| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình điều chuyển rừng đặc dụng ven biển làm dự án khu đô thị

Thứ Tư 16/08/2023 , 10:26 (GMT+7)

Tỉnh Thái Bình điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha để triển khai dự án khu đô thị, khu kinh tế ven biển.

Điều chỉnh diện tích rừng Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải

Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn vừa thay mặt UBND tỉnh ký Quyết định số 731 ngày 17/4/2023 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu vực rừng đặc dụng ven biển tại ba xã ven biển là Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Khu vực này còn có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải.

Theo Quyết định 731, diện tích khu rừng đặc dụng nói trên có diện tích là 1.320ha, gồm phần đất có rừng ngập mặn 632ha; diện tích chưa có rừng là 688ha, thuộc vùng ngoài đê của ba xã Nam Phú - Nam Hưng - Nam Thịnh.

Thái Bình điều chỉnh quy mô diện tích rừng đặc dụng tại huyện Tiền Hải xuống còn 1.320ha, bằng gần 1/10 so với quy mô diện tích được phê duyệt vào năm 2014. Ảnh: K.Trung.

Thái Bình điều chỉnh quy mô diện tích rừng đặc dụng tại huyện Tiền Hải xuống còn 1.320ha, bằng gần 1/10 so với quy mô diện tích được phê duyệt vào năm 2014. Ảnh: K.Trung.

Trước đó, năm 2014, địa phương này phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng cũng tại 3 xã nói trên với diện tích 12.500ha, gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước.

Như vậy, so sánh quy mô diện tích Thái Bình vừa điều chỉnh, khu rừng ngập mặn (hay còn gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải) chỉ còn chiếm gần 1/10 so với quy mô ban đầu.

Thái Bình cũng ký Quyết định số 600 ngày 28/3/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020.

Thái Bình viện dẫn căn cứ các Quyết định số 3438 (năm 2019) của UBND tỉnh về ban hành Quy hoạch quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050). Tuy nhiên, Quyết định 731 vừa công bố không nêu lý do về việc điều chỉnh quy mô Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nhằm mục đích gì.

Như vậy, với chủ trương điều chỉnh quy mô diện tích rừng ngập mặn nói trên, khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải gần như bị xóa sổ. Đây được xem là khu bảo tồn đa dạng sinh học nằm trong khu bảo tồn sinh quyển đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh ven biển phía Bắc như Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. ẢNh: LT.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. ẢNh: LT.

Theo Quyết định số 2159, mục tiêu của khu bảo tồn nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng; là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển; bảo vệ cảnh quan, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước, đặc biệt là các  loài chim nước di trú quý hiếm có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế…

Đây là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Xin ý kiến Bộ, ngành Trung ương về quy hoạch xây dựng

Bên cạnh việc điều chỉnh lại quy mô diện tích khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải, Thái Bình cũng đang xin ý kiến các Bộ, ngành về bản đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú (huyện Tiền Hải).

Cùng với việc điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng, Thái Bình phê duyệt các dự án xây dựng khu đô thị Nam Trung với quy mô hơn 3.000ha. Ảnh: K.Trung.

Cùng với việc điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng, Thái Bình phê duyệt các dự án xây dựng khu đô thị Nam Trung với quy mô hơn 3.000ha. Ảnh: K.Trung.

Cụ thể: ngày 28/3, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản số 918 gửi Bộ Xây dựng để cho ý kiến đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đến năm 2040.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn số 1957/BXD-QHKT phúc đáp Công văn của tỉnh Thái Bình. Bộ Xây dựng cho rằng, việc UBND tỉnh Thái Bình lấy ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú là thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Thái Bình rà soát về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị Nam Phú theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; rà soát về thời hạn quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung đô thị mới là 20-25 năm).

Vào tháng 8/2020, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000 (theo Quyết định 2478/QĐ-UBND ngày 21/8/2020). Theo đó, Thái Bình phê duyệt và chấp thuận dự án xây dựng Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ quy mô 3.348 ha, dự kiến có quy mô dân số khoảng 34.600 người, với năm phân khu chức năng gồm: sân golf, casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái - tâm linh, công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh, khu đô thị du lịch sinh thái.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Thái Bình. Ảnh: K. Trung.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Thái Bình. Ảnh: K. Trung.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thái Bình xem xét tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thái Bình đã tổ chức sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Tiền Hải, trong đó, xác định huyện Tiền Hải có 32 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 31 xã và 1 thị trấn. UBND tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm về sự phù hợp, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình; đáp ứng các quy định về thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về sự phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và quy hoạch tỉnh Thái Bình, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030 đang được UBND tỉnh Thái Bình trình thẩm định, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phương án tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn trong dự thảo Quy hoạch tỉnh xác định đô thị Nam Phú đến năm 2040 có quy mô dân số khoảng 30.000 người, là đô thị loại V.

Do đó, đề nghị lưu ý đảm bảo định hướng phát triển đô thị trong đồ án đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị trong nội dung Quy hoạch tỉnh và đảm bảo sự thống nhất các cấp độ quy hoạch.

Ngoài ra, tại khu du lịch Cồn Vành, việc bố trí các chức năng hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ (ô đất ký hiệu B-HH29, B-HH30) là chưa phù hợp với phương án quy hoạch sử dụng đất tại Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được phê duyệt…

Bên cạnh lấy ý kiến Bộ Xây dựng, tỉnh Thái Bình cũng đã gửi văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường… để lấy ý kiến của các Bộ ngành này về quy hoạch nói trên.

Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải có khoảng 9.000 ha thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, 3.500 ha phục hồi sinh thái và khoảng 1.700 ha vùng đệm. Tại đây đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loại quý hiếm và có tầm quan trọng quốc tế. Khu bảo tồn là bãi bồi phù sa sông Hồng bồi đắp, hình thành rừng ngập mặn.

Đây cũng là nơi trú ngụ của hàng triệu con chim. Hiện, khu bảo tồn có khoảng 200 loài chim, thuộc 31 họ, 14 bộ, trong đó có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn gen, ghi trong sách đỏ Việt Nam: cò thìa, rẽ mỏ thìa, choắt chân vàng lớn, cò trắng Trung Quốc, te vàng, choắt mỏ vàng, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông...

Thực vật có trên 100 loài, là thức ăn cho các loại chim, có 43 loại cây có thể làm thuốc. Các loại cá ở khu bảo tồn phong phú với trên 100 loài. Một số loài có giá trị xuất khẩu: cá vược, cá đối vằn, cá bớp, cá lác, cá nhệch, cá thủ vàng...; 20 loài có giá trị kinh tế cao: ngao dầu, ngán, vọp, don, móng tay, cua biển, ghẹ, tôm... là nguồn lợi thủy sản lớn với người dân địa phương. Ngoài ra, có khoảng 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát trong đó có 4 loài thuộc diện quý hiếm, cần bảo tồn, ghi trong sách đỏ Việt Nam…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.