| Hotline: 0983.970.780

Thêm 'gậy mới' dẹp vi phạm công trình thủy lợi

Thứ Sáu 25/11/2016 , 07:30 (GMT+7)

Cùng với Luật Đê điều năm 2006, Dự thảo Luật Thủy lợi (đã được Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 ngày 14/11/2016) sẽ dành nhiều điều khoản chặt chẽ...

15-35-19_dscf0353
Luật Thủy lợi sẽ là hành lang pháp lí để chấn chỉnh vi phạm đê điều
 

Cùng với Luật Đê điều năm 2006, Dự thảo Luật Thủy lợi (đã được Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 ngày 14/11/2016) sẽ dành nhiều điều khoản chặt chẽ nhằm quản lí, bảo vệ các công trình thủy lợi, nhất là trong bối cảnh tình hình xâm hại các công trình thủy lợi đang hết sức phức tạp.

Ngày 24/11, Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức buổi làm việc với các cơ quan báo chí thông tin về Dự án Luật Thủy lợi. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Dự kiến, Luật Thủy lợi sẽ được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào năm 2017.
 

Nhiều hoạt động trong phạm vi bảo vệ phải xin phép

Dự thảo Luật thủy lợi ngoài nhiều nội dung quan trọng trong việc thay đổi cơ chế quản lí, khai thác các công trình thủy lợi theo hướng chuyển từ phí sang giá để khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi, còn có nhiều quy định chặt chẽ trong việc bảo vệ các công trình thủy lợi.

Theo dự thảo, Luật sẽ dành riêng một chương (chương V) gồm 10 điều quy định về an toàn công trình thủy lợi. Tại Điều 43 của dự thảo về trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình thủy lợi quy định: Trường hợp công trình mất an toàn, xảy ra sự cố nghiêm trọng đe dọa tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước và tổ chức thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp được thực hiện theo quy định về tình trạng khẩn cấp.

Để quản chặt và ngăn ngừa các hành vi xâm hại tới an toàn công trình thủy lợi tại các địa phương, nhất là tình trạng cấp phép chồng chéo ảnh hưởng tới công trình thủy lợi, dự thảo luật quy định: Các hoạt động liên quan đến công trình chỉnh trị sông; không gian thoát lũ ở hạ du hồ chứa thủy lợi; xây dựng các công trình hạ tầng thuộc vùng không gian thoát lũ vùng hạ du hồ chứa thủy lợi phải được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lí nhà nước về thủy lợi trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

15-35-19_dscf0357
Luật Thủy lợi sẽ là hành lang pháp lí để chấn chỉnh vi phạm đê điều
 

Đối với các công trình thủy lợi xây dựng mới hoặc đang khai thác, chủ đầu tư và đơn vị quản lí khai thác công trình phải có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình, mốc chỉ giới hành lang thoát lũ. Tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lí khai thác công trình thủy lợi phải có trách nhiệm trực tiếp và phối hợp với UBND cấp xã bảo vệ mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình…
 

Kiên quyết dỡ bỏ các công trình vi phạm

Đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các hoạt động sau đây chỉ được tiến hành khi có giấy phép của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền: Xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải vào công trình thủy lợi; khoan, đào phục vụ khảo sát địa chất, thi công công trình khai thác nước dưới đất, thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng; trồng cây lâu năm; xây dựng kho, bến, bãi bốc dỡ, tập kết nguyên vật liệu, vật tư, phương tiện, nhiên liệu; xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; khai thác các hoạt động du lịch, thể thao, nghiên cứu khoa học, các hoạt động kinh doanh dịch vụ; nổ mìn và các hoạt động gây nổ; xây dựng các công trình ngầm như ống dẫn dầu, cáp điện, cáp thông tin, đường ống cấp thoát nước, đường ống dẫn khí đốt…

Nhằm quản lí và xử lí triệt để các vi phạm công trình thủy lợi đang tồn tại, dự thảo Luật quy định rõ: Những công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ mà không ảnh hưởng tới an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi thì tiếp tục được sử dụng, nhưng không được mở rộng quy mô hoặc thay đổi kết cấu.

Tuy nhiên đối với những công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà có ảnh hưởng đến an toàn và năng lực phục vụ của công trình thủy lợi thì phải thực hiện các giải pháp khắc phục, trường hợp không thể khắc phục thì phải dỡ bỏ hoặc di dời.

Tổ chức, cá nhân có công trình buộc phải dỡ bỏ hoặc di dời sẽ được xem xét hỗ trợ kinh phí hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã và tổ chức quản lí khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc dỡ bỏ hoặc di dời những công trình…

Thời gian qua, tình trạng vi phạm, lấn chiếm, xâm hại tới các công trình thủy lợi nói chung, đê điều nói riêng đang hết sức nhức nhối tại nhiều địa phương. Trong khi đó, việc thực thi khắc phục, dỡ bỏ các công trình vi phạm ở các địa phương hết sức khó khăn, nhiều nơi thiếu kiên quyết, tiến độ rất chậm do thiếu các chế tài pháp lý. Nếu Luật Thủy lợi được thông qua vào năm 2017, sẽ có thêm “chiếc gậy” đủ mạnh, để cùng với Luật Đê điều chấn chỉnh lại thực trạng vi phạm.

 

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.