Rải diện tích chong đèn thanh long
Từ tháng 10 âm lịch đến nay, nông dân Bình Thuận bắt đầu chong đèn thanh long để ra trái nghịch vụ nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu trước và sau dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Nguyễn Tánh, ở thôn 5, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, những tháng gần đây, giá thanh long được thu mua ổn định, dao động từ 12-13 ngàn đồng/kg (ruột trắng). Với giá này dù không cao như trước đây, nhưng đảm bảo nông dân sản xuất có lãi. Vì vậy hiện nay, hầu hết các vườn đều tập trung chong đèn thanh long, dồn sức chăm sóc nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng trái thanh long để đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Tánh, để tránh sản lượng dồn một lúc, cũng như đảm bảo đầu ra, hiện nông dân trồng thanh long thực hiện rải diện tích chong đèn ra nhiều pha khác nhau.
Như tại gia đình ông Tánh với diện tích hơn 1 ha, tương đương 1.100 trụ thanh long, đầu tháng 10 âm lịch vừa qua đã chong đèn 350 trụ để thu hoạch trái bán vào dịp tháng Chạp tới. Đối với diện tích còn lại ông đang tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh để tiếp tục chong đèn vào những ngày tới. Dự kiến, một số diện tích này sẽ thu hoạch thanh long vào đầu và cuối tháng giêng năm sau.
Tại xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, theo ghi nhận của chúng tôi, nông dân trồng thanh long cũng chia nhiều diện tích để chong đèn để thu hoạch lứa trái vào thời điểm bất kỳ những tháng cuối năm, cũng như phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp cho biết, toàn xã có khoảng 1.800 ha thanh long. Để cho cây thanh long ra hoa, cũng như đảm bảo lứa trái thu hoạch vào dịp cuối năm đạt hiệu quả cao, đáp ứng thị trường xuất khẩu, nông dân trên địa bàn đang vận dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào. Trong đó, việc bón phân cân đối và đầy đủ cho cây cũng như phòng trừ sâu bệnh trước khi tiến hành chong đèn là điều rất quan trọng.
“Hiện nay bà con rất hào hứng chong đèn thanh long cũng như tập trung chăm sóc với kỳ vọng sẽ bội thu khi thu hoạch vào dịp trước và sau Tết”, ông Cường bày tỏ.
Theo nông dân, thông thường những lứa thanh long nghịch vụ thu hoạch từ tháng Chạp trở đi, giá thu mua thường ở mức cao trên dưới 20 ngàn đồng/kg, còn thấp cũng được 12 - 13 ngàn đồng/kg. Chỉ những năm ảnh hưởng dịch bệnh, giá thanh long mới thu mua thấp. Tuy nhiên với tín hiệu giá thanh long những tháng vừa qua thu mua ổn định nên bà con vẫn kỳ vọng cho lứa trái thu hoạch vào dịp cuối năm và đầu năm 2024 sẽ khởi sắc.
Nâng cao chất lượng để đáp ứng thị trường
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 27.000 ha thanh long. Để đảm bảo năng suất và chất lượng thanh long phục vụ thị trường xuất khẩu vào những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc vườn, bón phân cân đối, bảo đảm hiệu quả và tăng cường phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác giám sát chất lượng, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, dự tính dự báo sinh vật gây hại và tuyên truyền quy trình sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, theo dõi, dự báo các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm để hạn chế việc vi phạm tiêu chuẩn xuất khẩu, gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu thanh long của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
“Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về canh tác, kinh doanh sản phẩm thanh long an toàn cho bà con, cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng thanh long. Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật và các quy định về quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của từng thị trường nhập khẩu”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận chia sẻ.
Được biết, đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 602 mã số vùng trồng thanh long gồm 82 mã số đi Mỹ, 119 mã số đi Hàn Quốc, 147 mã số đi Úc, 147 mã số đi New Zealand, 96 mã số đi Trung Quốc và 11 mã số đi Nhật Bản. Bên cạnh đó, 251 mã số cơ sở đóng gói thanh long gồm 227 mã số đi Trung Quốc, 10 mã số đi Úc, 10 mã số đi New Zealand, 1 mã số đi Nhật, 1 mã số đi Hàn Quốc, 2 mã số đi Mỹ. Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 8.600 ha thanh long VietGAP và 453 ha thanh long GlobalGAP.
Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ, thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) cho biết, hiện HTX có 35 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với đã đầu tư nhà xưởng, các loại máy móc hiện đại để chế biến thanh long theo quy trình khép kín. Nhờ vậy HTX không chỉ xuất khẩu thanh long quả tươi sang các thị trường Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ…thông qua liên kết với các công ty ở TP.HCM mà còn phát triển nhiều sản phẩm chế biến từ thanh long đạt chứng nhận OCOP phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, thôn 2, xã Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) cho biết, gia đình có 4 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tháng 10 vừa qua, gia đình đã bán 18 tấn thanh long xuất đi Úc và châu Âu, với giá từ 23-25 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông kiên định sản xuất thanh long GAP để đáp ứng mọi thị trường khó tính vào dịp cuối năm.
Theo ông Phan Văn Tấn, thời điểm cuối năm, thanh long sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Để hạn chế tình trạng người dân ồ ạt sản xuất dẫn đến lượng hàng lớn cùng một thời điểm gây ra tình trạng cung vượt cầu, giá cả xuống thấp, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND các địa phương tăng cường công tác liên kết chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ; cũng như tăng cường hướng dẫn người nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP.