| Hotline: 0983.970.780

Unesco lên tiếng việc Thái Bình điều chỉnh Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

Thứ Tư 30/08/2023 , 11:57 (GMT+7)

Đại diện Unesco tại Việt Nam vừa có văn bản nêu ý kiến liên quan tới việc Thái Bình điều chỉnh Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Đề nghị cung cấp thông tin thu hẹp khu bảo tồn

Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến việc thu hẹp gần 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Rừng ngập mặn tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: TL.

Rừng ngập mặn tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: TL.

Trong văn bản gửi đến ông Phạm Vinh Quang - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao), UNESCO cho biết, đã nhận được nhiều nguồn thông tin liên quan đến quyết định của chính quyền tỉnh Thái Bình về việc giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha.

UNESCO khẳng định, điều này có thể tác động đến Khu sinh quyển đồng bằng sông Hồng đã được UNESCO công nhận.

Để làm rõ thêm thông tin, UNESCO đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hỗ trợ các thông tin với cơ quan chức năng liên quan, gồm các báo cáo về việc điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha (trong đó 634ha rừng ngập mặn và 688ha rừng chưa có rừng) có chính xác không?

“Nếu báo cáo được xác nhận thì diện tích bị suy giảm ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chồng lên ranh giới Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng được UNESCO chỉ định công nhận trong hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển trình UNESCO ở mức độ nào?”, văn bản của UNESCO nhấn mạnh.

WWF - Việt Nam khuyến nghị tỉnh Thái Bình cần cẩn trọng

Theo WWF - Việt Nam, tỉnh Thái Bình không phải là vùng hoạt động của đơn vị này nên WWF không có đầy đủ thông tin về Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải cũng như các hoạt động bảo tồn và phát triển tại khu vực này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu sơ bộ, WWF - Việt Nam cũng đã đưa ra ý kiến trung lập về sự việc.

Thái Bình điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước để phát triển kinh tế hướng biển. Ảnh: Kiên Trung.

Thái Bình điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước để phát triển kinh tế hướng biển. Ảnh: Kiên Trung.

WWF – Việt Nam cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) với tổng diện tích quy hoạch là 12.500ha, trong đó có 9.000ha thuộc vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt, 3.500ha vùng phục hồi sinh thái và vùng đệm rộng 1.700ha là địa bàn dân cư của 3 xã Nam Hưng, Nam Phú, Nam Thịnh. Trong Khu Bảo tồn có 12 kiểu sinh cảnh chính, trong đó quan trọng nhất là sinh cảnh bãi cát ngập triều, trảng sậy và rừng ngập mặn.

Ngoài ra, các bãi bồi ngập triều cũng là một sinh cảnh quan trọng, là nơi kiếm ăn của các loài chim ven bờ. Rừng ngập mặn trong khu bảo tồn có thực vật ưu thế thuộc loài Trang Kandelia candel, và hầu hết nằm trong các đầm nuôi trồng thủy sản.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải được thành lập nhằm mục tiêu Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, bao gồm các loài động - thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thuỷ sinh và chim di trú, chim nước. Theo các kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Phát triển (CRES), Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao, đây là nơi cư trú của hơn 150 loài chim nước, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như bồ nông chân xám, cò thìa và mòng bể mỏ đen. Đặc biệt có 8 loài chim và 2 loài động vật (rái cá và cá thủ vàng) thuộc loài đặc hữu quý hiếm. Khu Bảo tồn cũng là nơi sinh sống của hơn 100 loài thủy sinh bao gồm hơn 80 loài cá và 20 loài giáp xác, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như tôm sú, ngao, cua, cá vược, cá đối… Ngoài ra còn có hơn 180 loài cây rừng ngập mặn (sú, vẹt, bần, mắm...).

Theo Quyết định 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình, diện tích của KBT Thiên nhiên Đất ngập nước (Khu rừng đặc dụng) Tiền Hải sẽ còn là 1.320ha, bao gồm phần đất có rừng ngập mặn là 632ha và đất chưa có rừng là 688ha. Điều này có nghĩa là diện tích của Khu bảo tồn đã giảm đi 89,44% so với diện tích được công nhận theo quyết định số 2159/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình năm 2014 (12.500ha) với Khu Rừng đặc dụng Tiền Hải.

WWF - Việt Nam khuyến nghị tỉnh Thái Bình nên cẩn trọng khi điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp. Ảnh: Kiên Trung.

WWF - Việt Nam khuyến nghị tỉnh Thái Bình nên cẩn trọng khi điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp. Ảnh: Kiên Trung.

WWF – Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong 16 quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới, nhờ sự đa dạng về hệ sinh thái, các loài động/thực vật, các loài đặc hữu và nguồn gen quý hiếm. Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Tiền Hải là 1 trong 63 khu vực được xác định là vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu ở Việt Nam. IBA quan trọng không chỉ đối với các loài chim, mà còn quan trọng đối với nhiều nhóm động vật, với sức khỏe và kinh tế của con người thông qua việc bảo vệ các lưu vực, điều tiết lũ hoặc cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là một trong 2 vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng - là một trong các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2004.

Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được xem trọng trên các Chương trình nghị sự toàn cầu nhờ có Chính phủ Việt Nam luôn tiên phong trong các hợp tác toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học, như Công ước Ramsar, Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Khung LHQ về Biến đổi khí hậu... hay các sáng kiến mới như: Cam kết của các Nhà lãnh đạo về Thiên nhiên, sáng kiến 30X30 kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của trái đất.

Với sứ mệnh là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường tự nhiên tại Việt Nam và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hòa với thiên nhiên, WWF – Việt Nam rất mong các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay góp sức để bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững và phát triển bền vững để bảo tồn những di sản thiên nhiên và văn hoá quý giá của đất nước.

Do vậy, việc thay đổi diện tích, cũng như tác động tiêu cực có thể mang đến cho các hệ sinh thái tự nhiên ở một Khu bảo tồn hay một Khu rừng đặc dụng cần phải tuân thủ theo các quy định luật pháp của nhà nước Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Lâm nghiệp, 2017), về bảo tồn đa dạng sinh học (Luật Đa dạng Sinh học, 2018 - Văn bản hợp nhất), bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (Nghị định 66/2019/NĐ-CP) cũng như các công ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và đang tích cực tham gia. Đặc biệt cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.

"Việc điều chuyển quy hoạch các KBT theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, và phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan", WWF - Việt Nam khuyến cáo.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Khai mạc Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống huyện Lai Vung

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống nhằm ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi, những bàn tay tài hoa chăm chỉ miệt mài của người dân Lai Vung nghĩa tình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự 'Tết sum vầy' với công nhân tại Hải Phòng

Chiều 16/1, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã dự 'Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng' tại Hải Phòng do Liên đoàn Lao động, UBND, Mặt trận Tổ quốc TP phối hợp tổ chức.