Việc mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long là một yêu cầu cấp thiết, trong đó châu Âu là những thị trường hứa hẹn đầy triển vọng.
Đẩy mạnh xuất khẩu thanh long Bình Thuận vào thị trường châu Âu
Hiện nay, việc mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long là một yêu cầu cấp thiết, trong đó châu Âu là những thị trường hứa hẹn đầy triển vọng.
Bình Thuận là một trong những tỉnh trồng thanh long lớn nhất cả nước với diện tích trên 27 nghìn ha, sản lượng thu hoạch hơn 600 nghìn tấn. Trong đó có khoảng 400 ha thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện nay, thanh long Bình Thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu chủ yếu ở một số nước như Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha, chiếm tỉ trọng 8% về sản lượng, 16% về kim ngạch.
Sản lượng thanh long xuất khẩu còn hạn chế, do đó việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Âu đang được các ngành chức năng chú trọng nhằm khẳng định thương hiệu thanh long Bình Thuận trên thị trường thế giới.
Phỏng vấn: Ông TRỊNH ANH HÀO, Xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận
Cũng mong muốn sản phẩn đi được những thị trường khó tính để trang trại có thu nhập tồn tại được. Nhưng mà bây giờ đi một số thị trường khó tính thì khi thị trường đó mở rồi thì vướng bản quyền về thanh long ruột đỏ nên đây là khó khăn không bán được phải bán qua thị trường Trung Quốc thôi. Khó nhất là mình phải có giấy chứng nhận nguồn gốc giống đó có phải là LD1 hay không, nó trùng với bộ gen với bên Hoàng Phát hay không.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Thương mại quốc tế phối hợp với sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án cơ chế hệ thống cho thương mại cho an toàn hơn ở Việt Nam và Lào.
Tại buổi tập huấn, Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh vườn trồng và cơ sở sơ chế, đóng gói trái thanh long để xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý vấn đề hiện nay châu Âu yêu cầu Việt Nam kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với 100% quả thanh long xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Cùng với đó đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt ngưỡng dư lượng cho phép.
Phỏng vấn: Bà MARGARETA VON KIRCHBACH,Chủ nhiệm dự án SYMST
Dự án sẽ hỗ trợ, như anh chị thấy thứ nhất là cuốn tập huấn hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng, và cuốn sổ tay đó sẽ là tài liệu để giúp cho nông dân biết làm sao để thiết lập được vùng trồng thanh long xuất khẩu đi châu Âu cũng như là cung cấp các khóa đào tạo và thanh long là 1 trong 3 sản phẩm mà dự án, mục tiêu của dự án là hồ tiêu, bưởi và thanh long hỗ trợ cho thanh long tức là hỗ trợ cho Bình Thuận.
Dự án sẽ hỗ trợ cuốn sổ tay hướng dẫn sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là tài liệu giúp nông dân thiết lập vùng trồng đạt tiêu chuẩn châu Âu. Người trồng, doanh nghiệp, HTX xuất khẩu trái thanh long khi áp dụng sẽ không bị nhiễm các loại dịch hại khi bị châu Âu kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu. Đồng thời sử dụng các loại thuốc trừ dịch hại không bị cấm sử dụng và không vượt ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, người sản xuất, kinh doanh còn giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu của châu Âu.
Phỏng vấn:Ông NGÔ XUÂN CHINH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật Nông nghiệp
Hiện nay châu Âu đang mở cửa cho chúng ta tất cả các mặt hàng trái cây và đặc biệt với châu Âu hiện nay người ta không quy định mã số vùng trồng hay các thứ, đấy là những cái rất thuận lợi. Nhưng ở thị trường châu Âu có một đặc tính mà chúng tôi gọi là thị trường khó tính, đặc biệt hiện nay là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hầu như là dễ đụng. Đấy là những cái hiện nay trong quá trình canh tác bà con chú ý phải đảm bảo sử dụng thuốc đúng lúc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đặc biệt phải có thời gian cách ly nó đúng để làm sao chúng ta không bị dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu, thị trường quy định rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, người sản xuất, doanh nghiệp và các địa phương ở Bình Thuận cần có giải pháp tổ chức sản xuất đồng bộ để thanh long Bình Thuận đạt chuẩn, tiến sâu vào thị trường châu Âu trong thời gian tới.