghiêm các giải pháp mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đề ra.

Tuy nhiên hiện nay dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng và rất khó kiểm soát, việc ngăn chặn dịch bệnh này rất khó khăn và có thể kéo dài 5-7 năm.

Vậy chúng ta phải làm thế nào để vừa duy trì chăn nuôi lợn, vừa tìm cách duy trì nguồn cung trong nước để chung sống với dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Masan Group

Tại quyết định 4527 quy định nghiêm cấm việc vận chuyển mua bán lợn vào vùng dịch bị uy hiếp, chúng tôi thấy có những rủi ro như sau: Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ công nghiệp theo quy mô lớn thì hầu hết đều tuân thủ, nhưng rất khó kiểm soát các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì lực lượng phòng chống dịch mỏng. 

Thứ hai, quy định đối với vùng dịch bệnh bị uy hiếp, chỉ được phép giết mổ, phân phối trong vùng dịch. Tôi thấy đây là bất cập. Ví dụ, với công suất giết mổ khổng lồ của Masan, làm sao có thể tiêu thụ trong nội vùng Kim Bảng, Hà Nam.

Khi nguồn thịt lợn sạch bị khan hiếm, đó là nguy cơ nhãn tiền cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta không thể ngăn người tiêu dùng sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ Châu Âu, Barazil...

Thịt ngoại sẽ tràn vào, gây tạo ra tình trạng khó khăn kép trong chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn.

Vì lý do trên, Masan đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng kiểm soát vấn đề dịch bệnh theo 3 tuyến: Tuyến 1 là đảm bảo không cho bất kỳ lợn hoặc đàn lợn nào nhiễm dịch bệnh được xuất chuồng, xuất trại. Tuyến hai, đảm bảo không có bất kỳ con lợn nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ. Tuyến 3, kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt lợn mất an toàn nào đến tay người tiêu dùng.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát lây lan cho thấy chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ tại Việt Nam hầu hết không đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học. (Ảnh minh họa)

Trong trường hợp phát hiện lợn bị dịch bệnh bên trong cơ sở/nhà máy giết mổ thì cơ sở/nhà máy giết mổ phải ngừng hoạt động trong 48 giờ để thanh trùng, trường hợp phát hiện cơ sở giết mổ cố tình vi phạm thì sẽ bị đóng cửa. Đồng thời các thông tin về các cơ sở giết mổ an toàn sẽ được công khai trực tuyến trên các phương tiện thông tin của Cục Thú y.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao những ý kiến xác đáng, phù hợp với tình hình thực tiễn của Masan. Tới đây, Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ lợn quy mô công nghiệp trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường


TP.HCM kiểm soát chặt nguồn thịt heo

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: TP thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN-PTNT, đã ban hành quyết định xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tả lợn Châu Phi với 3 tình huống: Dịch ở miền Bắc, miền Trung, xảy ra ở ven thành phố và trong thành phố.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

TP. HCM đang nằm trong tình huống thứ hai, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở ven thành phố. Chúng tôi đã chỉ đạo thành lập thêm chốt giám sát ven đô, kiểm soát chặt nguồn thịt heo vào thành phố. 

Đầu tiên là tuyên truyền cho người dân thực hiện an toàn sinh học chuồng trại. Tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành, lập thêm 3 chốt ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và một số đầu mối giao thông.

TP cũng đang thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các điểm vào nội thành và điểm giết mổ trong thành phố. Sở NN-PTNT thành phố đã làm việc với Sở NN-PTNT của Long An, Đồng Nai để thống nhất không nhập heo từ vùng dịch, đồng thời ghi rõ thông tin hộ chăn nuôi được bán vào thành phố.

Kiểm soát xe chở động vật ở Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP HCM. (Ảnh: Nguyễn Thủy).

TP. HCM cũng tận dụng mạng xã hội Zalo để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, thông tin chi tiết về nguồn gốc thịt.

