| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Dịch tả lợn Châu Phi có dấu hiệu bùng phát

Thứ Tư 11/11/2020 , 18:08 (GMT+7)

Trước khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện thì tình trạng lợn chết có cùng triệu chứng đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Phổ Yên.

Ông Tạ Văn Kiên ngán ngẩm với việc phải chôn dần đàn lợn Tết của gia đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Tạ Văn Kiên ngán ngẩm với việc phải chôn dần đàn lợn Tết của gia đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Tái phát bệnh dịch

Ngày 3/11/2020, sau khi nhận được thông tin có lợn ốm chết tại các hộ chăn nuôi thuộc 3 xã Minh Đức, Nam Tiến và Đông Cao, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã phối hợp với phòng Kinh tế thị xã Phổ Yên và UBND các xã tiến hành xác minh. Kết quả kiểm tra cho thấy, số lợn bị ốm, chết với nghi vấn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Các triệu chứng của lợn chết như sốt, chết nhanh, lây lan nhanh, khó thở, có dịch lẫn máu ở mũi, mồm, lợn nôn mửa, phân có lẫn máu. Kết quả trả lời xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương có 5 mẫu dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, xã Đông Cao có 2 mẫu, xã Nam Tiến 2 mẫu và xã Minh Đức 1 mẫu.

Báo cáo của UBND thị xã Phổ Yên, từ ngày 3/11 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 43 lượt hộ thuộc 3 xã với số lợn buộc tiêu hủy là 140 con lợn. Tổng trọng lượng lợn tiêu hủy là 6.386 kg, trong đó có 14 lợn nái và 126 lợn thịt, lợn con.

Nguy cơ bùng phát cao

Đẩy chiếc xe rùa chở vôi bột đi tiêu hủy lợn, anh Tạ Văn Kiên (xóm Tân Thành, xã Đông Cao) chua chát cho biết, gia đình nuôi 20 con lợn nhỡ, tầm 30 - 40 kg với ý định bán vào dịp cuối năm để có chút tiền sắm Tết. Vậy nhưng lợn đang ăn buổi sáng thì buổi chiều lại lăn ra chết, chết dần đến sáng 11/11 là 10 con. Số những con đã chết được anh Kiên thuê máy xúc cho chôn lấp chung tại một hố. Anh cũng cho đào một hố lớn khác để chuẩn bị cho số lợn còn lại chết thì có chỗ chôn lấp tiếp theo.

Ở một hộ dân khác, gia đình anh Tạ Văn Huấn (xóm Thành, xã Đông Cao) dù đã đến giữa trưa nhưng cả nhà vẫn ngồi chờ máy xúc đến đào hố để chôn 2 con lợn nằm chết tại chuồng.

Trong lúc chờ mang lợn đi chôn lấp, ông Tạ Văn Huấn thực hiện rắc vôi bột, xử lý môi trường. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trong lúc chờ mang lợn đi chôn lấp, ông Tạ Văn Huấn thực hiện rắc vôi bột, xử lý môi trường. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Điều đáng nói, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chủ yếu trở lại tại vị trí đã từng xuất hiện từ năm 2019. Năm trước, gia đình anh Tạ Văn Huấn cũng đã bị dịch bệnh làm chết và buộc phải tiêu hủy số lợn với trọng lượng hơn 2 tấn. Trong khi đó, các xã được ghi nhận sự trở lại của bệnh dịch đều là những vùng trọng điểm chăn nuôi của thị xã Phổ Yên. Ông Vũ Văn Mạnh (Phó chủ tịch UBND xã Đông Cao) cho biết, Đông Cao là một trong những địa bàn có tổng đàn lợn lớn và số lượng hộ chăn nuôi lên đến 500 hộ dân. Theo ông Mạnh, số liệu thống kê về số lượng lợn đã chết và buộc phải tiêu hủy để báo cáo cơ quan chức năng thì chỉ cập nhật từ thời điểm xác nhận có bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện. Còn trên thực tế, hiện tượng lợn chết với cùng triệu chứng đã xuất hiện tại nhiều địa phương khác của thị xã từ ngày 27/10. Con số thống kê cho thấy, đã có tới 152 lượt hộ có lợn ốm chết phải tiêu hủy tại 11 xã với trọng lượng lên đến 21,8 tấn. Đơn cử như tại xã Đông Cao, từ 27/10 đến hết ngày 9/11 đã tiêu hủy lợn tại 17 lượt hộ dân thuộc 7 xóm với trọng lượng 2,1 tấn. Trước đó, năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã làm chết gần 3.000 đầu lợn tại xã Đông Cao với trọng lượng tiêu hủy lên đến 166 tấn.

Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thị xã Phổ Yên đã thừa nhận, bệnh dịch đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan, bùng phát là rất cao. Đặc biệt, hiện tượng lợn chết rải rác và sự xuất hiện ổ dịch ở các địa phương ngoài thị xã Phổ Yên đến thời điểm này cũng đã được ghi nhận. Cụ thể, tại huyện Định Hóa, ổ dịch xảy ra ngày 16/10 tại xã Phú Đình. Tổng số lợn ốm chết phải tiêu hủy là 50 con với trọng lượng 1,2 tấn. Mới nhất, tại thành phố Sông Công, dịch bệnh xảy ra vào ngày 8/11 tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Bình Sơn. Số lợn phải tiêu hủy là 63 con với khối lượng 2 tấn.

Ông Lê Đắc Vinh (Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thái Nguyên) cho biết, tình hình dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết, khí hậu giao mùa, đàn lợn được chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ nên chưa áp dụng được các biện pháp chăn nuôi an toàn đồng bộ. Dịp cuối năm, việc buôn bán, vận chuyển con giống và thực phẩm lại gia tăng nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. 

Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ ngày 5/3/2019, gây thiệt hại rất lớn, bùng phát ở tất cả các xã, phải buộc tiêu hủy hơn 157 nghìn con lợn, với trọng lượng hơn 9.200 tấn. Ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ xấp xỉ 330 tỷ đồng cho việc phòng, chống dịch, trong đó hỗ trợ cho nhân dân có lợn bị tiêu hủy gần 266 tỷ đồng.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.