| Hotline: 0983.970.780

Thăng hoa hào khí Lạc Hồng

Thứ Bảy 09/04/2022 , 13:00 (GMT+7)

Đền thờ Vua Hùng đặt tại thành phố Cần Thơ - công trình văn hóa trọng điểm, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa vùng miền, sinh hoạt tâm linh của người dân đồng bằng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thắp hương tại đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Ảnh: KA.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thắp hương tại đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Ảnh: KA.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Từ cái tuổi lên chín, lên mười, những câu ca dao, lời dạy trên đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, ai cũng đều thuộc nằm lòng và tự hào mang trong mình dòng máu “con Lạc - cháu Hồng”.

Tự hào di sản ngàn đời

Vùng ĐBSCL nói chung và người dân TP Cần Thơ nói riêng càng tự hào hơn khi năm 2016 Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng Đền thờ Vua Hùng, một công trình văn hóa trọng điểm, mang ý nghĩ lịch sử và tâm linh trên mảnh đất Chín Rồng.

Công trình đặt tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ do bà Nguyễn Thị Kim Ngân khi còn là Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) vận động tài trợ.

Cổng chính đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Ảnh: KA.

Cổng chính đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Ảnh: KA.

Để người dân Cần Thơ và đồng bằng tiếp tục công tác hương khói, phụng thờ Vua Tổ, tháng 4/2021, đoàn công tác TP Cần Thơ đã đến điện Kính Thiên, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, xin rước linh khí gồm 18kg đất, 18 lít nước và 18 chân nhang từ Đền Hùng về đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Và ngày 21/4/2021 tại Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ, lần đầu tiên nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện một cách trang nghiêm, kính cẩn tại vùng đất Tây Đô.

Ghé thăm Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ những ngày đầu mở cửa đón người dân vào thắp hương, bà Nguyễn Thị Xiệt ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã 79 tuổi, với tấm lòng thành kính, không quản đường xa, tuổi cao, lại thời tiết oi nắng, vẫn đạp xe đạp vài cây số để tới thăm đền Hùng.

Bà vui mừng kể, ở thành phố này có được đền Vua Hùng, đây là niềm ao ước của bà. Bởi ngày xưa, muốn đi cúng bái Vua Hùng phải ra tận Phú Thọ xa xôi, gia đình lại không có điều kiện, giờ TP Cần Thơ có được ngôi đền bà rất mừng và phải tranh thủ đi cho bằng được.

Thế hệ thanh niên trẻ tại TP Cần Thơ cũng không giấu được niềm tự hào, phấn khởi khi đền thờ Vua Hùng được xây dựng trên mảnh đất Tây Đô. Bạn Huỳnh Nhật Đấu, sinh viên trường Đại học Công nghiệp kỹ thuật Cần Thơ rất phấn khởi khi giờ đây người dân, đặc biệt là các bạn sinh viên như Đấu có điều kiện để được đến Đền Hùng thắp hương, học tập và phát triển bản thân mình hơn.

Người dân hào hứng đến viếng đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ những ngày đầu khánh thành. Ảnh: Kim Anh.

Người dân hào hứng đến viếng đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ những ngày đầu khánh thành. Ảnh: Kim Anh.

Anh Nguyễn Công Việt ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều cũng chia sẻ thêm: Đền thờ Vua Hùng được xây dựng hoành tráng. Vào các dịp giỗ tổ hàng năm, người dân thành phố và các tỉnh lân cận có thể đến thăm viếng dâng hương mà không cần đi xa. Đền thờ ngoài là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, còn là điểm tham quan hấp dẫn của TP Cần Thơ.

Công trình văn hóa trọng điểm

Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ là công trình văn hóa trọng điểm, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của TP Cần Thơ và cả nước. Đền thờ có tổng mức đầu tư hơn 129 tỷ đồng, trên quy mô diện tích 40.000m2. Bao gồm các kiến trúc: Nhà điều hành, nhà dịch vụ, nghi môn, nhà bia được thiết kế với hình thức kiến trúc nhà trệt mái dốc, kiến trúc dạng tháp, hình thức nhà gỗ truyền thống của người Nam bộ.

