| Hotline: 0983.970.780

Thi Hương ở thành Nam: Khoa thi Hương năm Tân Mão 1891

Thứ Năm 12/09/2019 , 09:40 (GMT+7)

Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974), người sáng lập Tạp chí Tri Tân đã có bài viết khảo cứu rất kĩ về kì thi Hương năm 1891 ở trường Nam (Nam Định).

Với tiêu đề “Khoa thi Hương năm Tân Mão (1891)”, đăng 3 số trên Tạp chí Tri Tân, từ số 78, ngày Thứ Năm 31/12/1942 đến số 80, ngày 14/1/1943 đã tái hiện lại toàn bộ sự kiện này.

8-le-xuong-dnh-kho-thi-huong-1897151717404
Lễ xướng danh khoa thi Hương năm Đinh Dậu. Ảnh: Andre Salles (Nguồn: Flickr.com).

Theo lệ của triều Nguyễn, thi Hương được tổ chức 3 năm một lần Hương vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Khoa Tân Mão 1891 có hơn 9 nghìn người thi gồm cả trường Nam Định và trường Hà Nội (thi chung). Nguyễn Tường Phượng mô tả quang cảnh trước ngày thi ở Nam Định thật ồn ào náo nhiệt vì đã hội tụ các sĩ tử ở các tỉnh, các thành.

“Từ trên bến dưới thuyền, đêm đến đèn thắp như sao, các sĩ tử kẻ đáp tàu thủy (khi xưa có đường xe lửa nhưng đã có tàu thủy , vì chở đông người nên tầu hay đắm, đã có một vài khoa như vậy), đi thuyền và đi bộ, người nào cũng có vẻ vừa lo, vừa mừng, không bút nào tả hết được”.

Ngày 25 tháng 9 (âm lịch) là ngày các quan trường tiền trường. Khi các quan đã tiến trường rồi thì các cửa trường đều đóng chặt, canh phòng rất nghiêm mật. Quan Tổng đốc Nam Định lúc ấy là Đỗ Huy Điền đã phái một viên lãnh binh đem lính tỉnh đi tuần quanh trường đề phòng sự gian lận.

Khoa Tân Mão số thí sinh vào “phúc hạch” chỉ còn 113 người. Kì này các thí sinh được đặc cách nộp lều chõng từ chiều hôm trước tại nhà quan cư ở trước của trường. Lều chõng do lại phòng và đội thể sát ra thu lấy đề tên vào rồi sáng hôm sau quan trường đã cho đóng sẵn ở các vi, trước mỗi lều có ghi tên thí sinh vào cái biển bằng cót quét vôi trắng. Khoa thi ấy trong bốn vi chỉ mỗi vi có độ 30 lều, cách nhau rất xa, không ai hỏi han bàn tán gì được.

Khi các thí sinh đã vào đủ, đầu bài cũng do đội thể sát đưa ra đến tận lều cho, không ai được ra khỏi lều. Nếu ai có muốn ra hay muốn dòm sang lều bên kia là quan Ngự sử ngồi trên chòi canh sai đội Thể sát gọi loa bắt phải ngồi yên ngay. Đến mặt giời lặn, phải nộp quyển hết. Sau đấy các quan hội đồng chấm để lấy đỗ và xếp đặt trên dưới làm bảng giải ngạch. Ngày 12 tháng 1 xướng danh.

Theo quy định của triều đình, giải ngạch cử nhân khoa Tân Mão định lấy là 50 người trong đó 25 thí sinh trường Hà, 25 thí sinh trường Nam nhưng cuối cùng đã lấy tới 70 người đỗ tất cả, vì có ‘ân điển’ gia thêm 15 người, sau lại cho thêm vào hạng cử nhân các khóa sinh: Đỗ Đại, Vũ Thiện Đễ, Nguyễn Duy Nhiếp, Vũ Tiến Cơ, Nguyễn Văn Thụy.

