| Hotline: 0983.970.780

Những con lợn ở Lang Chánh đang đầu độc dân chúng

Thứ Hai 01/07/2024 , 15:30 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh tại huyện Lang Chánh đã đưa con đi 'lánh nạn' khi mùi thối từ trại lợn của Công ty Agri-Vina bay vào khu dân cư.

Có vẻ như mũi của những người dân ở thị trấn Lang Chánh và vùng phụ cận nhạy hơn khi mùi hôi thối nồng nặc từ trại lợn cả ngàn con của Công ty Agri - Vina thọc sâu vào não bộ của họ. Đến lúc sức chịu đựng không thể thì họ phải chạy đôn chạy đáo tìm cách trốn và cầu cứu. Riêng những người có trách nhiệm thì chưa bắt được mùi thối của phân lợn hay sao khi mà cả dân chúng và báo chí đồng loạt lên tiếng? Dường như ngoài một vài động thái của phòng chuyên môn đi kiểm tra và không có thiết bị để đo đạc thì có chăng cũng chỉ dừng lại ở tham dự cuộc đối thoại giữa dân và doanh nghiệp. Bảo sao những điểm nóng thường bắt nguồn từ những đốm nhỏ như thế? 

Hơn 100 người dân tập trung phản đối trại lợn

Dù bị yêu cầu thực hiện các giải pháp để xử lý mùi trong quá trình chăn nuôi, đảm bảo môi trường sống cho các hộ dân quanh vùng, thế nhưng sau nhiều tháng, trại lợn của Công ty Agri-Vina (Lang Chánh, Thanh Hóa) vẫn gây mùi thối, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều hộ dân cho biết, họ "sống không bằng chết" nếu tình trạng này cứ kéo dài dai dẳng.

“Gia đình tôi hiện có con nhỏ là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, học sinh. Các cháu đang trong kỳ nghỉ hè, nhưng hằng ngày mùi hôi thối ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt gia đình, khiến các cháu không thể ra ngoài vui chơi. Phụ huynh phải thường xuyên đóng kín cửa phòng để giữ sức khỏe cho các cháu, tránh bị ảnh hưởng bởi mùi thối. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của mình và con cháu”, ông L.N.T, khu phố Bàn, thị trấn Lang Chánh cho biết.

Khu vực chăn nuôi của Công ty Agri-Vina. Ảnh: Quốc Toản.

Khu vực chăn nuôi của Công ty Agri-Vina. Ảnh: Quốc Toản.

Để tránh mùi thối từ trại lợn, một số gia đình phải gửi con cho người thân ở quê hoặc hoặc di tản tạm thời tới khu vực xa trang trại lợn để “lánh nạn”. Có gia đình đang ngủ nhưng ngửi phải mùi thối không chịu được, đành phải thức dậy để tìm cách che chắn nhà cửa. Người dân than phiền rằng, có khi không chết vì bệnh tật mà chết vì ngửi mùi phân lợn.

Một số hộ dân khác yêu cầu doanh nghiệp có giải pháp chấm dứt ngay mùi hôi thối. Đồng thời nếu người dân bị ốm đau, bệnh tật hoặc nhập viện do hít thở mùi từ trại lợn thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường sức khỏe và trả viện phí thăm khám cho người dân.

“Họ nói giảm tổng đàn để xử lý môi trường, nhưng người dân thấy lượng xe chở cám vào trang trại không giảm. Dân chúng tôi cũng không biết hiện tại trong trang trại còn bao nhiêu con, đã xuất chuồng bao nhiêu lợn. Đợi đến khi họ xuất hết lợn chắc chúng tôi chết chắc. Nếu doanh nghiệp không sớm xử lý mùi hôi thối phát tán vào khu dân cư, chúng tôi sẽ có biện pháp để tự bảo vệ gia đình, người thân”, chị P.L (thị trấn Lang Chánh) chia sẻ. 

Người dân dựng xe máy và dùng vật liệu chắn đường xe ra vào khu vực trại lợn. Ảnh: CTV.

Người dân dựng xe máy và dùng vật liệu chắn đường xe ra vào khu vực trại lợn. Ảnh: CTV.

Trong một diễn biến có liên quan tới vụ việc, khoảng 16 giờ ngày 29/6, hơn 100 người dân tại thị trấn Tân Phúc (Lang Chánh) tập trung tại khu vực gần trại lợn của Công ty Agri-Vina để phản đối hoạt động chăn nuôi phát tại mùi hôi thối. Người dân yêu cầu doanh nghiệp dừng việc chăn nuôi và khắc phục môi trường. Ngay sau khi nắm bắt sự việc, chính quyền địa phương, lực lượng công an xã đã có mặt tại “điểm nóng” để ổn định tình hình. Tại buổi đối thoại sau đó không lâu, đại diện doanh nghiệp tiếp tục cam kết với người dân sẽ sớm xử lý mùi hôi thối phát tán trong khu dân cư và thực hiện cam kết xuất đàn vào hạn cuối ngày 5/8.

Không lẽ bó tay?

Tại trang trại lợn của Công ty Agri-Vina được chia thành 2 khu vực (khu vực bể chứa chất thải và khu vực chăn nuôi). Các bể biogas được lót bạt đáy và áp dụng công nghệ đốt khí tại mỗi bể chứa. Phóng viên không thể tiếp cận khu vực chăn nuôi để xác minh thực tế do doanh nghiệp áp dụng các biện pháp cách ly an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Nô, Phụ trách kỹ thuật của Công ty Agri-Vina cho biết: “Hiện tại, các điều kiện để đảm bảo chăn nuôi đã được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ sau khi có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Các chỉ số quan trắc về môi trường đạt tiêu chuẩn theo quy định. Còn việc phát tán mùi hôi vào khu dân cư là sự việc ngoài ý muốn và chỉ xảy ra khi trời nồm ẩm, có gió. Còn mùi (mùi hôi, thối) chỉ mang tính chất “tượng hình”. Mùi ít hay nhiều phụ thuộc vào đánh giá và quan điểm mỗi người”.