Ngoài ra, chúng tôi đã giao Sở Công thương triển khai các biện pháp cụ thể. Hiện tại, giá thịt heo có xu thế giảm, chỉ còn 36-37.000đ/kg. Chúng tôi đã tổ chức giao lưu trực tuyến về dịch bệnh này để bà con nắm tình hình, đảm bảo nhu cầu thịt heo của nhân dân.


Đàn heo lớn nhất nước, xảy ra dịch thì nguy quá!

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Đồng Nai là tỉnh có đàn heo lớn nhất cả nước, khoảng 2,5 triệu con, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên chúng tôi thấy việc xảy ra dịch bệnh là cực kỳ nguy hiểm

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Ngay từ khi có dịch ở TQ, tỉnh đã chỉ đạo tập trung phòng chống dịch. Tỉnh tập trung cao độ, từ Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị, đến lãnh đạo các địa phương, sở ngành quán triệt toàn tỉnh cả hệ thống chính trị tập trung công tác phòng, chống.

Tỉnh cũng đã ban hành quy định hỗ trợ chính sách khi có dịch xảy ra, đặc biệt là ban hành quy định hỗ trợ tính theo con, từ mức 300.000 đồng/con đến 4,5 triệu/con, vì nếu phải cân từng con lợn thì sẽ rất khó khăn trong công tác tiêu huỷ.

Chúng tôi đã thành lập 24 chốt kiểm dịch để kiểm soát toàn bộ lượng heo qua lại trên địa bàn, và tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao nhận thức phòng, chống dịch. Ngày 24/4 vừa rồi, huyện Trảng Bom là nơi đầu tiên phát sinh bệnh, chúng tôi đã phát hiện nhanh và tập trung tiêu huỷ ngay trong ngày. Đến nay đã có 5 xã của 3 huyện phát sinh dịch, lượng heo phải tiêu huỷ là 867 con, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Người chăn nuôi đang rất lo lắng trước dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Minh Sáng.

Chúng tôi cũng chưa phát hiện bệnh ở các hộ chăn nuôi lớn.

Đàn heo phát hiện dịch đầu tiên đã được 3 tuần, và chưa có phát sinh mới. Chúng tôi đã hỗ trợ các hộ có heo phải tiêu huỷ, đồng thời tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm để phòng, chống dịch tốt hơn trong thời gian tới.

Chúng tôi nhận định, nguồn lây lan bệnh chủ yếu là từ khâu vận chuyển, bởi vậy chúng tôi tập trung chủ yếu vào khâu kiểm soát lưu thông lợn; các giải pháp an toàn sinh học, trọng tâm là công tác tiêu độc, khử trùng tại các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Xung quanh việc hỗ trợ, hiện nay tỉnh đã ban hành quy định hỗ trợ, chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ cùng tỉnh. Vì Đồng Nai là tỉnh tự cân đối nguồn ngân sách, nếu có nhiều hộ có lợn dịch khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát thì tỉnh rất khó tìm kiếm nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân.

Cân lợn để xác định hỗ trợ trước khi tiêu hủy

Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu Đồng Nai xảy ra dịch bệnh thì cực kỳ nguy hiểm, vì đây là địa phương có quy mô chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước. Đồng Nai không được chủ quan, phải nêu cao các nhóm giải pháp an toàn sinh học, tập trung cao hơn nữa trong phòng chống dịch. Ngày mai (14/5), lãnh đạo Bộ NN-PTNT sẽ vào cùng bàn luận với tỉnh về công tác phòng, chống dịch. Cần phải quyết tâm hơn nhiều lần thì mới hạn chế đến mức thấp nhất.


Thái Bình có thể phải chi 470 tỷ đồng hỗ trợ tiêu hủy

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Thái Bình là một trong những tỉnh xuất hiện sớm dịch tả lợn châu Phi, đến nay tròn 3 tháng. Số liệu về bệnh dịch được báo cáo từng ngày, với quy mô tổng đàn khoảng 1 triệu con, có thể nói đến nay tỉnh đã tiêu hủy nhiều lợn nhất. 