Giải ngạch tú tài thì cứ một cử nhân ba tú tài, Tân Mão có tất cả 195 tú tài. Người đỗ đầu khoa Tân Mão hay theo lối gọi ở trường thi ông Thủ khoa hay giải nguyên, là Đặng Trần Vỹ, người huyện Từ Liêm, Hà Nội. Người trẻ tuổi nhất trong kì thi Tân Mão là Đặng Vũ Hoan, đỗ thứ 50 người làng Hành Thiện tỉnh Nam Định, năm đó 22 tuổi. Thí sinh nhiều tuổi nhất trong bảng này là Nguyễn Hữu Thu, đỗ thứ 13 người làng Tây Tựu huyện Từ Liêm, năm ấy đã 52 tuổi.

Nguyễn Tường Phượng có nhận xét: Xét ra phần đông các quan lại ở Bắc Kì gần đây là xuất thân ở bảng Tân Mão, nhiều vị làm quan có chính tích hay, có sự nghiệp, đức vọng, văn chương, tiêu biểu là ông Phạm Văn Thụ (sau làm Tuần phủ Thái Bình, viết cuốn Thái Bình thông chí). Bảng thống kê 70 người đỗ khoa thi này của Nguyễn Tường Phượng rất sát với bảng thống kê của Cao Xuân Dục trong “Quốc triều Hương khoa lục”.

8-cc-tn-kho-di-qunh-thnh-pho-nm-dinh151717162
Các tân khoa kỳ thi Hương 1897 đi quanh thành phố Nam Định. Ảnh: Andre Salles (Nguồn: Flickr.com).

Thật ra, trong khoa thi này còn một số tên tuổi mà sau này cũng có sự nghiệp, tên tuổi như Ngô Giáp Đậu, người Tả Thanh Oai, người đã viết cuốn “Hoàng Việt Hưng Long chí” nối tiếng; Trần Mĩ, sau làm Tổng đốc Thái Bình, người đã cung tiến để trùng tu đền Đồng Sâm có diện mạo như ngày nay, Phạm Duy Du, đỗ thứ 4, người Cần Phán, Thái Bình, sau đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi 1895, làm tri phủ Kiến Thụy (Hải Phòng) và ngầm liên hệ với kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm và làm nội ứng cho Mạc Ðình Phúc nổi dậy đánh chiếm phủ Kiến Thụy. Cuộc khởi nghĩa sau đó thất bại, Mạc Ðình Phúc bị xử chém đầu, Phạm Duy Du bị triều đình quy tội có biểu hiện vô trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ và bị kết tội đày ra Côn Ðảo, sau mất ở đó, hưởng dương 39 tuổi.

Khoa thi Hương cuối cùng được triều đại nhà Nguyễn tổ chức là khoa Mậu Ngọ năm 1918 tại trường Thừa Thiên.

Cuộc khoảng hoảng của xã hội Việt Nam về kinh tế - văn hóa - chính trị dưới sự dẫn dắt của nhà Nguyễn trước sức mạnh quân sự và nền văn minh phương Tây, đứng đầu là Pháp đã đưa xã hội Việt Nam bước vào thời kì mới: Thực dân nửa phong kiến. Trước sức ép của khoa học, nền giáo dục của Pháp và sức ép quân sự, hành chính của thực dân Pháp, vua Khải Định không còn con đường nào khác là đau đớn ra chỉ dụ bãi bỏ khoa cử ở Việt Nam:

Vua phê rằng: “Lần này là khoa thi Hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo cả hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình qua Bộ Học để xin vào ứng thí, lấy tên khoa này là Ngự tứ ân khoa để sau này lập ra Hội Hàn lâm. Truyền tuyển chọn quan Thư tịch để mở rộng đường cho kẻ sĩ. Truyền cho các quan Đại thần Cơ mật nghị bàn ổn thỏa phúc tâu lên đợi chỉ” ( Đồng Khánh, Khải Định chính yếu. NXB Thời đại 2010, Nguyễn Văn Nguyên dịch. Trang 418).

Từ đây, nền thi cử khoa bảng Nho học Việt Nam tồn tại 844 năm đã chấm dứt hoàn toàn, nền giáo dục Việt Nam rẽ sang một ngả khác.

Xem thêm
Dàn nghệ sĩ khách mời 'đốt cháy' sân khấu 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'

Vừa qua, ca sĩ Will, Khải cùng Ngô Trúc Linh đã đem đến bữa tiệc cảm xúc tại đêm nhạc gây quỹ từ thiện 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.