Bể biogas trong khu vực chăn nuôi lợn. Ảnh: Quốc Toản. 

Bể biogas trong khu vực chăn nuôi lợn. Ảnh: Quốc Toản. 

Cũng theo ông Nô, hiện tại doanh nghiệp đang xúc tiến việc đầu tư công nghệ xử lý môi trường để đảm bảo vận hành chăn nuôi an toàn. Việc lắp đặt công nghệ cũng mất một vài tháng mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nhiều người dân dường như đã hết kiên nhẫn với những cam kết về môi trường của doanh nghiệp. Trong thời gian chờ đợi doanh nghiệp xử lý mùi, người dân vẫn phải sống trong cảnh ăn cơm trộn mùi phân. 

Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến một chiều từ phía doanh nghiệp hay đúng hơn là ý kiến của một cá nhân trong buổi làm việc với phóng viên. Cũng dễ hiểu cho lý giải trên bởi doanh nghiệp hay cá nhân đó không phải chịu đựng cảnh ăn ngủ cùng mùi thối như những gì hàng nghìn người dân tại xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh đang phải chịu đựng nhiều tháng qua. Trong khi đó, tại cuộc đối thoại cách đó chưa lâu, doanh nghiệp lo thiệt hại nếu phải tiêu hủy đàn khi chưa đến thời kỳ xuất bán, thay vì thực hiện trách nhiệm cộng đồng trước những gì đang diễn ra (đảm bảo môi trường sống và sức khỏe người dân). Mặt khác, dù chính quyền đã chỉ đạo và doanh nghiệp đã nhiều lần cam kết khắc phục mùi hôi thối, nhưng công ty vẫn không có giải pháp xử lý triệt để tồn tại này.

Trong khi đó, dù là doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương hoàn toàn không nắm được tổng đàn trong trang trại với lý do: "Doanh nghiệp không báo cáo theo quy định". Trong biên bản làm việc giữa đại diện chính quyền, doanh nghiệp, người dân hôm 24/6 chỉ thể hiện cam kết theo kiểu qua loa rằng, sẽ khắc phục triệt để việc phát tán mùi hôi đến khu dân cư, mà không đề cập rõ lộ trình thanh lý đàn và các giải pháp cụ thể về môi trường trong thời gian tới, để đảm bảo chăn nuôi không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Chính quyền huyện Lang Chánh ngoài việc cử đại diện tổ chức đối thoại mỗi khi dân phản ánh hoặc có chăng chỉ phát đi văn bản cảnh báo công ty về hoạt động chăn nuôi gây mùi, thì không có biện pháp nào quyết liệt, hiệu quả để xử lý hành vi trên: "Theo quy định, cấp nào chấp thuận chủ trương dự án thì cấp đó có quyền xem xét, xử lý (dừng hoạt động) nếu doanh nghiệp không tuân thủ quy định. Do đó trong thẩm quyền, UBND huyện không có quyền đình chỉ hoạt động trại lợn mà chỉ có có quyền xin kiến chỉ đạo, xử lý", ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết.

Trước đó, ngày 26/4, UBND huyện Lang Chánh đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt mùi hôi trước ngày 5/5/2024. Nếu không chấm dứt tình trạng này, UBND huyện sẽ đề nghị cấp trên xem xét, dừng hoạt động chăn nuôi. Vậy nhưng sau thời gian trên, doanh nghiệp không những không khắc phục mà tiếp tục để trại lợn phát tán mùi hôi thối vào khu dân cư. Tỉnh Thanh Hóa cũng chưa có động thái quyết liệt để chấn chỉnh hoặc mở lối trong xử lý vụ việc.

Theo Sở TNMT Thanh Hóa, dù doanh nghiệp đã đầu tư các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp xử lý mùi hôi nhưng chưa hiệu quả. Mùi hôi vẫn phát sinh từ các khu chuồng trại, khu ép phân ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT Thanh Hóa) cho biết, qua kiểm tra, doanh nghiệp đã sử dụng men vi sinh để khử trùng chuồng trại nhưng không phải là chủng khử mùi nên hiệu quả xử lý không cao. Bên cạnh đó, khu vực trang trại ít cây xanh che chắn, dẫn đến mùi phát tán rộng rãi vào khu dân cư. Ngoài ra, việc phát tán mùi hôi còn có nguyên nhân do địa hình và vị trí đặt trại lợn.

Người dân chưa hết bức xúc. Ảnh: CTV.

Người dân chưa hết bức xúc. Ảnh: CTV.

Cũng theo bà Huệ, hiện nay chưa có máy móc để đo mùi thối phát sinh từ chất thải của trại lợn nên khó xử phạt hành vi ô nhiễm không khí. “Máy móc chỉ đo được khí H2S, loại khí không màu, có mùi hôi đặc trưng của trứng thối và mẫu amoniac, đặc trưng mùi khai, chứ không thể đo được mùi hôi thối từ phân lợn. Việc xử phạt doanh nghiệp trong trường hợp này là khó bởi, quy chuẩn môi trường không khí xung quanh chỉ mang tính chất tham khảo, không giống như việc đo khí thải ở cột khói xả ra môi trường. Trong khi đó không khí qua kiểm tra một số chỉ số ở khu vực dân cư vẫn chưa vượt ngưỡng cho phép”, bà Huệ cho biết.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng cán bộ cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Bộ NN-PTNT

Ngày 14/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.