Đến nay Thái Bình đã tiêu hủy 300.000 con lợn với 14.900 tấn. Dự kiến phải hỗ trợ 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỷ đồng. Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ, chưa thể cấp tiền ngay cho người chăn nuôi. Bởi phải minh bạch hồ sơ và mua hóa chất, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ đi chống dịch. 

Thái Bình tích cực phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại đường làng, lối vào các khu vực chăn nuôi tập trung. Ảnh: Minh Phúc.

Giá lợn khi bắt đầu có dịch là 45.000 đồng, trong khi giá quy định hỗ trợ là 35.000 đồng. Tỉnh đã thống nhất hỗ trợ 80% giá thị trường. 

Chúng tôi đang xem xét vấn đề này, bởi nếu hỗ trợ cao hơn giá thị trường thì các hộ chăn nuôi sẽ bỏ bẵng. Phải xem xét vấn đề này nếu không sẽ lâm vào cảnh "cháy nhà hai hồi". 

Chúng tôi theo dõi giá thị trường hàng ngày, công khai trên báo, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để toàn dân biết. Giá chênh 5% là điều chỉnh, cứ 5 ngày một lần báo cáo chủ tịch tỉnh.

Thái Bình cám ơn Bộ và Trung ương đã hỗ trợ địa phương. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của Hà Nội và tìm cách vận dụng đối với anh em trực ở hiện trường. Ngoài 100.000 đồng theo quy định thì chúng tôi hỗ trợ thêm 100.000 đồng để anh em nấu cơm. Ngày nghỉ, ngày lễ thì hỗ trợ 300.000 đồng. Không thể để anh em suốt mấy tháng trời đằng đẵng mà không hỗ trợ hợp lý.

Về phòng chống, phải nói là Thái Bình chưa bao giờ phải đề nghị Chính phủ hỗ trợ chuyên gia hướng dẫn, dù phải đối mặt nhiều dịch bệnh từ lúa, cây trồng, nhưng dịch bệnh lần này quá phức tạp.

Tiêu hủy lợn ở Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Lê Bền.

Về vấn đề người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn, tỉnh đã động viên từng cán bộ, người dân. Riêng khối cán bộ đã tiêu thụ hàng trăm tấn thịt lợn.

Về phát triển chăn nuôi bền vững, lâu dài, chúng tôi cho rằng phải tập trung vào trang trại lớn. Điều đáng lưu ý là nhiều trang trại đã làm tốt, quyết liệt, cách ly công nhân hàng tháng không về nhà. Tuy nhiên, hiện tỉnh đã có 5 trang trại bị dịch tả lợn châu Phi mà chưa rõ nguyên nhân.

Trong lúc khó khăn này, chúng tôi nghĩ vừa phải chống dịch, vừa phải quy hoạch để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Sau khi nghe ý kiến của ông Phạm Văn Xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rất chia sẻ với Thái Bình, tỉnh chăn nuôi nhiều lợn. Bộ trưởng đề nghị Thái Bình tập trung giải pháp sinh học, đặc biệt là 600 trang trại lớn. Thứ hai là Thái Bình cần rà soát lại các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp có đủ điều kiện để xây dựng, hướng dẫn kế hoạch thu mua, giết mổ lợn sạch.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rất chia sẻ với Thái Bình

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Thái Bình tập trung giải pháp sinh học ở những địa phương chưa bị, đặc biệt là các trang trại lớn, rà soát lại các tổ chức, cơ sở có đầy đủ điều kiện để tới đây Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ ngành công bố các cơ sở thịt sạch. Thái Bình cần tuyên truyền bà con không tái đàn lợn.
 

Thanh Hóa đã có 18 xã của 5 huyện công bố hết dịch

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Thanh Hoá là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn, với tổng đàn 1,2 triệu con, trong đó có khoảng 400 - 500 trang trại, 2.300 gia trại và gần 200.000 hộ chăn nuôi. 

