| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy mặt hàng thanh long: [Bài 2] Tránh 'bỏ trứng vào một giỏ'

Thứ Năm 05/10/2023 , 05:55 (GMT+7)

Cùng với việc chế biến sâu để nâng cao giá trị cho trái thanh long, cần đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Tiềm năng chế biến sâu còn rất lớn

Theo ông Trần Đình Trung, Chủ tịch HĐQT HTX thanh long Thuận Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), HTX được thành lập từ năm 2016 với 11 thành viên. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long như chuyển đổi sang sử dụng bóng đèn led, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt…, đến nay, HTX có khoảng 10ha thanh long đạt chứng nhận hữu cơ châu Âu và 13,1ha có chứng nhận GlobalGAP.

Trái thanh long có thể chế biến sâu thành rất đa dạng sản phẩm, song hiện tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trái thanh long có thể chế biến sâu thành rất đa dạng sản phẩm, song hiện tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bài liên quan

Hiện mỗi năm HTX thanh long Thuận Tiến thu mua khoảng 300 tấn thanh long đạt chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu khắt khe như châu Âu, Úc, Mỹ... và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm 20ha trồng thanh long GlobalGAP với sản lượng dự kiến 30 tấn/năm để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường.

Là một trong những đơn vị sản xuất khép kín từ canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến, xuất khẩu trái thanh long tươi và chế biến ra nhiều sản phẩm từ trái thanh long, HTX thanh long sạch Hòa Lệ (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) có 10ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 25ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết tiêu thụ hơn 100ha thanh long sản xuất GlobalGAP, VietGAP với các HTX, hộ nông dân trên địa bàn các huyện trong tỉnh.

Theo ông Đỗ Tấn Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ, để tăng giá trị cho trái thanh long, tận dụng từ hoa, quả, nước, hạt, vỏ, HTX đã chế biến ra nhiều sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho bà con. Nhiều sản phẩm từ trái thanh long của HTX đạt OCOP 3 sao, 4 sao và sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Với thế mạnh về công nghệ chế biến, Công ty TNHH Phúc Hà (xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) cũng nghiên cứu ra nhiều sản phẩm từ trái thanh long như nước ép lên men, viên năng lượng hàng ngày, sản phẩm dầu chăm sóc cho quý ông làm tái tạo da, nước tương thanh long, hạt thanh long dinh dưỡng cho trẻ, bột thanh long… Đặc biệt, năm 2022, bột thanh long, hạt thanh long của HTX đã đăng ký sáng chế độc quyền tại Việt Nam và Mỹ.

Sản phẩm viên năng lượng được làm từ hạt và vỏ thanh long. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sản phẩm viên năng lượng được làm từ hạt và vỏ thanh long. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo bà Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Hà, vỏ quả thanh long dùng để chiết xuất bột màu thực phẩm tự nhiên; phần ruột thanh long ép lấy nước làm nước ép lên men và tách hạt, hạt sẽ được sấy khô và chế biến thành viên năng lượng..., không bỏ đi thứ gì. Thị trường về các sản phẩm chế biến từ quả thanh long rất tiềm năng.

"Hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã liên hệ để ký kết hợp đồng, tuy nhiên chúng tôi đang kêu gọi vốn đầu tư và mong muốn hợp tác với doanh nghiệp lớn để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ thanh long đạt chuẩn. Sản phẩm chế biến sâu từ trái thanh long cực kỳ tiêm năng, và chỉ có chế biến mới giúp thanh long phát triển bền vững, đi xa hơn”, bà Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Hà nói.

Xây hệ sinh thái riêng cho thanh long Việt Nam

Bình Thuận là một trong những địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước, cộng với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu cho phát triển thanh long. Trước nhu cầu phát triển thanh long tại Bình Thuận, HTX Hệ sinh thái sản xuất và Tiêu dùng bền vững Bình Thuận đã ra đời.

