| Hotline: 0983.970.780

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2024

Thứ Sáu 06/12/2024 , 13:25 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Buổi diễn tập đã bố trí hiện trường, vật liệu cháy sát với thực tiễn theo 4 cấp: xã, huyện, tỉnh và Trung ương.

Buổi diễn tập đã huy động các trang thiết bị từ thô sơ tới hiện đại để tham gia chữa cháy. Ảnh: Quang Linh.

Buổi diễn tập đã huy động các trang thiết bị từ thô sơ tới hiện đại để tham gia chữa cháy. Ảnh: Quang Linh.

Hơn 800 người tham gia

Sáng 6/12, tại xóm Cao Trãng, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên đã diễn ra chương trình diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia năm 2024 do Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Ban tổ chức đã huy động hơn 800 người tham gia huấn luyện, diễn tập, gồm người dân địa phương, chủ rừng; cán bộ, chiến sỹ là lực lượng dân quân tự vệ, quân đội, công an, kiểm lâm huyện và các lực lượng khác của địa phương. Trong đó, lực lượng trực tiếp thực hiện công tác diễn tập chữa cháy rừng khoảng 200 người.

Trang thiết bị phục vụ diễn tập được huy động từ thô sơ (bàn dập lửa, dao phát…) đến hiện đại (hệ thống ảnh vệ tinh, hệ thống quan trắc lửa rừng, máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy chuyên dùng, flycam…) cùng hàng trăm tấn vật liệu cháy để dựng hiện trường. Đặc biệt, bố trí hiện trường, vật liệu cháy sát với tình huống diễn tập theo 4 cấp (xã, huyện, tỉnh và Trung ương), đảm bảo các lực lượng diễn tập chữa cháy trực tiếp tương tự trong thực tiễn. Các công tác hậu cần, y tế… cũng được chuẩn bị tốt, đáp ứng yêu cầu đã đề ra.

Buổi diễn tập đảm bảo phải sát với thực tiễn. Ảnh: Quang Linh.

Buổi diễn tập đảm bảo phải sát với thực tiễn. Ảnh: Quang Linh.

Tình huống giả định

Cấp xã

Khu rừng của hộ gia đình Đỗ Văn Thiện thuộc khu vực lô 3, khoảnh 8, tiểu khu 308, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên xuất hiện đám cháy do người dân đốt dọn thực bì, đồng cỏ tại khu vực giáp ranh đã bất cẩn để cháy lan sang khu rừng trồng của gia đình ông Dương Văn Bình ở liền kề. Mặc dù đã huy động hết lực lượng, dụng cụ trên địa bàn xã để chữa cháy nhưng đám cháy tiếp tục bùng phát, lan tràn không kiểm soát được, Chủ tịch UBND xã đã thông tin cho UBND thành phố Thái Nguyên đề nghị huy động thêm lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng.

Cấp huyện

Lúc này, UBND thành phố Thái Nguyên đã huy động xe chữa cháy chuyên dụng, xe của lực lượng quân sự và xe bán tải chở người và thiết bị, máy bơm đến hỗ trợ chữa cháy nhưng vẫn không thể kiểm soát được đám cháy.

Nhận định đám cháy tiếp tục lan rộng, UBND thành phố Thái Nguyên đã báo cáo Sở NN-PTNT và UBND tỉnh để xin hỗ trợ lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy.

Các trang thiết bị hiện đại được huy động tối đa. Ảnh: Quang Linh.

Các trang thiết bị hiện đại được huy động tối đa. Ảnh: Quang Linh.

Cấp tỉnh

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Thái Nguyên huy động thêm người, chiến sĩ phối hợp với lực lượng kiểm lâm tham gia di dời tài sản và người dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của đám cháy, cắt cử lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực và trực tiếp tham gia dập lửa.

Cấp Trung ương

Sau 20 phút sử dụng các phương tiện dập lửa nhưng do thời tiết hanh khô, tốc độ gió lớn, thảm thực bì dày khiến ngọn lửa bùng phát mạnh, không kiểm soát được, Sở NN-PTNT Thái Nguyên đã báo cáo về Cục Kiểm lâm đề nghị báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương hỗ trợ lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng.

Qua theo dõi từ ảnh vệ tinh của Cục Kiểm lâm và thông tin của kiểm lâm địa bàn từ hiện trường, đám cháy đã lan rộng và cháy thành tán. Cục Kiểm lâm đã điều động lực lượng và phương tiện của Chi cục Kiểm lâm vùng I, vùng II và Vườn quốc gia Tam Đảo tham gia chữa cháy rừng.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ tích cực triển khai các phương án chữa cháy, dập lửa, đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng cục Kiểm Lâm phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng cục Kiểm Lâm phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Quang Linh.

Phát huy nghiêm túc và thường xuyên phương châm "4 tại chỗ"

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) đánh giá, buổi diễn tập đã đúc kết nhiều kinh nghiệm, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, thực hiện phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng chữa cháy, từ đó xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để chủ động ứng phó khi có cháy rừng xảy ra, hạn chế tối đa các thiệt hại.  

“Khi xảy ra cháy rừng, phải thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ đạo tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Việc phát hiện sớm và chữa cháy kịp thời của lực lượng tại chỗ là người dân địa phương, chủ rừng là rất quan trọng, không để đám cháy lớn xảy ra và dập tắt đám cháy. Các cơ quan kiểm lâm, quân đội, dân quân tự vệ, công an… phải có quy chế phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ, tạo sự chủ động”, ông Thiện đúc rút.

Thời gian tới, Cục Kiểm lâm đề nghị các địa phương, đơn vị chú trọng công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ NN-PTNT.

UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo quản lý tốt diện tích rừng hiện có, thực hiện tốt cơ chế phối hợp khi có cháy rừng xảy ra.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.