| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình cần làm rõ việc giảm diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

Thứ Sáu 25/08/2023 , 08:43 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về việc giảm 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.

Ngày 22/8, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành văn bản số 6941/BTNMT - BTĐD đề nghị làm rõ thông tin giảm 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Thông tin gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản trước ngày 25/8/2023.

Văn bản nêu: Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha; sau đó được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn. Đồng thời, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

Khu bào tồn thiên nhiên Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Khu bào tồn thiên nhiên Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Theo thông tin phản ánh báo chí, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500 hạ xuống còn 1.320 ha theo Quyết định số 731/QĐ- UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh nêu trên và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.

Trước đó, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 2159/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án và xác lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Quyết định này xác lập quy mô Khu bảo tồn là 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi. Vị trí của Khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía Tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh. Phía Nam Khu bảo tồn là sông Hồng, phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.

Quy hoạch sử dụng đất tại Phân khu đô thị, du lịch, sân golf cồn Vàng - cồn Thủ tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Quy hoạch sử dụng đất tại Phân khu đô thị, du lịch, sân golf cồn Vàng - cồn Thủ tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Với Quyết định số 731, tỉnh Thái Bình đã điều chỉnh quy mô diện tích của Khu bảo tồn chỉ còn 1.320ha, bao gồm 632ha đất có rừng ngập mặn và 688ha đất chưa có rừng. Vị trí của Khu bảo tồn nằm ở vùng ngoài đê biển của thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải.

Như vậy, Thái Bình đã thu hẹp tới 90% Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Trước thông tin này, nhiều chuyên gia, tổ chức về bảo tồn thiên nhiên đã tỏ ý không đồng tình với quy hoạch này.

Việt Nam đã tham gia Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, với mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất liền (gọi tắt là mục tiêu 30×30), các vùng nước nội địa, vùng ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái, được bảo tồn, quản lý hiệu quả, có tính đại diện về mặt sinh thái, kết nối tốt và công bằng.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm: Bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng; Bảo vệ và phục hồi các loài hoang dã; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học; Lượng giá, sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Bảo tồn nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

Tổ chức bảo tồn quốc tế lên tiếng 

Liên quan đến quy hoạch thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho biết, việc điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, và phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan.

WWF lưu ý, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn, sẽ là những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân ven biển.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Theo WWF Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải không chỉ là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng mà còn là 1 trong 63 là vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công nhận.

IBA quan trọng không chỉ đối với các loài chim, mà còn quan trọng đối với nhiều nhóm động vật, với sức khỏe và kinh tế của con người thông qua việc bảo vệ các lưu vực, điều tiết lũ hoặc cung cấp tài nguyên thiên nhiên.

Trích dẫn các khảo sát của Viện Môi trường và Phát triển (CRES), WWF cho biết, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao, đây là nơi cư trú của hơn 150 loài chim nước, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như bồ nông chân xám, cò thìa và mòng bể mỏ đen.

Đặc biệt có 8 loài chim và 2 loài động vật (rái cá và cá thủ vàng) thuộc loài đặc hữu quý hiếm. Khu Bảo tồn cũng là nơi sinh sống của hơn 100 loài thủy sinh bao gồm hơn 80 loài cá và 20 loài giáp xác, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như tôm sú, ngao, cua, cá vược, cá đối. Ngoài ra còn có hơn 180 loài cây rừng ngập mặn (sú, vẹt, bần, mắm...).

Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải nằm về phía bắc cửa biển sông Hồng, phía nam cửa sông là VQG Xuân Thủy. Hai khu vực này có thể duy trì một đơn vị sinh thái liên tục.

Từ năm 1989, VQG Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Ngày 24/1/1995, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Công văn số 14/Tmg, mở rộng khu vực Ramsar bao gồm cả cồn Vành và cồn Thủ, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải", đại diện WWF nêu.

WWF cho rằng, sự thay đổi diện tích, cũng như tác động tiêu cực có thể mang đến cho các hệ sinh thái tự nhiên ở một Khu bảo tồn hay một Khu rừng đặc dụng cần phải tuân thủ theo các quy định luật pháp của nhà nước Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Lâm nghiệp, 2017), về bảo tồn đa dạng sinh học (Luật Đa dạng Sinh học, 2018-Văn bản hợp nhất), bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (Nghị định 66/2019/NĐ-CP) cũng như các công ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và đang tích cực tham gia.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.