| Hotline: 0983.970.780

Thêm hai huyện ở Kiên Giang được xét công nhận đạt chuẩn

Thứ Tư 02/12/2020 , 08:40 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang vừa xét công nhận 2 huyện: Giồng Riềng và Gò Quao đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.

Giồng Riềng có nhiều xã NTM nhất tỉnh

Giồng Riềng là huyện thuần nông, nằm trong vùng Tây sông Hậu, thuộc tỉnh Kiên Giang, cách TP Rạch Giá 35 km về phía Đông. Huyện có diện tích tự nhiên gần 64 ngàn ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 58 ngàn ha. Tính theo địa giới hành chính, toàn huyện có 18 xã và 1 thị trấn, với trên 54 ngàn hộ dân sinh sống.

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang họp xét công nhận 2 huyện: Giồng Riềng và Gò Quao đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Trung Chánh.

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang họp xét công nhận 2 huyện: Giồng Riềng và Gò Quao đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Trung Chánh.

 Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Giồng Riềng luôn tăng cả về năng suất và chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất năm 2019 đạt 10.815 tỷ đồng, tăng 2.720 tỷ đồng so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 57 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,24%.

Kết quả nổi bật trong xây dựng NTM là diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ và theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý đầu tư. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực, bền vững. Thu nhập bình quân ổn định và được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, xã hội phát triển, môi trường ngày càng được bảo vệ…

Ông Phan Đình Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và cùng HĐND, UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện quan tâm thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở các xã. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, nhất là về nhận thức, quan điểm, lộ trình và giải pháp triển khai xây dựng NTM.

Hàng năm, phát động đăng ký xây dựng chuyên đề gia đình “5 không 3 sạch” đến từng hộ gia đình. Hiện nay, đã thành lập 18 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch góp phần xây dựng NTM”, 19 mô hình bảo vệ môi trường. Với mô hình đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, phụ nữ không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần… đã góp phần bảo vệ môi trường.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn và làm nền tảng để thực hiện thành công các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM, trong những năm qua huyện đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển mọi lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Từ đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Tổng vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện từ khi triển khai đến nay là gần 2.441 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, người dân phát huy tốt vai trò giám sát, đồng thời thực hiện tốt việc công khai các nguồn lực đóng góp đúng theo quy định.

Văn phòng Điều phối NTM Kiên Giang kiểm phiếu tại cuộc họp xét huyện Giồng Riềng và Gò Quao đạt chuẩn huyện NTM năm 2020, với 100% đại biểu tán thành. Ảnh: Trung Chánh.

Văn phòng Điều phối NTM Kiên Giang kiểm phiếu tại cuộc họp xét huyện Giồng Riềng và Gò Quao đạt chuẩn huyện NTM năm 2020, với 100% đại biểu tán thành. Ảnh: Trung Chánh.

Là huyện có số xã nhiều nhất tỉnh, với 18 xã, huyện đã xây dựng lộ trình, phân bố nguồn lực để xây dựng các xã đạt chuẩn NTM theo từng năm. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 3-4 xã về đích. Qua đó, toàn huyện đã có tổng số 18/18 xã đạt chuẩn NTM. Khi 100% số xã đã về đích, Giồng Riềng tập trung thực hiện các tiêu chí huyện NTM và đã được Ban chỉ đạo tỉnh thẩm định đạt chuẩn năm 2020.

Huyện Giồng Riềng đã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với diện tích trồng lúa là 47 ngàn ha và chỉ đạo các xã tích cực thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Đổi mới giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Đồng thời, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, với nhiều mô hình đa canh tổng hợp. Hiện nay trên địa bàn huyện có 10 loại mô hình sản xuất đa canh tổng hợp có hiệu quả kinh tế, tổng diện tích 6.542 ha,

Giồng Riềng tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí cấp xã, huyện NTM theo định hướng bền vững. Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu 5 xã đạt chuẩn NTM  nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Gò Quao - Hạt nhân từ xã điểm 