“Chúng ta không nên phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà cần có tầm nhìn, sứ mệnh riêng. Vì thế phải cùng chung tay xây dựng quy trình kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị sản xuất trái thanh long với nhau. Hệ sinh thái đó ra đời sẽ giúp xây dựng một quy trình sản xuất bền vững, tiêu chuẩn sạch để trái thanh long sạch đến tay người tiêu dùng Việt Nam cũng như vươn ra thị trường xuất khẩu.

Chúng ta cần cùng cam kết với nhau trồng thanh long sạch để người Việt Nam ăn trước, sau đó mới đến thế giới ”, bà Nguyễn Hoàng Vân, Tổng giám đốc HTX Hệ sinh thái sản xuất và Tiêu dùng bền vững Bình Thuận nói. Bà Vân cho biết, HTX đang tập trung theo hướng đưa trái thanh long sạch, tươi ra thị trường trong nước đầu tiên.

Với rất nhiều lợi thế, Việt Nam cần phải xây dựng hệ sinh thái riêng cho trái thanh long. Ảnh: TL.

Với rất nhiều lợi thế, Việt Nam cần phải xây dựng hệ sinh thái riêng cho trái thanh long. Ảnh: TL.

“Mỗi resort của Mũi Né, Phan Thiết hay bất cứ nhà nghỉ, khách sạn nào của Bình Thuận cùng giới thiệu về trái thanh long Bình Thuận đến với du khách để nhận diện trái thanh long Bình Thuận khác với các tỉnh khác. Rồi tiếp đến là các hệ thống siêu thị bán lẻ cùng chung tay vào… Mỗi người góp một viên gạch thì khi ấy, thanh long Bình Thuận nói riêng và thanh long Việt Nam nói chung sẽ chinh phục được chính người tiêu dùng nội địa”, bà Vân nói thêm.

Tránh lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc

Bà Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu hàng Nông lâm thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thách thức, thanh long Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội.

“Việt Nam là một trong những nước tham gia vào nhiều hiệp định FTA, điều này mở ra rất nhiều cơ hội, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản, trong đó có thanh long”, bà Bình nói và cho biết, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương khi đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu sẽ đảm bảo tất cả mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam đều có những ưu đãi, những cơ hội lớn.

Cũng theo bà Bình, với đặc thù địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng..., Việt Nam có những sản phẩm nông sản có chất lượng ngon, quy mô sản xuất lớn, sức cạnh tranh cao. Đây là những lợi thế so với các nước khác. Chẳng hạn như Việt Nam có thể trồng thanh long trái vụ so với Trung Quốc. Khi vụ thu hoạch thanh long chính của Trung Quốc rơi vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, thì Việt Nam có thể chuyển đổi trồng thanh long trái vụ để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc khiến thanh long Việt Nam gặp không ít hệ lụy. Ảnh: TL.

Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc khiến thanh long Việt Nam gặp không ít hệ lụy. Ảnh: TL.

“Do đó, Việt Nam cần tận dụng những cơ hội này nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp cần nắm bắt và kịp thời tiếp cận được các thị trường để khẳng định vị thế cho sản phẩm của Việt Nam”, bà Bình nói.

Đối với thị trường tiêu thụ trong nước, theo bà Bình, đây là thị trường rất tiềm năng, do đó các doanh nghiệp cần phải chú ý và đưa ra những cơ chế chính sách kết hợp với các hiệp hội, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối để đưa các sản phẩm thanh long tới người tiêu dùng, đồng thời chú trọng hơn nữa cho khâu quảng bá về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thanh long. Từ đó, thúc đẩy người tiêu dùng nội địa yêu thích, tin dùng các sản phẩm thanh long...

Theo bà Trần Thanh Bình, đối thị trường Trung Quốc, cần phải có những hoạt động kết nối với các địa phương phía Bắc để tổ chức các giải pháp đưa hàng xuất khẩu ổn định, tránh tình trạng ùn ứ xe tại cửa khẩu.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, bà Bình cho rằng cần phải có những giải pháp để đa dạng hóa thị trường hơn nữa, tránh lệ thuộc chỉ vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại theo các hình thức khác nhau.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.