| Hotline: 0983.970.780

Thanh long XK sang Trung Quốc sẽ gặp khó?

Thứ Ba 26/02/2013 , 10:07 (GMT+7)

Hiện hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc đang có những chính sách khuyến khích người dân trồng thanh long trên diện tích lớn.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long chính và ổn định của Việt Nam từ nhiều năm nay. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2012, kim ngạch XK các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam là 800 triệu USD, tăng 100 triệu USD so với kế hoạch mà Bộ Công Thương đưa ra từ đầu năm 2012.

Trong 218 triệu USD mà Trung Quốc bỏ ra để nhập khẩu rau, quả từ Việt Nam thì khoảng 60% là dùng để nhập thanh long, còn lại là các mặt hàng rau, quả khác. Hiện Trung Quốc là thị trường XK thanh long chính của Việt Nam với gần 80% thị phần.

Ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn trái miền Nam cho biết, hiện hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc đang có những chính sách khuyến khích người dân trồng thanh long trên diện tích lớn và điều này có thể ảnh hưởng đến thanh long của Việt Nam XK qua thị trường này trong vài năm tới. Ông Châu cho biết thêm, so với Trung Quốc thì Úc là nước đã trồng thanh long khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long ở nước này không nhiều vì người dân Úc không chuộng trái thanh long, một phần vì giá thành thanh long trồng ở Úc cao hơn ở Việt Nam nên về lâu dài sẽ không ảnh hưởng đến XK thanh long của Việt Nam.

Tuy nhiên, diện tích thanh long hiện nay của Trung Quốc là bao nhiêu và tăng đến mức nào thì dừng lại thì vẫn chưa có con số chính xác. Nếu biết rõ thì Việt Nam có những chính sách mở rộng thị trường thay vì phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc sẽ khiến giá cả không ổn định.

Để thanh long Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, theo ông Châu thì ngay bây giờ chúng ta phải lên kế hoạch dài hạn để thanh long Việt Nam đạt tiêu chuẩn an toàn, đầu tư vào khâu công nghệ sau thu hoạch cùng những chương trình tiếp thị nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.

“Hiện Trung Quốc đang có những chính sách hỗ trợ nông dân trồng thanh long trên diện rộng để giảm nhập khẩu, vì thế Việt Nam cũng cần có chính sách để nâng cao chất lượng thanh long sau thu hoạch, tìm kiếm thị trường mới để giúp tăng giá trị XK trong những năm tới”- ông Châu nói.

Ông Bùi Đăng Hưng – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận đang gặp khó đầu ra, lượng thanh long XK năm 2012 chỉ đạt 60% so với cùng kỳ năm trước. Bình Thuận hiện là “thủ phủ” thanh long của cả nước với tổng diện tích trên 19.500 ha, sản lượng bình quân hàng năm gần 400.000 tấn. Thanh long Bình Thuận đã được XK sang thị trường Mỹ, châu Âu… Thị trường lớn nhất vẫn là châu Á với hơn 85% thị phần. Tuy nhiên, đến 80% sản lượng thanh long XK của tỉnh hiện nay bằng đường tiểu ngạch (chỉ 20% XK chính ngạch).

Về vấn đề đầu ra đang gặp khó, ông Hưng cho biết, nguyên nhân là những thị trường nhập khẩu thanh long của Bình Thuận như: Trung Quốc, Thái Lan… đều đang vào mùa trái cây nên họ hạn chế nhập trái cây từ bên ngoài. Để mở rộng thị trường XK thanh long bền vững thì ngoài tiêu chuẩn sạch, an toàn, đòi hỏi phải đáp ứng được những yêu cầu riêng của từng quốc gia nhập khẩu.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.