| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình giữ lại 12.500ha khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải

Thứ Tư 06/03/2024 , 14:13 (GMT+7)

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được giữ lại trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích 12.500ha.

Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải được giữ lại trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh: Kiên Trung.

Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải được giữ lại trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh: Kiên Trung.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1735 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có 12.500ha để phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của gió, bão, thủy triều dâng.

Quy mô khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải sẽ không bị thu hẹp xuống 1.320ha như Quyết định 731 mà UBND tỉnh này ban hành trước đó.

Quy hoạch đề ra phương án bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả vùng đất ngập nước, bảo đảm việc phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường và phát huy sự đa dạng của các hệ sinh thái trong các khu bảo tồn thiên nhiên.

Cụ thể, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy có diện tích khoảng 6.560ha nằm ở vùng ngoài đê biển số 8 của huyện Thái Thụy. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích dự kiến khoảng 12.500ha nằm ở vùng ngoài đê biển số 5, đê biển số 6 và trong vùng rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, vùng biển huyện Tiền Hải.

Quyết định cũng đưa Khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Tiền Hải vào phân vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, Quy hoạch còn đặt ra nhiệm vụ xây dựng đề án nghiên cứu thảm thực vật ven cửa sông và quần xã chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực châu thổ sông Hồng nói chung. Kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi đất rừng ngập mặn ven biển sang mục đích khác. Thu hồi diện tích nuôi trồng hải sản kém hiệu quả để cải tạo mặt bằng tái trồng rừng nhằm khép kín đai rừng. Giữ ổn định diện tích đất rừng đã được quy hoạch.

Một góc Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải nhìn từ trên cao. Ảnh: Kiên Trung.

Một góc Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải nhìn từ trên cao. Ảnh: Kiên Trung.

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh việc Thái Bình chuyển đổi phần lớn diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải để thực hiện dự án sân golf, khu đô thị ven biển và các dự án kinh tế hướng biển tại Quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình, thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha (thu hẹp gần 90% diện tích).

Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi đến UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, Quyết định 731 ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế.

UBND tỉnh Thái Bình sau đó cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT rà soát lại quy mô Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải để xác định lại ranh giới, diện tích.

UNESCO cũng lên tiếng, việc tỉnh Thái Bình điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha có thể tác động đến Khu sinh quyển đồng bằng sông Hồng đã được UNESCO công nhận.

UNESCO đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hỗ trợ các thông tin với cơ quan chức năng liên quan, gồm các báo cáo về việc điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và phần diện tích bị suy giảm ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chồng lên ranh giới Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng được UNESCO chỉ định công nhận trong hồ sơ đề cử do Khu dự trữ sinh quyển trình.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.