Do thời gian qua chúng tôi chỉ đạo quyết liệt nên kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh. Đến nay đã có 293 hộ, 61 xã, 13 huyện, tiêu huỷ trên 5.400 con lợn. Hiện 18 xã của 5 huyện đã công bố hết dịch, tức là qua 30 ngày.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Qua quá trình này, chúng tôi thấy rút ra một số kinh nghiệm: Trong lãnh đạo chỉ đạo, tỉnh đề ra phương châm chống dịch như chống giặc, cả bộ máy phải vào cuộc. Chúng tôi tổ chức giám sát hàng ngày, cho nên cứ phát hiện có lợn chết trong vùng dịch là tổ chức tiêu huỷ ngay và lập biên bản kiểm kê theo quy định. Còn ngoài vùng dịch thì lấy mẫu để xét nghiệm và tổ chức tiêu huỷ ngay, kể cả chưa có kết quả, không để thời gian lợn chết mà không được tiêu huỷ theo quy định.

Tất cả các trục kênh, mương, sông, đặc biệt là các trục thuỷ nông lớn, trước đây có tình trạng lợn bị vứt trôi theo nguồn nước, nên chúng tôi chỉ đạo lập mỗi huyện một rào chắn rác để vớt xác lợn chết, tuyên truyền người dân chăn nuôi an toàn sinh học.

Do đó về nông thôn hiện nay, bà con rải vôi trắng đường làng, ngõ xóm, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thanh Hoá cũng nằm trên trục giao lưu Bắc Nam, do đó chúng tôi lập chốt để kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Nếu các phương tiện vận chuyển gia súc không đủ thủ tục thì chúng tôi buộc phải tiêu huỷ. Hiện chúng tôi đã tiêu huỷ gần 300 con lợn buộc phải tiêu huỷ vì không đủ giâý tờ và kiểm tra lâm sàng.

Lợn nhiễm dịch được tiêu hủy đúng quy trình chỉ sau 3-8 giờ có kết quả xét nghiệm. Ảnh: VD.

Một số vụ buôn bán lợn không rõ nguồn gốc tại huyện Nông Cống và một huyện khác cũng đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Một số đối tượng mua lợn giống, bán chạy lợn sẽ được lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Do đó, các đối tượng này không dám đưa lợn vào địa bàn.

Về việc hỗ trợ lợn phải tiêu huỷ, Thanh Hoá đã thực hiện chính sách hỗ trợ lợn bị tiêu huỷ bằng 80% giá thị trường, tuy nhiên mức hỗ trợ tối thiểu không dưới 38.000 đồng. Đây là mức hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người dân trong bối cảnh giá lợn đang xuống thấp.

Trong quá trình chỉ đạo, chúng tôi đề xuất phải duy trì quyết liệt, không địa phương nào được chần chừ để dịch bệnh lây lan, nếu không dịch sẽ lây lan rất nhanh và rất nguy hiểm. 

Thứ hai, đề nghị Trung ương hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch bệnh, cân đối cấp kinh phí để các địa phương chi trả kịp thời cho người chăn nuôi. Thanh Hoá tạm thời ứng trước tiền ngân sách để hỗ trợ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Thanh Hóa đã đồng bộ thực hiện các giải pháp rất sáng tạo trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Hồng Phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Thanh Hóa là tỉnh xuất hiện thứ 4 bị dịch này, nhưng đồng bộ thực hiện các giải pháp rất sáng tạo, nên đến giờ phút này phải tiêu huỷ chỉ 5.400 con. Đây là địa phương sáng tạo trong tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, ví dụ như lợn chết trong vùng dịch thì không cần lấy mẫu giám định.

