| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ khó khăn về chương trình mục tiêu Quốc gia tại Tây Nguyên

Thứ Bảy 11/02/2023 , 08:26 (GMT+7)

Các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã được Chính phủ họp bàn nhằm tháo gỡ khó khăn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quangchủ trì hội nghị tại tỉnh gia Lai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quangchủ trì hội nghị tại tỉnh gia Lai.

Ngày 10/2, tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Tây Nguyên về kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng.

Theo báo cáo, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Tây Nguyên là địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng, an ninh với diện tích rộng lớn, chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm tỉ lệ 6% dân số cả nước), trong đó đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 36,5%. Đời sống nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng năm 2022 đạt khoảng 52%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (khoảng 72%); thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương…

Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên là 11.731,505 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Riêng năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG cho vùng Tây Nguyên là 3.878,700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022. Tính đến ngày 31/12/2022, các tỉnh vùng Tây Nguyên giải ngân được 1.348,732 tỷ đồng, đạt 34,77%, thấp hơn 2,96% so với bình quân chung của cả nước là 37,73%.

Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện tốt, hiệu quả 3 chương trình MTQG là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề và có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị những khó khăn, vướng mắc. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị những khó khăn, vướng mắc. 

Đề xuất những khó khăn, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành Quyết định quy định về định mức hỗ trợ: Đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung, nên các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.

Mặt khác, đối với hỗ trợ đất sản xuất hiện nay nhiều địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho hộ nghèo. Tuy nhiên, Ủy ban Dân tộc không quy định cho phép hộ nghèo được sử dụng kinh phí hỗ trợ để mua đất sản xuất, nên các địa phương không còn quỹ đất sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, các văn bản hướng dẫn chưa được đồng nhất, dẫn đến các địa phương còn lúng túng. Ngoài ra, những khó khăn vướng mắc khác cần được tháo gỡ như: Cho phép người dân tự mua bán, chuyển nhượng đất sản xuất bằng nguồn kinh phí được hỗ trợ; hướng dẫn cụ thể đối với việc trên cùng một diện tích thực hiện khoán bảo vệ rừng, bảo vệ rừng có được nhận cùng lúc tiền thu được từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và nguồn vốn hỗ trợ khoán, bảo vệ rừng…

Trong khi đó, tỉnh Kon Tum cũng mong Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách như: Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm, dự toán hàng năm của địa phương gây nhiều khó khăn cho việc cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương.

Về thực hiện kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đều có thời gian thực hiện từ 2-3 năm, trong khi việc giao dự toán ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp) theo hàng năm.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, khu vực Tây Nguyên và miền Trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, khó khăn lớn nhất là hệ thống văn bản, hướng dẫn quy định khung của Trung ương; có những hướng dẫn quy định thì chưa rõ, nhiều cách hiểu khác nhau nên rất khó thực hiện, cần có sự điều chỉnh.

Về nguồn vốn, tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai chưa giao hết, việc sử dụng các nguồn vốn chưa hợp lý cho từng loại công trình, chương trình và từng địa phương (nguồn vốn tập trung và nguồn vốn sự nghiệp).

Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, do áp lực giải ngân trong quá trình thực hiện nên chất lượng công trình còn chưa cao, hồ sơ không đầy đủ; có những khó khăn do chính các quy định của các địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Để thực hiện hiệu quả trong thời gian đến, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, hiện đã bước qua năm thứ 2 của nhiệm kỳ 5 năm triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà các quy định còn chưa xong. Chính vì vậy, trong 3 năm còn lại sẽ có 1 khối lượng công việc khổng lồ kể cả việc phải điều chuyển, sửa đổi những quy định mà chúng ta đã áp dụng.

Trong năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát 3 chương trình này ở cấp độ cao nhất. Do vậy việc gì làm được thì báo cáo, chưa được thì nhận khuyết điểm sau đó sửa đổi và làm tốt hơn. Do vậy, đề nghị các địa phương, cấp bộ, ngành cần nỗ lực, cố gắng hơn trong công tác phối hợp triển khai.

“Cuối quý I năm 2023, chúng ta sẽ hoàn thành các văn bản còn thiếu, có thể rà soát một số nội dung có tính chất quyết định những văn bản chồng chéo hoặc chưa rõ. Sau đó, nếu tích cực làm tốt, phối hợp tốt, đầy trách nhiệm sẽ có báo cáo hoàn chỉnh trình Quốc hội trong thời gian sắp tới”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Hơn 120 gian hàng tham gia Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang

Đây là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đạt chuẩn OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận.