| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình sẽ xác định lại diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

Thứ Ba 12/09/2023 , 20:36 (GMT+7)

Thái Bình cho biết sẽ xác định lại quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải do có sự sai khác từ thời điểm phê duyệt trước đó.

Thành lập Khu bảo tồn nhưng chưa đo đạc chính xác diện tích, quy mô

Theo UBND tỉnh Thái Bình, thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí phản ánh về việc địa phương ban hành qQuyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh thuộc huyện Tiền Hải (có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải) với diện tích 1.320ha. Trong khi đó, tại quyết định số 2159 ngày 26/9/2014 của tỉnh Thái Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích 12.500ha. Việc điều chỉnh này đã gần như loại bỏ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khi giảm quy mô diện xuống còn gần 1/10 so với diện tích ban đầu.

Mới đây, tỉnh Thái Bình đã làm việc với Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT để làm rõ các nội dung liên quan.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Tỉnh Thái Bình cho biết, là vùng đất lịch sử gắn liền với công cuộc quai đê lấn biển, thời Nguyễn Công Trứ toàn bộ huyện Tiền Hải được thành lập từ các vùng đất lấn biển. Trong những năm 1960 vùng nNam Tiền Hải chỉ là bờ bãi đến bây giờ đã hình thành các làng xã, khu công nghiệp.

Trước năm 1986 tốc độ lấn biển hàng năm của Thái Bình là trên 70m, sau khi có hệ thống thủy điện trên Sông Đà (Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La) lượng bồi tụ phù sa đổ về hạ lưu sông Hồng giảm hẳn đồng thời tạo ra nguy cơ xâm thực rất cao.

Trước những năm 1980 vùng ven biển tỉnh Thái Bình chủ yếu là bãi triều ngập nước, hầu hết các diện tích ngập nước trở thành nơi sinh kế, nuôi trồng thủy sản, một số khu vực được bồi tụ phù sa có tiềm năng để trồng rừng ngập mặn.

Theo tỉnh Thái Bình, thởi điểm phê duyệt Khu bảo tồn tại QĐ 2159 chưa đo đạc chính xác quy mô, diện tích dẫn tới sự sai sót. Ảnh: Kiên Trung.

Theo tỉnh Thái Bình, thởi điểm phê duyệt Khu bảo tồn tại QĐ 2159 chưa đo đạc chính xác quy mô, diện tích dẫn tới sự sai sót. Ảnh: Kiên Trung.

Với mong muốn giữ được đất bồi tụ, lấn biển tạo không gian sinh kế cho người dân, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định số 2159/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xác lập Khu rừng đặc dụng tại 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh.

Tuy nhiên, khác với các quyết định khác, quyết định số 2159/QĐ-UBND không mang tính chất xác định cụ thể ranh giới rừng trên thực địa, chủ yếu có tính quy hoạch định hướng, chủ trương, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Vì vậy khu rừng đặc dụng này có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với diện tích tạm tính ban đầu là 12.500ha là do quá trình xác lập khu rừng này chưa tiến hành đo đạc cụ thể mà chỉ kế thừa số liệu diện tích từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau.

“Do có sự sai khác về vị trí và diện tích chưa được đo đạc và tính toán một cách cụ thể, khoa học nên tại khoản 2 điều 3, quyết định số 2159/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình có nêu: “Sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng. Đây là cơ sở để xác định về quy mô và diện tích khu rừng đặc dụng này”. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến trước thời điểm tỉnh Thái Bình ban hành quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023, khu rừng trên chưa được xác định chính xác về quy mô và vị trí”.

Xác định lại diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

Theo UBND tỉnh Thái Bình, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 36/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.500ha.

Khu bảo tồn rừng đặc dụng của Thái Bình vừa được xác lập lại còn 1/10 so với diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Khu bảo tồn rừng đặc dụng của Thái Bình vừa được xác lập lại còn 1/10 so với diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Để xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, một phần diện tích đất rừng ven biển được quy hoạch cho khu kinh tế, trong đó có khu rừng đặc dụng được tỉnh xác lập vào năm 2014, phần diện tích đất lâm nghiệp được đưa vào quy hoạch cho phát triển kinh tế chủ yếu là đất đầm ao nuôi thủy sản, sông lạch, cồn cát nơi có cây rừng thưa thớt, manh mún không đáp ứng các tiêu chí rừng đặc dụng và phòng hộ, nhiều vị trí bị xói lở rất khó khăn cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. 

Do vậy, tỉnh Thái Bình đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020 và tiến hành xác định vị trí, quy mô diện tích và ranh giới rừng đặc dụng được tỉnh xác lập tại quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014, cụ thể:

Điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020 (quyết định số 600 ngày 28/3/2023). Theo quyết định này, tất cả diện tích đất lâm nghiệp (có rừng và chưa có rừng) chồng lấn với Khu kinh tế Thái Bình đều được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

 
Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Tiếp đó, quyết định số 731 vừa ban hành đã xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới Khu rừng đặc dụng tại khu vực ngoài đê biển thuộc 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh; ranh giới được xác định 38 điểm tọa độ từ P1 đến P38; quy mô diện tích 1.320ha. Đây là khu vực có rừng tốt nhất, liền khoảnh nên rất thuận lợi để thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng; vị trí này nằm ở cuối sông Hồng, có hệ thống sông lạch đan xen, nước thủy triều lên xuống tự nhiên đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây rừng và các loài sinh vật khác sinh sôi, phát triển.

“Việc xác định vị trí, quy mô diện tích khu rừng đặc dụng (theo quyết định số 731/QĐ-UBND) không tránh khỏi một phần diện tích rừng, đất chưa có rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp bị đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, giải quyết vấn đề này, tỉnh đã bố trí quỹ đất ven biển phù hợp để đưa vào quy hoạch lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, theo đó đến năm 2030 trồng mới 1.000ha, trồng bổ sung 500ha rừng ven biển.

Đối với diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khi chưa chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn được tiếp tục quản lý, bảo vệ để rừng phát huy vai trò phòng hộ ven biển. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng rừng, tỉnh thực hiện theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan và sẽ tiến hành trồng rừng thay thế, đảm bảo việc phát triển kinh tế luôn đi đôi với phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái”, Thái Bình giải thích.

Về quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải, tỉnh này cho rằng do có nhiều nguồn số liệu khác nhau và có sai lệnh tọa độ trên thực địa nên cần được xác định quy mô, diện tích cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT rà soát, xác định chi tiết cụ thể quy mô, diện tích khu rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải trên thực địa; lập hồ sơ thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học làm cơ sở, căn cứ để bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và thực hiện quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT đã thống nhất sẽ cử đơn vị chuyên môn phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải được liên tục phát triển bài bản, khoa học.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.