Thứ hai, vấn đề xử lý môi trường rất tốt, và lập chốt kiểm dịch và thực hiện kiểm soát bài bản. Thậm chí, một số vụ vi phạm pháp luật trong vận chuyển, mua bán lợn đã bị khởi tố theo quy định của pháp luật. Thanh Hoá là tỉnh có điều kiện kinh phí hạn chế, nhưng đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ người dân để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.


Hà Nội tiêu hủy 10 vạn con lợn, tốn hơn 200 tỷ đồng

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Từ tháng 8, tháng 9 năm ngoái, Hà Nội đã quyết tâm chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm các biện pháp của Thủ tướng và Bộ NN-PTNT đề ra. Thành phố hiện đứng thứ hai cả nước về số đàn lợn với hơn 1,9 triệu con.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP, trong cuộc họp với các sở ngành, địa phương về ứng phó cấp bách với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Hiện TP đã tiêu hủy 10 vạn con, giá 38.000đ/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ. Tỷ lệ tiêu hủy đang được duy trì thấp, mới xấp xỉ 5% tổng đàn. 

Hà Nội có một số kiến nghị như sau: Bồi dưỡng cho các lực lượng còn thấp. Chỉ có 100.000 đ mà cứ đêm khuya có báo động là phải đi. Lao động tự do còn 250-300.000đ/ngày. Các chủ tịch xã của Hà Nội hôm nay cũng trực tuyến. Vì vậy, Hà Nội đề nghị chính phủ và Bộ NN-PTNT có hỗ trợ về bồi dưỡng cho lực lượng thú y.

Các xã, thôn của Hà Nội đang cố gắng không để lợn chết, lợn bệnh bị quăng ra đường, ra ao, ra sông. Hà Nội cũng tăng cường các điểm giết mổ, quản lý. Chúng tôi hứa với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng sẽ nghiêm túc thực hiện các nhóm giải pháp.

Sau khi nghe ông Sửu phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Nội đã cầm cự đến giờ phút này, với tinh thần trách nhiệm rất cao, những kiến nghị của Hà Nội, chúng tôi sẽ tiếp thu để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế. Chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí về chủ động chăn nuôi, chủ động thịt lợn vào thời điểm cuối năm. Hai ngày nữa, chúng ta sẽ có một hội nghị về phát triển đại gia súc bền vững, rất mong Hà Nội đóng góp ý kiến.

Hà Nội diễn tập ứng phó khẩn cấp dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Nam Nguyễn.


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới được công nhận an toàn sinh học đối với dịch tả lợn Châu Phi. Riêng Trung Quốc đã phải tiêu huỷ trên 10 triệu con lợn. Một đoàn công tác ở Trung Quốc nói rằng, tình hình trầm trọng hơn rất nhiều. Tại Campuchia, đã có nhiều ổ dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, trong đó có các ổ dịch giáp với tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.

Tại Việt Nam, sau khi phát hiện những ổ dịch tả lợn châu phi đầu tiên, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra các giải pháp phòng, chống. Đồng thời, tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến để quán triệt tinh thần chống dịch, đốc thúc các địa phương tăng cường nâng cao nguồn lực chống dịch.

"Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã tổ chức rất nhiều đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc triển khai".

Qua đó đã giảm được thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra.Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn triển khai quyết liệt các giải pháp an toàn sinh học, tổ chức xây dựng chuỗi thịt lợn an toàn như Green Feed, Marvin, CP, Masan... do đó, góp phần mang thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng", Thứ trưởng Tiến nói.

Theo Thứ trưởng, các địa phương cũng đã triển khai mở rộng quy mô sản xuất gia cầm, động vật ăn cỏ như bò thịt, bò sữa để bù đắp thiếu hụt sản lượng thịt lợn trong nước trong thời gian tới. Chính phủ và các bộ, ngành, các đơn vị nghiên cứu cũng đã xây dựng đề án sản xuất vắc xin để chủ động phòng chống dịch.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc.