Năm 2009, xã Định Hòa (huyện Gò Quao) được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM. Đây là xã điểm đầu tiên của tỉnh Kiên Giang và là 1 trong 2 xã điểm do Trung ương chỉ đạo ở khu vực ĐBSCL. Định Hòa chính là xã điểm hạt nhân để huyện, tỉnh rút kinh nhiêm, nhân rộng ra các địa bàn khác.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Quao nhận xét, qua thời gian triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, đến nay huyện đã tạo được sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kế thừa, phát huy khá tốt kết quả giai đoạn trước. Huyện chủ động xây dựng Đề án huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018-2020 đã giúp cho các ngành, các cấp chủ động định hướng trong thực hiện nhiệm vụ.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đã phát huy hiệu quả, giao thông ở Gò Quao thông tháng, sạch đẹp, thuận lợi đi lại và giao thương hàng hóa. Ảnh: Trung Chánh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đã phát huy hiệu quả, giao thông ở Gò Quao thông tháng, sạch đẹp, thuận lợi đi lại và giao thương hàng hóa. Ảnh: Trung Chánh.

Xây dựng huyện NTM nâng cao xác định: nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, giữ gìn an ninh trật tự là những chỉ tiêu cần có kế hoạch chuyên đề thực hiện. Tiếp tục rà soát quy hoạch, thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển mô hình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng - OCOP. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 77 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%.

Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư đã phát huy hiệu quả theo định hướng đồng bộ tập trung. Ngày càng nhiều hộ nông dân tận dụng hết tiềm năng lợi thế đất đai, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, tạo ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Tập trung sản xuất đúng theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với từng vùng và thích ứng biến đổi khí hậu. Mạnh dạn chuyển đổi trên 2.700 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang mô hình tôm-lúa, trồng khóm, hồ tiêu và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế góp phần nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Xây dựng được 6 nhãn hiệu tập thể cho các loại cây trồng, thủy sản nuôi chủ lực của huyện, gắn với sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GobalGAP, hữu cơ. Đẩy mạnh thực hiện liên kết, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.811 tỷ đồng (năm 2020) tăng hơn 1.840 tỷ đồng so năm 2015 (3.971 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55,24 triệu đồng/người/năm. 

Các đoàn thể tham gia tích cực trong vận động thực hiện các mô hình điểm, môi trường sinh thái nhiều chuyển biến như: hỗ trợ dụng cụ chứa nước hợp vệ sinh, thắp sáng đường quê, xây dựng lò đốt rác gia đình, xây dựng bể thu gom vỏ chai thuốc BVTV, các công trình 5 không 3 sạch…

Huyện cũng đã vận dụng các nguồn vốn ngân sách lồng ghép với nguồn vốn các chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn huy động nhân dân đóng góp để bố trí theo hướng ưu tiên cho các nội dung trọng điểm của địa phương. Tổng kinh phí đã thực hiện hơn 2.189 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 250 tỷ đồng. Các nguồn vốn được phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng.

Huyện Gò Quao đã vận dụng nhiều nguồn vốn lồng ghép với các chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp... để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: Trung Chánh.

Huyện Gò Quao đã vận dụng nhiều nguồn vốn lồng ghép với các chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp... để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Toàn, sau khi 100% các xã đạt chuẩn NTM và huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, Gò Quao xác định phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 5 xã đạt chuẩn nâng cao và có ít nhất từ 1 xã trở lên đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định hiện hành. Xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu huyện Gò Quao phải gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

100% thống nhất công nhận 2 huyện NTM

Qua khảo sát, hiện nay huyện Giồng Riềng và Gò Quao đều đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM được công nhận và huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM. Do đó, có đủ điều kiện trình thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2020. Tại buổi họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang bỏ phiếu cho huyện Gò Quao và Giồng Riềng. Kết quả, 45/45 phiếu thống nhất công nhận 2 huyện đạt chuẩn NTM, đạt 100%.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang đề nghị 2 huyện sớm hoàn thiện thủ tục để hoàn tất các công việc để UBND tỉnh trình Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM. Đồng thời, yêu cầu địa phương phải tập trung giữ vững các tiêu chí, nhất là về môi trường, hộ nghèo, an ninh trật tự. Phát triển tổ chức sản xuất hiệu quả để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân. Có kế hoạch cụ thể để xây dựng xã nâng cao, kiểu mẫu ở giai đoạn tiếp theo.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.