Điểm nhấn của công trình là Đền thờ chính với hình tượng trống đồng cách điệu 18 cánh cung điêu khắc hoa văn đại diện cho 18 đời Hùng Vương, bao quanh bởi hồ nước. Đền thờ chính cao 19,5m, diện tích gần 1.300m2, có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho trời và đất. Bao quanh đền thờ chính là 54 khối cột hình trụ cao 4,5m, đường kính 1m; kết thành vòng tròn trong hồ điều hòa, các trụ cột tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng thể hiện sự kết hợp văn hóa sông nước đồng bằng châu thổ.

Đền thờ chính của đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ cao 19,5m, diện tích gần 1.300m2, có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho trời và đất. Ảnh: KA.

Đền thờ chính của đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ cao 19,5m, diện tích gần 1.300m2, có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho trời và đất. Ảnh: KA.

Hình ảnh hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cách nay 2.000 - 2.500 năm cũng được sử dụng để trang trí trên các vách tường trong không gian trưng bày chính. Tại chính diện các gian thờ trên tầng 2, hoa văn phù điêu sử dụng nhiều nội dung hoạt cảnh dựa trên các di tích lịch sử thời Vua Hùng.

Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, công trình đã hoàn thành đưa vào hoạt động, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc cho sức mạnh đại đoàn kết, hội tụ văn hóa tâm linh ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Sự chờ đón của triệu người con miền Tây

Cùng với cả nước hướng đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch), đồng thời tri ân và tưởng nhớ các bậc tiền nhân dựng nước giữ nước, để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay thêm trân trọng quá khứ, tối 6/4/2022, UBND TP Cần Thơ long trọng tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng trong sự chờ đón của triệu triệu con người miền Tây.

Bên trong gian thờ chính của đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Bên trong gian thờ chính của đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xúc đồng bày tỏ, công trình văn hóa tín ngưỡng đặc biệt này là niềm tự hào to lớn, đáp ứng được sự mong mỏi, nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo người dân Cần Thơ nói riêng và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung.

Đây là công trình mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tín ngưỡng thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với Tổ tiên, đóng góp vào sự phong phú, đa dạng của truyền thống văn hóa dân tộc. Đi đôi với niềm tự hào, cũng là trách nhiệm và thách thức lớn đặt ra cho chính quyền và người dân TP Cần Thơ trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị ý nghĩa của công trình.

Cùng tham dự và chia vui với niềm vui chung của người dân đồng bằng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ và nhân dân TP Cần Thơ.

Chủ tịch nước đánh giá công trình Đền thờ Vua Hùng đã hoàn thành với tinh thần khẩn trương, tâm huyết, chu đáo, khoa học, với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật... Công trình như một biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng theo tâm nguyện của đông đảo nhân dân TP Cần Thơ nói riêng, nhân dân các tỉnh ĐBSCL nói chung.

Đền thờ Vua Hùng đặt tại TP Cần Thơ sẽ là nơi để người dân đến thăm, viếng, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình. TP Cần Thơ sớm trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL.

Kể từ đây, bản đồ du lịch danh lam thắng cảnh Việt Nam, sẽ được đánh dấu thêm một địa điểm mới, đó là Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Công trình sẽ là điểm nhấn, kết nối với các khu di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch của vùng tạo nên quần thể du lịch sinh thái - miệt vườn - tâm linh.

Trải qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử, con cháu Lạc Hồng hôm nay, những người con vùng đất Chín Rồng, đang từng ngày từng giờ ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho chính bản thân, gia đình và xây dựng đất nước. Để rồi cứ vào các dịp giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, người dân đồng bằng cùng tề tựu về đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ để cùng báo công, dâng hương tưởng nhớ, cùng góp nhặt những câu chuyện đời, chuyện người mà kể cho nhau nghe.

Ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện khẳng định sức sống trường kỳ của một di sản được trao truyền qua nhiều thế hệ, hun đúc, hội tụ và lan tỏa lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.