“Tính đến ngày 12/5/2019, số lợn bệnh buộc phải tiêu huỷ đã lên tới hơn 1,2 triệu con, đây là con số thiệt hại rất lớn, cho thấy tính chất phức tạp, nguy hiểm của dịch. Chúng tôi cho rằng, công tác chủ động, giám sát, phát hiện, công bố dịch chưa kịp thời. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi nhận thấy, tỉnh nào nghiêm chỉnh chấp hành các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN-PTNT thì chống dịch tốt, hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn có một số tỉnh chậm công bố dịch, tiêu huỷ lợn chết chưa kịp thời trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện”, Thứ trưởng Tiến nhận định.

Thứ trưởng Tiến cho hay, hôm 12/5, ông đã thay mặt ban chỉ đạo lên kiểm tra Bắc Giang, tại điểm giáp ranh giữa huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và huyện Phú Bình (Thái Nguyên), xác lợn chết trôi từ kênh mương trên địa bàn Thái Nguyên về phía Bắc Giang rất lớn. Điều đó cho thấy, các địa phương chưa thực sự chống dịch hiệu quả. 

Bên cạnh đó, công tác tiêu huỷ lợn bệnh ở nhiều nơi chưa đúng quy trình kỹ thuật do Bộ NN-PTNT hướng dẫn, chưa bố trí kinh phí xứng tầm cho công tác phòng, chống dịch; chế độ, chính sách cho người tham gia phòng, chống, tiêu huỷ lợn còn thấp, chưa sát với thực tế. Người tiêu huỷ dịch không được trang bị trang phục, phương tiện vận chuyển, dụng cụ phun thuốc tiêu độc khử trùng chuyên dụng, dẫn đến để lây lan mầm bệnh. Bên cạnh đó, công tác chi trả hỗ trợ lợn chết buộc phải tiêu huỷ rất chậm.
 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cho đến nay, lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, khó đối phó, tốn kém trong phòng chống đến như vậy. Mặc dù dịch tả châu Phi xảy ra từ 1921 tại châu Phi, song quy mô kinh tế thời điểm ấy chưa tới mức lớn như hiện nay. 

“Chỉ 3 - 4 năm gần đây, tốc độ lan truyền bệnh này ở đàn lợn nuôi mới lớn, xảy ra ở 56 nước. Đặc biệt ở châu Á, tốc độ lây lan chóng mặt. Độc dược của virus rất cao, đã vào đàn là 100% lợn bị bệnh. Mặt khác, điều kiện khí hậu cùng quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến tình hình dịch bệnh thêm phức tạp”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, từ tháng 8 năm ngoái, khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta đã có ý thức ngay. Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao, Bộ cũng đã xây dựng các kịch bản đối phó. Sau khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta đã áp dụng mọi biện pháp, từ văn bản pháp luật đến các khâu xử lý cụ thể. 

Tuy nhiên, điều trớ trêu là chưa có thuốc phòng, thuốc chữa. Dù vậy, nhiều địa phương đã xử lý bước đầu rất tốt. Đến hiện tại chúng ta đã buộc phải tiêu hủy khoảng 1,2 triệu con lợn, tương đương 4% tổng đàn. Nguy hiểm ở chỗ tốc độ lây lan rất nhanh.

“Ngoài những việc đã làm được, phải nhìn nhận thực tế là có những địa phương, có những khâu làm chưa tốt. Công tác chỉ đạo cũng cần siết lại, cùng với các nhóm giải pháp khác. Trước mắt là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Bước sau này, chúng ta sẽ có thêm các biện pháp tái đàn khi dịch bệnh đi vào ổn định”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người dân vớt xác lợn chết mắc kẹt tại khu vực cầu Gia Tư, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 12/5/2019, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tưới ẩm cho cây mận Phiêng Khoài

Hệ thống tưới ẩm tại 'thủ phủ mận hậu' Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, Sơn La) không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn tối ưu hóa quá trình tưới và chăm sóc cây trồng.