Giá trị sản phẩm chè đạt 13.000 tỷ đồng
Ngày 7/12, Thứ trưởng Hoàng Trung cùng Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại địa phương này.
Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của tỉnh Thái Nguyên ước đạt 16.389 tỷ đồng, tăng 3,16% so với năm trước. Chè tiếp tục là cây trồng chủ lực, thế mạnh với diện tích khoảng 22.200ha. Năng suất chè bình quân ước đạt 127 tạ/ha, sản lượng búp tươi khoảng 272.800 tấn, giá trị sản phẩm chè trên 13.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, diện tích chè được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP là 5.358ha, được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ là 121ha. Dự kiến hết năm nay, diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao ước đạt 18.400ha, chiếm 82,8% tổng diện tích chè toàn tỉnh.
Thái Nguyên đã hình thành được vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như vùng sản xuất na, bưởi của Võ Nhai (khoảng 550ha), vùng sản xuất nhãn của thành phố Phổ Yên và huyện Đại Từ (khoảng 500ha); vùng sản xuất bưởi huyện Đại Từ (khoảng 480ha), đem lại thu nhập cao cho người sản xuất với mức bình quân khoảng 250 triệu đồng/ha.
Tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiếm 33%
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, với chủ trương kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để tạo ra nông sản an toàn, chất lượng, ưu tiên sức khỏe người tiêu dùng.
Thái Nguyên có 705 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, nằm rải rác trên địa bàn. Lượng thuốc bảo vệ thực vật các loại sử dụng trên địa bàn tỉnh hàng năm xấp xỉ 135 tấn, trong đó lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng khoảng 45 tấn, chiếm trên 33,3% (Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 30% vào năm 2030).
Đặc biệt, lượng phân bón hữu cơ không thương mại tại tỉnh Thái Nguyên (được sản xuất quy mô nông hộ) lên tới 1,87 triệu tấn mỗi năm.
Tăng cường quản lý đầu vào vật tư nông nghiệp
Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá: “Tỉnh Thái Nguyên có tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tương đối cao, lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ lớn, chứng tỏ nhận thức của người dân đã được thay đổi theo hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững”.
Thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên bám sát các chỉ đạo sản xuất của Chính phủ và Bộ NN-PTNT; Tập trung triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trồng trọt... (quản lý các loại giống cây trồng được phân cấp cho tỉnh, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói…) để tăng tính minh bạch và thúc đẩy xuất khẩu; tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai các nhiệm vụ được phân cấp theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP về Quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Cùng với đó, tăng cường quản lý đầu vào vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng lâu năm. Tiếp tục phát triển vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, theo hướng hàng hóa, phục vụ cho xuất khẩu, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm phát thải.